Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Tư 22/11/2023 11:13(GMT+7)

Zalo

Năm năm trước, Đặng Văn Lâm gây xúc động mạnh với hình ảnh “Lửa Việt bừng trong mắt gấu Nga” khi hướng ra khán đài Mỹ Đình, đưa tay chào như một quân nhân trong trận thắng Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2018. Năm năm sau, cũng chính ở mặt cỏ này, anh gợi liên tưởng đến một linh vật khác, với ý nghĩa gắn liền với sự phát triển của bản thân và cả ĐT Việt Nam: loài rắn.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

Vì sao có sự so sánh lạ lẫm ấy? Hãy cùng Trên đường Pitch tìm hiểu trong bài viết này.

Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn 1
ĐT Việt Nam vs Iraq 21/11

Ký ức kinh hoàng

Biệt danh tại quê nhà: “Roberto Carlos của Iraq”. Truyền thông quốc tế gọi: “Gareth Bale của châu Á”. Các CLB danh tiếng từng khoác áo: Udinese, Atalanta. Từng lập siêu phẩm đá phạt vào lưới Uruguay ở U20 World Cup 2013.

Đó là sơ yếu lý lịch khủng của người đứng trước chấm phạt trực tiếp ở phút 90, hướng về khung thành Đặng Văn Lâm. Và người gác đền của Việt Nam, dù không biểu hiện sự run sợ, vẫn bất lực nhìn bóng xoáy vào góc chữ A.

Người ghi bàn thắng đẳng cấp ấy là Ali Adnan, còn trận thua 2-3 ấy là ở lượt khai màn vòng bảng Asian Cup 2019.

Lục lại ký ức đó, ta ngỡ ngàng cái dớp thua phút cuối trước Iraq là có thật. Vì 4 năm trước đó (như đã đề cập trong bài viết “Văn Toàn: Đã đến lúc phục thù cho Công Vinh!”), chúng ta từng bị Sư tử Baghdad giật mất hai điểm với bàn gỡ hòa ở phút bù giờ.

Thật thú vị khi biết sau những Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Uzbekistan, giờ đây, bóng đá Việt Nam có thêm một đối thủ duyên nợ và thậm chí là “kỵ giơ” như vậy: “Quá tiếc vì chúng tôi nhận bàn thua lúc trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Việt Nam đã cố gắng cao nhất có thể, khi luôn phải chơi dưới áp lực quá lớn từ Iraq. Nhưng cũng vì đã thể hiện tinh thần chiến đấu cao, việc phải nhận thua ở những giây cuối là kết cục nghiệt ngã”, Văn Lâm phát biểu sau trận đấu.

Thủ môn Việt kiều trấn giữ khung thành ở 2/3 trận đấu “nghiệt ngã” trước Iraq như đã đề cập, là nhân chứng sống cho cái dớp ấy. Và nếu nhìn cận cảnh, anh cũng có tác động nhất định tạo ra bi kịch.

Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn 2
 

Văn Lâm dường như đã xuất tướng chậm một nhịp - hay ít nhất là nửa nhịp sau đường tạt nhanh, mạnh của Ibraheem Bayesh - nên không kịp can thiệp trước pha bằng vào đánh đầu dũng mãnh như Sinbad của Mohanad Ali.

Còn năm năm trước, những ý kiến cho rằng Văn Lâm mắc lỗi vì đứng quá lệch về một bên khung thành nên không kịp bay về bên còn lại là quá khắt khe. Nguyên tắc cơ bản nhất của thủ môn là phản ứng chứ không phải phán đoán, đặc biệt với những quả phạt trực tiếp. Lâm cũng đã xếp đến 5 người làm hàng rào trong tình huống đó (thay vì số lượng thông thường là 4). Tuy vậy, Văn Lâm vẫn có cơ hội làm tốt hơn: Như đã nói ở trên, phản ứng càng sớm sau khi bóng rời chân đối thủ thì khả năng cản phá càng cao. Văn Lâm đã phản ứng với độ trễ quá lớn sau pha cứa lòng của Ali Adnan.

Thủ thành sinh năm 1993 hiện diện, tham gia và chịu một phần trách nhiệm trong hai lần gục ngã gần nhất trước Iraq. Anh dĩ nhiên cũng cảm nhận nỗi buồn sâu sắc nhất.

Phía sau bi kịch

Nhưng sự tuyệt vời của thất bại là nội hàm của nó không chỉ có sai lầm/thiếu sót và nỗi buồn. Có những nỗi đau thất bại là minh chứng cho quá trình tiến lên:

Việt Nam ở đâu trong lần tức tưởi phút cuối đầu tiên trước Iraq? Đoàn quân HLV Toshiya Miura vừa thất bại ở Bán kết AFF Cup 2014 và vẫn mông lung trên con đường tìm lại ngôi vương Đông Nam Á.

Năm 2019, Việt Nam lần thứ hai dự Asian Cup với mong muốn để lại dấu ấn nào đó sau khởi đầu hứng khởi dưới triều đại Park Hang-seo. Ở trận mở màn ngày ấy, chúng ta không hề biết mình có thể lách qua cửa hẹp vào vòng trong và tiến sâu đến Tứ kết.

Còn với trận đấu vừa qua, tuyển Việt Nam đến vòng loại World Cup 2026 với tư cách đội từng vào vòng loại cuối World Cup 2022. Dù còn vô vàn gian khó, chúng ta đặt quyết tâm vào một chút cơ hội có thể làm nên chuyện, hoặc ít nhất là trở lại vòng loại cuối - đấu trường đỉnh cao của châu Á.

Vậy là rõ ràng và thật kỳ lạ, cứ mỗi khi Iraq xuất hiện, chúng ta lại ở vị thế cao hơn trước. 

Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn 3
Nguyễn Thanh Nhàn 2003 Việt Nam vs Iraq 21/11

Từ chỗ có thể chọc thủng lưới Việt Nam 3 bàn và có thể kết liễu chúng ta bằng tuyệt kỹ đẳng cấp năm 2019, nay họ vất vả thắng ở giây cuối cùng. Màn cởi áo ăn mừng cảm xúc của Mohanad Ali là bằng chứng sống động nhất.

Jesus Kasas, HLV của Iraq cũng có một sơ yếu lý lịch hoành tráng: từng là trợ lý ĐT Tây Ban Nha cho HLV Luis Enrique; thậm chí từng được bậc thầy Guardiola mời đến Barcelona, trong giai đoạn Pep dẫn dắt những Messi, Alves, Puyol... Và ông nhận định như thế này về tuyển Việt Nam sau trận đấu:

“Việt Nam là một đội bóng mạnh. Họ gây ra nhiều khó khăn cho các cầu thủ của tôi. Trong trận đấu hôm nay, chúng tôi có một vài cơ hội rõ ràng. Tôi rất vui vì 2 đội đều chơi cống hiến và cũng rất hạnh phúc với chiến thắng này”.

“Việt Nam có lối chơi rõ ràng, họ muốn chơi kiểm soát bóng và có hành lang biên tốt. Điều này tốt cho họ và đây sẽ là hành trình dài của ĐT Việt Nam ở Vòng loại World Cup 2026”.

“Việt Nam có nhiều cầu thủ trẻ, tương lai của họ rất xán lạn. Họ có trình độ tốt và đây là điều đáng mừng cho ĐT Việt Nam. Tôi không thể so sánh cầu thủ trẻ với cầu thủ dày dặn kinh nghiệm nhưng họ đã có màn trình diễn tốt”.

Lửa trong mắt rắn

Đặng Văn Lâm là người chơi hay nhất trong màn trình diễn tốt một cách bất ngờ đó (không nhiều người nghĩ tuyển Việt Nam với nhiều vấn đề hiện tại sẽ trụ vững trước Iraq - đội theo HLV Troussier là đứng Top 6-7 châu Á và vừa đè bẹp Indonesia 5-1).

Trước sự nhập cuộc mạnh mẽ của Sư tử Baghdad, Văn Lâm nổi bật trong hệ thống phòng thủ của chủ nhà với ba pha cứu thua cực kỳ quan trọng trong hiệp một.

Cụ thể phút 14, Văn Lâm phản xạ tốt từ cú sút cận thành của Bashar Rasan, người trừng phạt đường chuyền hỏng của Phan Tuấn Tài. Phút 30, lại một cú sút trong vòng cấm của Aymen Hussien và Văn Lâm đã chơi an toàn, tập trung bắt gọn bóng. Phút 45, “Lâm tây” hóa giải một đường tạt và băng cắt khác của đội khách.

Bước sang hiệp hai, Văn Lâm có hai pha cứu thua còn ấn tượng hơn và thậm chí là xuất thần: Phút 67, Tuấn Tài một lần nữa làm mất bóng giúp Mohanad Ali có khả năng đối mặt với góc sút rộng mở… Nhưng Văn Lâm không cho phép điều đó xảy ra; anh nhanh chóng xuất tướng khép góc và dùng chân tranh cướp, phá bóng trong tiếng thở phào của đồng đội trẻ.

Phút 76, pha băng xuống hòng sút góc hẹp của Osama Rashid (khi một lần nữa Tuấn Tài mắc lỗi kèm người), Văn Lâm lại băng ra và chạm bóng bằng một tay. Lần này anh phải nhờ sự trợ giúp của đồng đội ở tình huống bóng hai mới giữ vững khung thành.

Với băng đội trưởng trên tay trong những phút cuối trận, Văn Lâm là ngôi sao, là điểm tựa thực sự của chủ nhà. Và trước đối thủ rất mạnh, những pha cản phá của anh không còn là bay người đẹp mắt như thường lệ, thay vào đó là những tình huống lăn xả liên tiếp như một quân nhân. Không còn hoa lệ như chú thiên nga (Văn Lâm hẳn có chút máu nghệ sĩ vì bố của anh là anh em song sinh của NSND ngành múa Đặng Hùng, còn chị họ là diễn viên múa Linh Nga), Lâm chấp nhận hóa thân loài bò sát để bảo vệ ngôi đền thiêng của bóng đá Việt.

Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn 4
Đặng Văn Lâm ĐT Việt Nam vs Iraq 21/11

Ở tuổi 30, song song quá trình tiến lên của bóng đá Việt Nam, Văn Lâm cũng đi một chặng xa so với 4 năm về trước. Ngày gặp Iraq trên đất UAE, Văn Lâm vừa được Muangthong United thông báo chiêu mộ. Sau đó, anh để lại dấu ấn chuyên môn ở Thai League, đủ tốt được một ông lớn ở J1 League ký hợp đồng và sau cùng về đại gia Bình Định với chiếc băng đội trưởng. Đó là hành trình giúp chàng trai trẻ trở thành thủ lĩnh.

Bộ kỹ năng của Văn Lâm đã hoàn thiện hơn nhiều theo thời gian. Tính sòng phẳng luôn ở đấu trường châu Á, sau khi gây ấn tượng ít nhiều tại Asian Cup 2019, anh có thêm ít nhất hai màn trình diễn ở đẳng cấp cao trước Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 và mới nhất là trước Iraq. Dù vẫn còn thiếu sót, nhất là trong khâu đưa ra quyết định di chuyển, Văn Lâm hẳn đã đủ trưởng thành để biết mình cần phải làm gì:

Nếu xem Văn Lâm trước Bầy sư tử tối qua là một chú rắn quả cảm, thì khi nhận cú cắn lạnh lùng cuối trận của loài mãnh thú - dù nghiệt ngã, cũng là cơ hội tốt khác để… hoàn thiện mình.

Loài rắn trong tự nhiên có một tập tính đặc biệt là lột da để phát triển cơ thể, cũng như loại bỏ những loài ký sinh trùng bám trên lớp da cũ. Khi thời điểm lột da đến, loài rắn tự tạo một lớp da mới dưới lớp da cũ, và sau khi quá trình này hoàn tất, chúng bắt đầu tiến trình lột da bằng cách… cọ vào đá hoặc thân cây để tạo một vết rách trên da, thường là ở mũi. Cuối cùng, chúng sẽ từ từ trườn ra khỏi lớp da cũ từ chính vết rách đó.

Văn Lâm với sự nghiệp thăng trầm của mình, đã nhiều lần lột xác từ những lớp da “trải nghiệm” hoặc “bài học đau thương” như thế. Thất bại - hay quá trình lột da là cực kỳ đau đớn (phải cọ vào đá hoặc thân cây hoặc… thua phút cuối trước Iraq), là bước chuẩn bị cho một tương lai nhiều cơ hội hơn.

Chặng đường phát triển của Văn Lâm là bảo chứng cho hiệu quả của tiến trình đau đớn đó. Và nhìn vào tấm băng đội trưởng được mang vào cuối trận, anh cần giữ vững và phát huy để còn làm gương cho các đàn em. Cụ thể như nói chuyện riêng với Tuấn Tài, người đã khóc hôm qua (sau cùng lại mắc lỗi theo kèm người tạt bóng tạo nên bàn thắng của Iraq) chẳng hạn.

Đặng Văn Lâm và bài học từ loài rắn 5
Phan Tuấn Tài bật khóc Việt Nam vs Iraq 21/11

Hãy nói với Tài: ĐT Việt Nam đã băng qua nhiều thất bại tức tưởi để đến được vị thế hôm nay, và lại vừa tức tưởi thêm lần nữa để chuẩn bị cho ngày mai. Anh cũng vậy. Và các em cũng vậy.

Trần Hoài Thuận

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

X
top-arrow