Juventus đã bị Liên đoàn Bóng đá Italy (FIGC) phạt nặng vì những sai phạm liên quan tới khâu kế toán, các báo cáo tài chính và thao túng thị trường.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
“Chỉ có ở Serie A.”
Đó là một điệp khúc phổ biến, đôi khi mang tính hài hước. Kiểu, “À, mấy gã người Ý điên rồ ấy mà” – cho thấy sự chán nản thường trực với những gì đang diễn ra ở giải đấu lớn nhất của Italia. Một số người hâm mộ coi đó là một câu chuyện hấp dẫn. Những vụ bê bối cứ như thể là một podcast tội phạm phiên bản bóng đá, hoặc là một chương trình về giáo phái đứng đầu bảng xếp hạng Netflix.
Tuy nhiên, những ai thực sự quan tâm đến danh tiếng của giải đấu này không nên lấy bất kỳ điều gì trong đó làm niềm vui. Thông tin Juventus bị trừ 15 điểm là điều chẳng lành với đội bóng này, và cũng chẳng tốt đẹp gì cho Serie A. Cho dù bạn ủng hộ đội bóng nào, đây không phải là lý do để ăn mừng nếu bạn muốn giải đấu phục hồi những gì đã mất, cũng như bù đắp khoảng cách doanh thu ẩn sau sự khác biệt quá lớn về khả năng cạnh tranh giữa Serie A và Premier League.
Juventus đang kháng cáo quyết định hôm thứ Sáu của Tòa phúc thẩm, bằng cách xem xét kiến nghị do công tố viên của Liên đoàn bóng đá Ý (FIGC) đưa ra để mở lại vụ điều tra về phí chuyển nhượng. Các thỏa thuận trao đổi cầu thủ cùng số tiền liên quan đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách, dẫn tới lệnh cấm đối với cựu chủ tịch của Juventus, Andrea Agnelli, cựu giám đốc bóng đá và hiện đang là GĐĐH của Tottenham Hotspur, Fabio Paratici, GĐTT hiện tại là Federico Cherubini và 8 GĐĐH khác.
Thậm chí, FIGC được cho là đang cân nhắc xem có nên mở một cuộc điều tra khác về cách Juventus trả chậm lương trong giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 hay không. Sau đó, vào cuối tháng 3, một quyết định sẽ được đưa ra về việc liệu cuộc điều tra Prisma do các công tố viên ở Turin, thành phố phía bắc nơi Juventus thi đấu có điều tra scandal này dưới dạng một vụ án dân sự hay không.
Sẽ rất dễ dàng để giải đấu và các đội bóng nhún vai và coi điều này là câu chuyện của riêng Juventus, một vấn đề do chính họ chuốc lấy. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy. Xét cho cùng, một giải đấu chỉ mạnh bởi những đội bóng lớn nhất.
Danh tiếng của Serie A với tư cách là giải đấu hàng đầu của châu Âu đã chìm trong bóng tối vào năm 2006 khi Calciopoli, một vụ bê bối về quyền lực đã kết thúc bằng việc Juventus lần đầu tiên xuống hạng. Một số CLB lớn khác, bao gồm AC Milan, Lazio và Fiorentina bị trừ điểm.
Nó làm tổn hại uy tín của Serie A. Những người hâm mộ vỡ mộng bắt đầu tránh xa giải đấu. Họ không chắc có thể tin vào những gì họ đang thấy hay không. Các sân vận động đổ nát khiến các trận đấu trở nên kém hấp dẫn. Các khán đài thì luôn tiềm ẩn nguy cơ bạo lực từ những người hâm mộ.
Rất nhiều chủ sở hữu bị cuốn vào trò chơi chính trị hơn là ý định cải cách giải đấu. Serie A nhanh chóng hụt hơi, không chỉ với Premier League mà cả La Liga và Bundesliga. Luật Melandri – điều luật hạn chế việc bán bản quyền phát sóng quốc tế theo giao dịch ngắn hạn – khiến Serie A không còn hấp dẫn các đối tác đầu tư trong việc kiếm thêm khán giả nước ngoài.
Một khi các chủ sở hữu, bao gồm người bảo trợ cũ của AC Milan Silvio Berlusconi và người từng là ân nhân của Inter Milan, Massimo Moratti ngừng kí những tờ séc và bán thốc bán tháo, hai gã khổng lồ thành Milan bắt đầu đi xuống. Khi chi phí làm bóng đá tăng vọt, giải đấu bắt đầu phụ thuộc vào các ông chủ lắm tiền và giao dịch cầu thủ, do những nguồn doanh thu thương mại khác đang bị bỏ quên một cách kinh ngạc.
Dễ hiểu khi Serie A không có nhà vô địch Champions League nào kể từ mùa giải 09/10. Thậm chí, nếu đội đầu bảng hiện tại là Napoli nâng cao chiếc cúp ở Istanbul vào tháng 6 tới, đó sẽ là một bất ngờ lớn.
Tất nhiên, những điều ở trên không có nghĩa là thập kỷ qua đã bị lãng phí.
Một trong những lý do khiến sự sụp đổ của Juventus gây ra nhiều cú sốc, là bởi Agnelli đã khôi phục vị thế vĩ đại của đội bóng này trong nước, cũng như giúp họ trở lại ở đấu trường châu Âu.
Từ năm 2010 đến 2018, Juventus là hình mẫu lý tưởng ở Serie A. Họ đã xây một sân vận động mới mang đến doanh thu lớn, phát hiện ra một HLV trưởng đầy triển vọng (Antonio Conte), trước khi thay thế ông bằng một người khác tài năng không kém (Massimiliano Allegri) và nuôi dưỡng văn hóa chiến thắng từ mùa giải này đến mùa giải khác.
Juventus đã giữ vững ngọn cờ đầu của giải đấu bằng cách lọt vào các trận chung kết Champions League 2015 và 2017, trong khi Milan và Inter đang dần trở lại. Trước đại dịch, tưởng như đã có lúc Serie A thực sự trên đà hồi sinh.
Cristiano Ronaldo cập bến Juventus. Inter đưa Conte về dẫn dắt đội bóng và ủng hộ ông hết mình. Quỹ đầu tư Elliott bắt đầu xoay chuyển tình thế của Milan. Ba ông lớn bắt đầu cảm thấy vị thế của mình lớn trở lại, và Serie A cũng vậy. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào giải đấu, con số hứa hẹn đủ lớn để xoay chuyển cán cân quyền lực khỏi tay các vị chủ tịch người Ý đang bế tắc. Tiếc thay, những tín hiệu lạc quan đã dần phai nhạt trong gần ba năm, kể từ khi đại dịch xảy ra.
Trên sân cỏ, bạn sẽ được tha thứ nếu nghĩ rằng mọi thứ vẫn ổn. Một giải đấu đầy tính giải trí và cạnh tranh trong sự hỗn loạn: Serie A nhiều khả năng sẽ có nhà vô địch thứ tư trong vài năm trở lại đây nếu Napoli, với khoảng cách 12 điểm so với đội đứng thứ hai khi mùa giải đã đi được nửa chặng đường lên ngôi vô địch lần đầu tiên kể từ năm 1990. Người hâm mộ lũ lượt quay trở lại nhờ được giải phóng khỏi một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt và lâu nhất do Covid-19. Giải đấu cũng đang có những bước tiến muộn màng vào thị trường Mỹ.
Nhưng đừng để bất kỳ điều gì trong số đó đánh lừa bạn. Bản quyền truyền hình hiện tại của Serie A có giá trị thậm chí ít hơn so với hợp đồng trước đó (657 triệu USD, bằng 1/9 so với Premier League).
Chỉ một đội trong ba ông lớn của Italia – ĐKVĐ AC Milan – hiện đang ở trong trạng thái ổn định nhờ triển khai mô hình bền vững chịu ảnh hưởng của dữ liệu, cũng như chịu khó cắt giảm chi phí. Giá trị của họ có thể gia tăng hơn nữa, nếu họ và Inter có thể sớm xây dựng một sân vận động mới (nếu sân vận động này không được xây ở Milan, thành phố hiện đại nhất nước Ý, thì đúng là chẳng còn hy vọng nào khác).
Jim Pallotta sau khi vỡ mộng đã phải cắt lỗ và bán AS Roma vào mùa hè năm 2020, sau gần một thập kỷ cố gắng giúp đội bóng tự chủ về mặt tài chính. Chủ tịch Fiorentina Rocco Commisso ngày càng tỏ ra thất vọng trong nỗ lực xây dựng một mô hình tương tự.
Các đội bóng nhỏ cũng có số phận ảm đạm không kém. Ngay sau khi Kyle Krause mua Parma vào năm 2020 và 777 Partners mua lại Genoa một năm sau đó, họ nhận ra những CLB đó cũng bị cuốn vào cuộc điều tra chuyển nhượng tương tự khiến Juventus bị trừ 15 điểm. Khi nhóm của Robert Platek tiếp quản Spezia vào năm 2021, họ đột nhiên phải kháng cáo lệnh cấm chuyển nhượng kéo dài tới hai mùa giải, chỉ vì ban lãnh đạo dưới quyền chủ sở hữu cũ đã ký hợp đồng với những cầu thủ chưa đủ tuổi từ Nigeria.
Đáng buồn thay, năm 2023 cũng bắt đầu một cách ảm đạm, với các cầu thủ của Lecce là Samuel Umtiti và Lameck Banda bị phân biệt chủng tộc từ khán đài, những kẻ cực đoan của Roma và Napoli đụng độ trên đường cao tốc, sự nghèo nàn từ TTCN tháng Giêng, còn Juventus thì tiếp tục bị mổ xẻ.
Đúng là chỉ có ở Serie A!
Lược dịch từ bài viết “The Juventus scandal is awful for the whole of Serie A. It could be crippling” của James Horncastle (The Athletic)