Kể từ khi BTC V-League “đẻ” thêm ra giải thưởng dành cho tiền đạo nội có phong độ làm bàn tốt nhất (năm 2008, với đồng “Vua phá lưới nội” là Ngọc Thanh và Đức Dương, cùng 12 bàn – PV), cho đến bây giờ, vẫn không một ai lặp lại được thành tích của chính mình.
Vì đâu và vì sao?
Việc “Vua phá lưới nội” thuộc biên chế đội bóng phải xuống hạng vào cuối mùa, như tình huống của Đặng Đạo với Khánh Hòa năm 2001 hay Hồ Văn Lợi và Cảng Sài Gòn, năm 2002, không được tính đến ở đây. Rất thường xuyên, “Vua phá lưới nội” không duy trì được sự ổn định của mình, nguyên nhân là do chấn thương hoặc bất ổn về tâm lý, như sự tự mãn chẳng hạn.
Công Vinh ở V-League 2010 là một biểu hiện rõ nhất, sau khi anh đã ghi đến 14 bàn thắng – một kỷ lục, ở mùa giải trước đó. Tương tự là Ngọc Thanh tại V-League 2009 (với vỏn vẹn 2 bàn, trong khi V-League 2008, Thanh đã ghi được 12 bàn)…
Đình Tùng đang là chân sút nội có thành tích ghi bàn đều đặn nhất hiện nay, cho dù Tùng chưa từng giành danh hiệu “Vua phá lưới nội”
Sau khi V-League 2008 kết thúc, Ngọc Thanh đã úp mở ý định xin thanh lý hợp đồng để tìm bến đỗ mới. Những bất đồng (với lãnh đạo và HLV) nảy sinh, khiến Thanh không còn là sự lựa chọn số 1 trên hàng công của XM.HP (giờ là V.HP). Việc thay đổi CLB, tức là môi trường thi đấu, cũng là một trong những lý do khiến các “Vua phá lưới nội” không duy trì được phong độ, ngay cả với những cầu thủ đã xác lập được đẳng cấp, mà Việt Thắng (V.NB) hay Quang Hải (N.SG) là những dẫn chứng tiêu biểu như thế.
Rõ ràng, để tìm được một Almeida hay Gaston Merlo với cả phần hồn và xác là người VN gần như điều không thể. Như đã thấy, cả Almeida và Gaston Merlo đều đã có 2 danh hiệu (và chưa có biểu hiện dừng lại) Vua phá lưới V-League 2 mùa giải liên tiếp cùng với SHB.ĐN. Và tỷ lệ bàn thắng/trận của họ đồng loạt được cải thiện ở mùa giải thứ 2, thay vì chỉ có biểu hiện thụt lùi như các tiền đạo nội.
Điều này cho thấy, khả năng thích ứng – cải thiện, cầu thị và cầu tiến của các ngoại binh tốt hơn hẳn so với cầu thủ bản địa. Đó cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.
Cần thêm những Đình Tùng
Thực tế cho thấy, tiền đạo nội vẫn có thể cải thiện được hình ảnh của chính mình (cũng như số lượng bàn thắng kèm theo), nếu biết nỗ lực, cùng những ý niệm nghiêm túc với nghề và quan trọng, không bị tác động bởi ngoại cảnh (chuyển CLB hay đội bóng phải xuống hạng). Đình Tùng (Thanh Hóa) là nhân chứng sống cho lập luận ấy.
Ở V-League 2009, Đình Tùng ghi được tới 13 bàn thắng, chỉ kém “Vua phá lưới nội” Công Vinh đúng 1 bàn. Năm 2010, thành tích của Đình Tùng tuy có giảm sút chút ít (7 bàn thắng, trong khi thành tích của “Vua phá lưới nội” V-League 2010 Quang Hải là 13 bàn), nhưng Tùng vẫn là tiền đạo chủ lực của Thanh Hoá. Hiện tại, sau 5 vòng Eximbank V-League 2011, Đình Tùng đang là cầu thủ nội có thành tích ghi bàn tốt nhất với 3 bàn thắng.
Đồng đội của Tùng kể rằng, cầu thủ nhỏ con người xứ Thanh này dường như được sinh ra để sút bóng. Đình Tùng mang bản năng sát thủ mỗi khi có bóng trong chân ở gần vòng cấm địa với kỹ năng dứt điểm khá đa dạng. Không phải lúc nào cũng được sắp đá tiền đạo lùi sở trường, nhưng rõ ràng, Đình Tùng là kiểu mẫu của một chuyên gia săn bàn có hạng.
Chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta có niềm tin và biết nỗ lực, cộng thêm một chút may mắn như môi trường thi đấu phù hợp hoặc không bị chấn thương. Trong tình huống cứ xuất phát với tâm lý mặc cảm, ỷ lại, hoặc tai hại hơn là sống bằng vinh quang của quá khứ, tiền đạo nội có lẽ mãi mãi phải núp dưới cái bóng quá lớn của các chân sút người nước ngoài. Đã và đang có rất nhiều những biểu hiện như thế rồi. Không nhất thiết cứ phải là “Vua phá lưới nội”, nhưng với sự lớn mạnh của V-League, hy vọng giải VĐQG sẽ không chỉ có mỗi Đình Tùng là tiền đạo nội duy nhất chưa quên cách ghi bàn.
• Với 64 bàn ghi được (kể từ V-League 2004 – 2009), tiền đạo Lê Công Vinh là cầu thủ VN có phong độ làm bàn tốt nhất và ổn định nhất, với trung bình hơn 10 bàn/mùa giải. Cụ thể, V-League 2004, mùa giải đầu tiên Vinh được chơi trên đội 1 SLNA, anh có 11 bàn. Thành tích của Vinh ở V-League 2005 là 10 bàn, V-League 2006 là 7 bàn, V-League 2007 là 11 bàn, V-League 2008 là 11 bàn, V-League 2009 là 14 bàn. Ở V-League 2010, Công Vinh chỉ có 1 bàn thắng sau 6 trận trước khi nghỉ đến hết mùa vì bị treo giò và chấn thương. • Về tỷ lệ các bàn thắng/trận, hiện chỉ có Quang Hải (K.KH trước đây và N.SG hiện tại) có thể so được với Công Vinh. Bỏ qua 2 mùa giải 2006 & 2007, khi Quang Hải hầu như chỉ ngồi dự bị ở K.KH, từ V-League 2008 đến V-League 2010, trung bình mỗi mùa giải Quang Hải ghi được 11 bàn. Cụ thể, V-League 2008, Hải có 9 bàn; V-League 2009 là 11 và lần gần nhất tại V-League 2010, Hải đoạt danh hiệu “Vua phá lưới nội” với 13 bàn thắng, đúng như số áo 13 mà chân sút này mang trên lưng. |
Mùa bóng | Vua phá lưới | CLB | Số bàn thắng | Số trận | Tỷ lệ |
2000 – 2001 | Đặng Đạo | Khánh Hoà | 11 | 18 | 0,61 |
2001 – 2002 | Hồ Văn Lợi | Cảng Sài Gòn | 9 | 18 | 0,50 |
2003 | Achilefu | Nam Định | 11 | 22 | 0,50 |
2004 | Amaobi | Nam Định | 15 | 22 | 0,68 |
2005 | Kesley Alves | B.BD | 21 | 22 | 0,95 |
2006 | Elenildo | TMN.CSG | 18 | 24 | 0,75 |
2007 | SHB.ĐN | Almeida | 16 | 26 | 0,62 |
2008 | SHB.ĐN | Almeida | 23 | 26 | 0,89 |
2009 | + Gaston Merlo | SHB.ĐN | 15 | 26 | 0,58 |
2010 | Gaston Merlo | SHB.ĐN | 19 | 26 | 0,83 |
2011 | ? | ? | ? | ? | ? |