Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng VFF đã chuyển giao toàn bộ thương quyền các giải đấu do VPF tổ chức cho chính đơn vị này.
Chiều ngày 13/07 công văn số 527 được chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký đã được gửi tới Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Công văn nêu:
Căn cứ Biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG được ký giữa Công ty Cổ phần Viễn thông & Truyền thông An Viên (AVG), Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Liên đoàn bóng đá Việt Nam đồng ý giao quyền khai thác thương quyền truyền hình các giải bóng đá gồm: 1 - Giải bóng đá vô địch quốc gia - Eximbank 2012; 2 - Giải bóng đá hạng nhất quốc gia - Tôn Hoa Sen 2012; 3 - Giải bóng đá Cúp quốc gia Nhựa Hoa Sen 2012; và 4 - trận Siêu cúp quốc gia 2012 cho Công ty VPF.
VPF đã danh chính ngôn thuận sở hữu thương quyền truyền hình các giải đấu do họ tổ chức
Như vậy là sau 3 tháng kể từ ngày đạt được thỏa thuận với AVG, cuối cùng VPF cũng đã danh chính ngôn thuận có được bản quyền truyền hình các giải đấu do mình tổ chức.
Trước đó năm 2010, VFF và AVG đã cùng nhau ký kết một bản hợp đồng về thương quyền bóng đá Việt Nam thuộc loại vô tiền khoáng hậu với thời hạn lên tới 20 năm. Tới tháng 3/2012 sau khi VPF nắm quyền tổ chức các giải đấu, thì cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa ba bên là VPF – VFF – AVG đã diễn ra vô cùng căng thẳng và dai dẳng trong một thời gian dài tưởng như không có hồi kết. Phải tới khi các bên xuống nước, đặc biệt là khi VPF và AVG ngồi vào bàn đàm phán tìm ra hướng đi có lợi nhất, mọi chuyện mới được giải quyết.
Cho đến tận bây giờ khi VFF chính thức giao lại thương quyền cho VPF bằng các văn bản giấy tờ thì người ta vẫn thực sự không biết được chính xác phía sau cuộc đàm phán giữa VPF và AVG là cái gì. Và tại sao một bên đã tìm mọi cách giữ khư khư bản hợp đồng đã ký với VFF như AVG cuối cùng có thể chấp nhận buông mà không nhận một đồng nào từ VPF như những người trong cuộc đã tuyên bố?.
(Theo VTC)