Đã không có cơn địa chấn hay một cuộc lật đổ nào ở lượt trận đầu tiên giải bóng đá chuyên nghiệp VN, với năm đầu khoác lên mình cái tên mới: Super League. Trật tự cũ lặp lại! BTC chưa gặp ca khó nào ở ngày khai mạc, nhưng sẽ lại là một mùa giải sóng gió nữa, khi bên trong cái bình hào nhoáng Super League vẫn chỉ là rượu cũ.
1. SLNA bị người láng giềng Thanh Hóa cầm chân ngay tại cứ địa Vinh, sân bóng từng là bất khả xâm phạm, là bệ phóng và là điểm tựa để thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng bay cao ở V-League 2011 (giải đấu với tên gọi tiền thân của Super League 2012), nhưng kết quả đó cũng không phải là địa chấn.
Sau đợt thay máu ngoại binh (đội ngũ nắm đến hơn nửa sức mạnh của SLNA ở mùa trước), có cảm giác như SLNA đang kiệt quệ. Đấy là điều được dự báo từ trước và người ta có lý khi không đánh giá cao SLNA ở Super League 2012, ít nhất là so với HN.T&T, B.BD, hoặc sự nổi lên của thế lực mới Sài Gòn FC. Bằng chứng là cả 2 cựu vương HN.T&T và B.BD đều có những chiến thắng quan trọng ở ngày ra quân.
Trong ngày xuất quân (gặp N.SG), Sài Gòn FC (phải) vẫn ưu tiên dùng đến 6 ngoại binh trong đội hình xuất phát
Đã có những trận cầu rất đáng xem, với tiêu biểu là 2 trận derby Thủ đô: CLB bóng đá Hà Nội-HN.T&T và N.SG-Sài Gòn FC, đó hẳn là những biểu hiện tích cực về một cuộc chơi được chờ đợi là sòng phẳng và cân bằng. Trong số này, HN.T&T quả xứng danh với những đánh giá (cao) của đồng đạo, bằng một lối chơi khôn ngoan, có tính toán và có hiệu quả rõ rệt. Vẫn trội hơn về tỷ lệ kiểm soát bóng trong cuộc đối đầu với CLB bóng đá Hà Nội, nhà đương kim á quân là những người chiến thắng cuối cùng, dù về cơ hội ăn bàn rõ nét, quân ông Hùng chưa hẳn đã tạo được nhiều hơn đối thủ.
Người tinh ý có thể sớm nhận ra rằng, tham vọng hay đẳng cấp của 14 đội dự Super League 2012 vẻ như bằng với thứ tự trên bảng xếp hạng sau vòng một. Như thế, kể cũng nhàm chán thật!
2. Trong ngày xuất quân (gặp N.SG), Sài Gòn FC vẫn ưu tiên dùng đến 6 ngoại binh trong đội hình xuất phát (trong đó có 3 “Tây” nhập tịch), và chỉ còn 5 cái tên Việt thuần túy. Đó là Đặng Văn Robert, Kesley Huỳnh Alves, rồi Nguyễn Rogerio, bên cạnh những Nsi, Antonio và Moses. Đây chính là những tác nhân đem lại kết quả hòa 2-2 trong thế thắng của đội bóng vừa thay tên đổi họ ở trận derby Sài Gòn.
Cũng như muốn tận dụng triệt để tiêu chí “yếu trâu hơn khỏe bò”, những V.NB và HA.GL không muốn kém cạnh. Trong khi “Gỗ” với Đoàn Văn Sakda và Đoàn Marcelo (cùng 3 “Tây” còn lại theo quy định) đã dễ dàng khuất phục V.HP ở trận đấu sớm vòng một trên Cao Nguyên, thì V.NB dù vẫn ra sân với 5 “Tây” (Đinh Hoàng Max, Hoàng Vissai, Gustavo, Mota và Moussa) nhưng vẫn nhọc nhằn để TĐCS.ĐT cầm chân.
Chiều Chủ nhật, nếu B.BD dùng “ngựa chứng” Đinh Hoàng La trong đội hình xuất phát (cùng Nguyễn Hoàng Helio và Nguyễn Trung Sơn, cái tên Việt hóa từ Jefferson), họ cũng sẽ có đủ 6 “Tây” trên sân... Hàng loạt những viện dẫn như thế để thấy rằng, tiêu chí dùng người của các CLB không khác mùa giải trước: tận dụng triệt để yếu tố nước ngoài, thay vì ưu tiên sân chơi đó cho cầu thủ nội (đặc biệt là người trẻ).
Câu “thành bại tại ngoại binh” vẫn đúng (và có lẽ là luôn đúng), có thể khiến người Việt tự ái, thậm chí là tự ti về năng lực. Một giải đấu được phôi thai từ hơn 10 năm trước và sau đúng một thập niên chạy đà, cần yếu tố nước ngoài để nâng tầm, nhưng khi chúng ta quá phụ thuộc vào họ, để họ là yếu tố tiên quyết sự thành bại, thì không ổn. Đúng là giữa nói và làm vẫn luôn có khoảng cách!
Cái gì có lợi thì làm, đó mới là lý lẽ muôn thuở của nhà buôn. Mà các ông chủ CLB thuộc Super League là ai, nếu không phải nhà buôn?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)