Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Khi ngoại binh vẫn là chủ công ở V-League
Có một vấn đề đã trở nên quá đỗi quen thuộc tại sân chơi V-League đó là việc danh hiệu Vua phá lưới trong những năm vừa qua vẫn chỉ là cuộc đua của các tiền đạo ngoại. Ngoại trừ mỗi năm 2017 khi danh hiệu này rơi vào tay tiền đạo nội với sự xuất sắc của Nguyễn Anh Đức, thì trong suốt gần 20 năm qua, đây vẫn chỉ là danh hiệu dùng để vinh danh sự nổi trội của các chân sút ngoại.
Việc bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua không có một cầu thủ nội nào đủ khả năng vượt mặt các ngoại binh ngoại trừ Anh Đức đã cho thấy sự thất thế của các chân sút nội. Đây là điều không khó lý giải khi họ thua kém hoàn toàn so với các đồng nghiệp người nước ngoài từ thể hình, thể lực, sức mạnh, tốc độ, khả năng tì đè, cán lướt.
V-League 2020: Những “ông Tây” và cơn đau đầu của thầy Park |
Cũng chính bởi vì điều này mà các tiền đạo Việt Nam ít khi có cơ hội được đá tại vị trí cao nhất trên hàng công, nơi vốn vẫn được xếp ưu tiên cho các ngoại binh. Dần dà điều này trở thành một xu thế tại V-League để rồi sau đó chúng ta không còn sản sinh ra nhiều những trung phong cắm như Lê Huỳnh Đức.
Với sự hiệu quả mà các ngoại binh mang lại, việc sử dụng 'Tây' đá cắm sẽ giúp các đội bóng có thể ghi nhiều bàn thắng hơn. Ngay cả HAGL, một đội bóng từng có thời kỳ nói không với ngoại binh cũng buộc phải chiêu mộ những trung phong người nước ngoài nhằm tăng cường sức mạnh tấn công.
Lúc này, có lẽ Bình Dương và Quảng Nam đang là những CLB hiếm hoi sử dụng trung phong nội trên hàng công với Nguyễn Tiến Linh và Hà Minh Tuấn. Tuy nhiên nhìn lại 10 vòng đấu đã qua, có thể thấy cả hai đều thi đấu không thực sự tốt, khiến Bình Dương và Quảng Nam phải đón nhận những kết quả không như ý muốn.
Tại V-League 2020, Tiến Linh mới chỉ có vỏn vẹn 2 bàn trong khi Hà Minh Tuấn thậm chí còn chưa có bàn thắng nào. Trái ngược với điều này, một loạt ngoại binh đã tỏa sáng ấn tượng ở V-League và đang sở hữu nhiều bàn thắng. Hiện đang có tới 7 ngoại binh/cầu thủ nhập tịch ghi được 5 bàn thắng. Nếu cộng cả số cầu thủ ngoại có 4 bàn thắng thì danh sách này lên tới 10 người.
Danh sách ghi bàn V-League 2020 sau vòng đấu thứ 10 |
Con số này đã phần nào lý giải vì sao các CLB lại ưa chuộng ngoại binh, và vì sao các chân sút nội lại không có nhiều ‘đất diễn’ ở sân chơi V-League.
Và đây hẳn cũng là một vấn đề khiến HLV Park Hang Seo không thể không đau đầu. Đã không ít lần nhà cầm quân Hàn Quốc phàn nàn về việc ông không tìm được các chân sút chất lượng cho ĐT Việt Nam, dù thường xuyên đi dự khán các trận đấu V-League.
Ở lần mới nhất, thầy Park thừa nhận: “Theo thống kê của tôi, V-League có 47 cầu thủ ngoại và hết 80% được các CLB chọn ở vị trí tiền đạo. Với việc V-League chỉ toàn tiền đạo ngoại, làm sao tôi chọn được cầu thủ nào mới để bổ sung cho đội tuyển”.
Kể từ lúc Anh Đức rời đội tuyển, lúc này trong tay thầy Park quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có Tiến Linh, Đức Chinh hay chân sút chưa ghi được dấu ấn nào – Hà Minh Tuấn. Và một khi bóng đá Việt Nam không xuất hiện những trung phong cắm mới, thì ngôi vị số 1 khu vực của bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó giữ được.
Đâu là hướng đi cho bài toán tiền đạo nội?
Sẽ rất khó để đổ lỗi cho bên nào khi bóng đá Việt Nam đang mất dần những chân sút chất lượng. Các CLB không thể ưu tiên nội binh trong khi các đối thủ đang nắm trong tay những ngoại binh chất lượng.
Bóng đá Việt Nam cần coi trọng khâu đào tạo các chân sút từ các lứa U |
Cuộc đua điểm số buộc họ phải sử dụng cầu thủ tốt nhất của mình và trong cuộc chiến để giành suất ra sân, các chân sút nội không ‘có cửa’ so với ngoại binh.
Các CLB không thể ưu tiên đội tuyển mà quên đi thành tích thi đấu của mình. Đó không thể coi là lỗi khiến bóng đá Việt Nam đang mất dần những chân sút chất lượng.
Trong khi đó VFF với vai trò điều hành, quản lý bóng đá cũng không thể đưa ra chính sách ép các CLB phải sử dụng ‘hàng nội’ như giải hạng Nhất, bởi điều này có thể làm giảm sức hút và tính cạnh tranh ở V-League. Thành ra, các tiền đạo nội ngày càng ít được sử dụng hơn. Và lẽ tất yếu là ĐT Việt Nam ngày càng vắng bóng những chân sút.
Để khắc phục chuyện này, thiết nghĩ các đội bóng cần thực hiện sát sao hơn trong việc đào tạo tiền đạo từ các lứa trẻ. Chỉ có một kế hoạch đào tạo nghiêm túc, bài bản và dài hơi mới có thể giúp bóng đá Việt Nam sản sinh ra những chân sút giỏi, có tài năng, bản lĩnh để đương đầu với sóng gió.
Minh Long