Thứ Tư, 13/11/2024 Mới nhất
Zalo

V-League 2016: Bước chuyển mình đi lên chuyên nghiệp

Thứ Hai 21/12/2015 16:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Xsbandinh.com) – V-League 2016 đã là giải đấu thứ 16 kể từ khi được "lên chuyên", thế nhưng chỉ đến thời điểm hiện tại, người hâm mộ mới thực sự cảm nhận được những nét chuyên nghiệp xuất phát từ cung cách tổ chức của các CLB.


Không thể phủ nhận rằng VPF đang có những nỗ lực nhất định để tạo ra một nền tảng V-League mang đúng sự chuyên nghiệp và hiện đại. Bắt đầu từ mùa giải 2015, VPF đã cắt 1 tỷ đồng từ số tiền thưởng cho đội vô địch (từ 4 tỷ xuống còn 3 tỷ) để dành hỗ trợ cho các hội CĐV. Ông Phạm Ngọc Viễn, tổng giám đốc VPF từng phát biểu về sự thay đổi này như sau: “Chúng tôi đang xây dựng quy chế dành cho hội CĐV của các CLB. Nếu cả 14 hội CĐV đều đáp ứng được tiêu chí sẽ được hỗ trợ tổng cộng 700 triệu đồng (50 triệu đồng/hội). Mỗi tháng, hội nào được bầu chọn sẽ được nhận 20 triệu đồng. Giữa mùa được thưởng 50 triệu đồng và cuối mùa, hội CĐV ấn tượng nhất được 100 triệu đồng.”

V-League 2016 Buoc chuyen minh de thuc su di len chuyen nghiep hinh anh
Áo đấu xịn từ nhà tài trợ Mitre của FLC Thanh Hóa


Thay đổi tưởng chừng như không quá đặc biệt này đã mang đến những nét đẹp rất tươi mới trên các khán đài tại V-League mùa giải vừa qua. Các đội bóng như Hà Nội T&T, ĐTLA, Đồng Tháp, HAGL, Becamex Bình Dương… đều sở hữu những hội CĐV hoạt động rất chuyên nghiệp với đồng phục, khăn, cờ hoa trông rất đẹp mắt trên các khán đài bên cạnh những hội đã khẳng định được danh tiếng trước đó như Than Quảng Ninh, Thanh Hóa hay SLNA Văn hóa cổ vũ của các khán giả cũng là một điều rất quan trọng trong sự phát triển của một nền bóng đá. Chưa nói đến các giải đấu ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mà thậm chí là cả Thái Lan cũng bắt đầu thành lập những hội CĐV mang xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp từ những năm gần đây.

Tuy nhiên để thực sự đánh dấu một bước chuyển mình từ việc đi lên chuyên nghiệp của V-League, phải kể đến mùa giải 2016 tới đây, khi các đội bóng đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thông qua việc sử dụng áo đấu hàng xịn. Ở mùa giải V-League 2015, chỉ có Hà Nội T&T là đội bóng có nhà tài trợ áo đấu, đó là Kappa, mặc dù trước đó SLNA và FLC Thanh Hóa cũng tính đến chuyện kết duyên với Kappa và Mitre. Trong quãng thời gian chuẩn bị cho V-League 2016, hàng loạt đội bóng đã quyết định ký hợp đồng với các hãng thể thao lớn. Đương kim vô địch Becamex Bình Dương và Đồng Tâm Long An đã ký kết với Kappa trị giá 4 tỷ đồng/2 mùa còn FLC Thanh Hóa cũng nối lại tình cũ với Mitre.

V-League 2016 chi 1 tỷ đồng cho công tác chống tiêu cực, bán độ
Trong đại hội cổ đông VPF vào hôm qua tại Hà Nội, BTC sẽ chi ra số tiền 1 tỷ đồng để chống tiêu cực, bán độ tại V-League 2016 và các giải đấu trong nước.


Câu chuyện áo đấu hàng chợ trôi nổi khắp các sân cỏ tại V-League vẫn luôn là một vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều bởi tư duy lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng của những người làm bóng đá Việt Nam, khi họ chưa đánh giá đúng lợi thế của việc có những tấm áo hàng xịn. Hiện tại, hầu hết các đội bóng đang chơi tại Thai Premier League đều đã ký hợp đồng thành công với những nhà tài trợ áo đấu nổi tiếng, thậm chí là có cả Nike, Adidas hay Puma. Đó là mục tiêu mà chúng ta cần phải hướng tới trong tương lai.

Đi liền việc bổ sung áo đầu mới, các đội bóng cũng đã rục rịch thay đổi logo đội bóng theo hướng chuyên nghiệp và mang đậm bản sắc địa phương. Than Quảng Ninh thay đổi logo và mang vào hình ảnh của hòn Gà Chọi, biểu tượng du lịch của thành phố Hạ Long. Đồng Nai và Đồng Tâm Long Anh cũng sửa đổi logo của mình với mẫu mã bắt mắt hơn hẳn. Riêng ĐTLA thậm chí còn thay đổi cả tên gọi đội bóng thành Long An FC, một cái tên mang tính hiện đại. Sắp tới có lẽ các đội bóng sẽ còn thay đổi logo và biểu tượng hàng loạt và đó là điều rất tích cực đối với sự phát triển chung của V-League.

V-League 2016 Buoc chuyen minh de thuc su len chuyen hinh anh 2
Hình ảnh đẹp của hội CĐV Long An FC


Bên cạnh đó, V-League 2016 cũng đánh dấu lần đầu tiên các cầu thủ được hưởng chế độ bảo hiểm do VPF mua. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng mới phát biểu rằng: “VPF đã đạt được thỏa thuận mua bảo hiểm cho 920 cầu thủ, HLV, VĐV cho hai mùa giải 2016 và 2017 mà không phải bỏ ra bất cứ đồng tiền nào mà thông qua hợp đồng tài trợ, hàng đổi hàng. Tôi rất vui vì điều này.” Người hâm mộ đã lo ngại rằng việc có bảo hiểm sẽ đẩy mạnh những hành vi bạo lực sân cỏ, nhưng không vì thế mà việc mua bảo hiểm bị hoãn lại bởi đó là quyền lợi của cá nhân mỗi cầu thủ mà không một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp nào không có. Ban tổ chức V-League sẽ phải siết chặt tính kỷ luật hơn và các trọng tài cũng cần phải khắt khe hơn trong việc xử phạt những lỗi nguy hiểm trên sân cỏ.

Về chất lượng mặt sân, tân Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cũng vừa yêu cầu các đội cần đảm bảo chất lượng sân cỏ đạt chuẩn, nếu không sẽ phải thi đấu trên một sân trung lập. Sông Lam Nghệ An chính là đội bóng đang đối diện với nguy cơ này bởi chất lượng mặt sân Vinh từ lâu đã xuống cấp rất nhiều, khiến cho các đội bóng thường xuyên gặp khó trong việc thích nghi mỗi khi phải làm khách tại đây.

Vẫn còn nhiều nữa những dự định thay đổi toàn diện hình ảnh của V-League mà 2016 chính là mùa giải bản lề. Đây có lẽ là năm đầu tiên mà V-League không trải qua kỳ nghỉ tết Nguyên Đán bởi các cầu thủ thường xuyên bị tăng cân và không có được sự tập trung tốt nhất ở trước và sau kỳ nghỉ. Đó đều là những thay đổi bên ngoài sân cỏ nhưng cũng đã phần nào hứa hẹn một tương lai đầy tươi sáng cho V-League cũng như bóng đá Việt Nam.

Hàn Phi

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X