Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Vì sao U19 Việt Nam được "tung hô"

Thứ Hai 13/01/2014 17:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thất bại cả 3 trận ở giải U19 quốc tế, U19 Việt Nam vẫn được tung hô, khen ngợi như "người hùng" của nền bóng đá Việt Nam trong năm mới 2014.

Khi nền bóng đá thiếu thốn "thần tượng"

Có sự thật chua chát rằng trong vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam thiếu vắng những ngôi sao thực thụ. Kể đến gần nhất, tiền đạo Phạm Văn Quyến thực sự làm khán giả cả nước phát cuồng vì tài năng đá bóng và những phẩm chất hiếm có của ngôi sao thứ thật. Tiếc rằng sau màn trình diễn đỉnh cao ở giải U16 châu Á 2001 rồi SEA Games 2003, Văn Quyến từ vai "thần đồng" trở thành "tội đồ" trong mắt người hâm mộ. Nằm trong số nhiều ngôi sao U23 Việt Nam rơi vòng bán độ SEA Games 2005, Quyến "béo" tụt dốc không phanh.

Lối chơi cống hiến, đẹp như tranh vẽ của các tuyển thủ U19 khiến cổ động viên mát mặt, hạnh phúc dù thua 3 đối thủ ở giải tứ hùng U19 quốc tế vừa qua
Lối chơi cống hiến, đẹp như tranh vẽ của các tuyển thủ U19 khiến cổ động viên mát mặt, hạnh phúc dù thua 3 đối thủ ở giải tứ hùng U19 quốc tế vừa qua

Đến thời điểm này, Quyến vẫn được hâm mộ và quan tâm từ fan hâm mộ nước nhà. Tiếc rằng "thần đồng" xứ Nghệ ngày càng béo ra, thể hiện tài năng trên sân khi tỏ, khi mờ. Dù vừa cùng đội bóng mới V.Ninh Bình giành 2 chiếc cúp, song sự nghiệp Văn Quyến đang đi đến những hồi kết cuối cùng một sự nghiệp tưởng chừng còn lừng lẫy hơn.

Sau Văn Quyến, bóng đá Việt nổi lên không ít ngôi sao mới song không thể có được tài sử dụng bóng ma thuật như của Quyến đã có. Kể cả Công Vinh là người đàn em tiếm ngôi giành vị trí tiền đạo số 1 bóng đá Việt Nam cũng bằng sự nỗ lực chứ không phải tài năng thiên phú thật sự. Bóng đá cũng cần những phút thăng hoa cảm xúc, với những pha đi bóng hay những cú dứt điểm chỉ có "thiên tài" mới sở hữu. Đó là điều các ngôi sao Việt đang thiếu sau Văn Quyến thời điểm này.

Bóng đá Việt lúc này lại bị "bạo lực" hóa khi cầu thủ ra sân như đấu võ. Thay vì những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân, lối chơi bóng dài bóng bổng cho ngoại binh tỏa sáng lại có đất dụng võ. Thứ bóng đá máy móc, rập khuôn và nặng về thể lực, cùng những biểu tượng bóng đá đẹp như Thể Công, Cảng Sài Gòn... biến mất khiến người hâm mộ càng đánh mất đi những "thần tượng" để tôn thờ.

Đó là vấn đề tồn tại lớn nhất và là "tử huyệt" của nền bóng đá chạy theo kim tiền, khi nguồn tiền từ doanh nghiệp xuất hiện thay thế dần cho nền bóng đá bao cấp từ nhiều chục năm qua.

Lấy lại tôn chỉ "bóng đá vị nghệ thuật"

Cho đến lúc này, người hâm mộ Sài thành hụt hẫng nhất không chỉ vì họ không còn đại diện nào tham dự V-League 2014. Điều nhiều cổ động viên giành giật vé đến sân Thống Nhất xem U19 Việt Nam đá bóng, bởi thứ bóng đá đẹp mắt mà khi xưa Cảng Sài Gòn từng cống hiến. Rồi biểu tượng thứ bóng đá vị nghệ thuật ấy phai tàn trước lối đá biến tướng ở giải chuyên nghiệp nước nhà. Song lối đá của họ vẫn được tôn thờ như dấu ấn khó quên một thời bao cấp mà người hâm mộ lưu giữ.

Để rồi mất gần 20 năm sau, U19 Việt Nam với những ngôi sao trẻ chưa đến 20 tuổi, như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Sơn... đã tái lập hình ảnh đẹp đẽ đó. Có nhiều ý kiến cho rằng quá cực đoan khi để U19 Việt Nam gánh vác trách nhiệm nặng nề thời điểm này.

Sự tung hô, thần tượng đội U19 chỉ trong thời gian ngắn không phải là xu hướng tức thời của người hâm mộ. Trái lại đó là biểu hiện cho thấy chỉ cần cầu thủ tôn trọng khán giả, đá bằng trái tim, khán giả không bao giờ quay lưng với họ. Có lúc U19 Việt Nam thua tan nát 0-7 trước U19 Nhật Bản, 3 trận thua ở giải U19 quốc tế vừa qua cho thấy những bất cập, điểm yếu từ thầy đến trò trước những đối thủ to cao, đẳng cấp và thực dụng hơn hẳn.

Thất bại nặng nề như vậy, khán giả không quay lưng mà còn ủng hộ, động viên các cầu thủ đứng dậy. Cũng chính cổ động viên cho biết dù đội thua, họ vẫn thấy sướng con mắt và thoải mái trong tấm lòng thật sự. Vì U19 Việt Nam vẫn giữ được bản sắc, sự tự tin trước đối thủ, vẫn thể hiện khả năng cầm bóng, sự khéo léo, nhanh nhẹn từng xem là ưu điểm người Việt.

Những kế hoạch to tát tập huấn châu Âu hay Nhật Bản để U19 Việt Nam "phải" vô địch Đông Nam Á hay đoạt vé dự giải U20 thế giới là chuyện của người lớn. Còn mỗi lúc U19 Việt Nam lên bóng rồi ghi bàn, cổ động viên từ trên sân đến qua màn ảnh nhỏ đều "cháy" hết mình lẫn chia vui cảm xúc hạnh phúc các tuyển thủ là có thật.

Cũng chính chuyên gia Phan Anh Tú, Lê Thụy Hải, Vũ Mạnh Hải... thừa nhận lâu lắm rồi bóng đá Việt mới sở hữu lứa cầu thủ đồng đều, sỡ hữu khả năng kiểm soát bóng tốt như lứa U19 Việt Nam. Thứ bóng đá của các em trình diễn thật sự đẹp mắt, đầy cuốn hút mà bóng đá nước nhà đang thiếu thốn. Dù còn mài dũa nhiều để trở thành ngọc thật chứ không phải "ngọc thô", thứ bóng đá U19 Việt Nam sở hữu là "tia sáng cuối đường hầm" với nền bóng đá nước nhà.

Thất bại toàn diện đội tuyển lẫn U23 Việt Nam ở sân chơi khu vực khiến người hâm mộ thất vọng chán nản. Nên U19 Việt Nam như nơi neo giữ mọi hy vọng sự phục sinh của bóng đá Việt Nam sau khoảng 5 năm sa sút không phanh như hiện tại. Có quá nhiều lý do nhưng cảm xúc hạnh phúc chính là chất xúc tác giúp U19 Việt Nam được tung hô, săn đón như hiện tại. Bởi đó là thứ bóng đá càng mang nặng xúc cảm, cống hiến và cả vô tư chỉ U19 Việt Nam mới sở hữu vào lúc này.

Theo Vnmedia

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X