VFF tuyển HLV để làm gì?

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Hai 08/04/2024 18:00(GMT+7)

Zalo

Trước hàng loạt những thông tin về các ứng viên quan tâm tới chiếc ghế nóng của ĐT Việt Nam, VFF cần giải bài toán mục tiêu của nền bóng đá nước nhà.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

VÌ SAO ĐT VIỆT NAM CẦN HLV NGOẠI?

Sau khi chia tay HLV Philippe Troussier, VFF đang lên kế hoạch cẩn thận để tuyển dụng một HLV mới. Có không ít ứng viên được cho là đã liên hệ, bao gồm các HLV Kim Sang Sik, Kim Do Hoon hay Roberto Donadoni. Mới nhất, Mano Polking cũng đánh tiếng trên truyền thông bằng cách bày tỏ mục tiêu được dẫn dắt ĐT Việt Nam. Dự kiến cho đến tháng 6, chân dung của tân HLV sẽ lộ diện.

Về cơ bản, các HLV nội đều khát khao chiếc ghế nóng tại ĐT quốc gia, nhưng vì nhiều lý do, gần như không ai muốn nhận công việc này. Chưa kể, thực tế cho thấy các HLV nội đều không đem lại danh hiệu nào cho bóng đá Việt Nam. Gần nhất là Hữu Thắng, người được bầu Đức khi đó làm PCT tài chính VFF ủng hộ dẫn dắt ĐT Việt Nam, đem đến những dấu hiệu tích cực, nhưng kết thúc với thất bại tại SEA Games 29, sau đó mở ra triều đại thành công nhất lịch sử của HLV Park Hang Seo.

VFF tuyển HLV để làm gì 1
HLV Hữu Thắng

V.League có không ít HLV nội tài năng, kinh nghiệm, có thể kể đến như Đức Thắng, Chu Đình Nghiêm, Vũ Hồng Việt. Nhưng chiếu theo giai đoạn gần nhất một HLV nội nắm đội là Hữu Thắng, ông liên tục chịu áp lực nặng nề bởi những lời chỉ trích. Việc lựa chọn đội hình của ông cũng thường xuyên bị đặt dấu hỏi khi triệu tập nhiều cầu thủ cục bộ địa phương. Chưa kể các HLV nội cũng bị can thiệp từ những yếu tố khác, khó tập trung toàn bộ vào vấn đề chuyên môn.

Đối với HLV nội, nếu đạt thành tích như kỳ vọng thì không nói, nhưng trong trường hợp phải nhận thất bại, áp lực dư luận là cực kỳ khủng khiếp. Trong khi nếu một HLV ngoại ngồi chiếc ghế nóng và dẫn dắt không thành công, câu chuyện chỉ đơn giản là chấm dứt hợp đồng và về nước.

Chẳng thế mà HLV Chu Đình Nghiêm, một trong những ‘thầy nội’ xuất sắc nhất, mới đây nói thẳng: “Về cá nhân tôi, tôi luôn khát khao và mơ ước được cống hiến cho ĐT Việt Nam nhưng giờ chưa phải là thời điểm phù hợp để tôi làm ở ĐT. Tôi có thể làm được ở CLB nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc ở cấp ĐT”.

Trong những danh hiệu đáng kể nhất bóng đá Việt Nam (tính đội nam) từng giành được, bao gồm AFF Cup 2008, 2018, SEA Games 2019 và 2021, HLV trưởng đều là người nước ngoài.

Một HLV ngoại, vì vậy có khả năng đem lại thành công cao hơn cho bóng đá Việt Nam, khi không bị can thiệp bởi những yếu tố ngoài chuyên môn. Những HLV ngoại cũng quen thuộc với các giải đấu quốc tế.

VFF tuyển HLV để làm gì 2
Sức ép từ NHM khiến HLV nội không dễ làm việc tại ĐT Việt Nam

BỐI CẢNH

Sau khi đạt thoả thuận chấm dứt hợp đồng với HLV Philippe Troussier, dù không mất phí đền bù, nhưng theo thông tin được công bố, VFF vẫn mất gần 5 tỷ để hỗ trợ cho chiến lược gia người Pháp. Dù không nhất thiết phải đi sâu vào con số thực tế hay những thiệt hại tiềm tàng, chắc chắn vụ bổ nhiệm HLV Troussier đã để lại một bài học lớn.

Nhưng có nhiều lý do, bên cạnh chuyên môn, để VFF vẫn tìm kiếm một chiến lược gia đến từ nước ngoài. Đầu tiên, một HLV ngoại có khả năng thu hút hợp đồng tài trợ lớn hơn HLV nội. Nói cách khác, là đem lại nhiều tiền hơn. Những ứng viên dù là Kim Sang Sik hay Kim Do Hoon, đều có thể khiến những thương hiệu từ Hàn Quốc đặt sự quan tâm.

Ngay cả HLV Hoàng Anh Tuấn, một người bản địa, cũng hiểu rõ điều này. Trong ngày được công bố nắm đội U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á, ông Tuấn ‘con’ bày tỏ khéo léo: “Mới đây VFF bắt tay với nhà tài trợ Nhật Bản có slogan ‘Never say Never’ (không bao giờ nói không bao giờ), thì slogan của ĐT U23 Việt Nam là ‘Never Give Up’ (không bao giờ từ bỏ). Chúng tôi không bao giờ từ bỏ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, luôn chiến đấu đến cùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

VFF tuyen HLV de lam gi
Danh sách những ứng viên cho chiếc ghế thuyền trưởng ĐT Việt Nam sẽ ngày càng dài, nhưng gần như chắc chắn phải là thầy ngoại

Thứ hai, đó là việc tìm kiếm HLV phải dựa vào bối cảnh của các đối thủ Đông Nam Á. Trước thềm chung kết lượt đi AFF Cup 2022, Trưởng đoàn Thái Lan Madam Pang (giờ là Chủ tịch FAT) đã ca ngợi HLV Park Hang Seo là “game-changer” (người thay đổi cục diện) bóng đá khu vực. Trong 4 nền bóng đá được đánh giá cao hơn những quốc gia còn lại, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đang sở hữu HLV ngoại quốc, vì vậy Việt Nam khó có thể nằm ngoài cuộc chơi.

Thậm chí, Indonesia và Malaysia đều “bắt trend” tuyển HLV Hàn Quốc sau khi Park Hang Seo thay đổi cục diện, bắt đầu kỷ nguyên của mình vào cuối năm 2017. HLV Shin Tae Yong đến xứ Vạn đảo năm 2019, còn HLV Kim Pan Gon ngồi ghế HLV Malaysia năm 2022. Thái Lan sau thời Milovan Rajevac (rời đi tháng 1/2019) cũng liên tục đặt niềm tin vào Akira Nishino, Mano Polking và giờ là Masatada Ishii. 2 người Thái Lan Sirisak Yodyardthai, Anurak Srikerd chỉ đóng vai tạm quyền với tổng thời gian chưa đầy 1 năm.

Rộng hơn, nhìn từ chính bóng đá Hàn Quốc. Đội U23 xứ kim chi vừa giành chức vô địch ASIAD 19 sau khi đánh bại Nhật Bản trong trận chung kết, được dẫn dắt bởi huyền thoại Hwang Sun Hong. Đây cũng là HLV sắm vai tạm quyền 2 trận FIFA Days tháng 3 (1 thắng, 1 hoà Thái Lan), nhưng chưa thấy có dấu hiệu sẽ được KFA lựa chọn làm HLV ĐT quốc gia. 

VFF tuyển HLV để làm gì 3
HLV Kim Pan Gon của ĐT Malaysia
VFF tuyển HLV để làm gì 4
HLV Hwang Sun Hong được bổ nhiệm vị trí HLV tạm quyền ĐT Hàn Quốc trong 2 trận đấu vào tháng 3

Trong khoảng thời gian ĐT U23 Hàn Quốc vô địch ASIAD và đang chuẩn bị hướng đến Olympic, người dẫn dắt ĐT Hàn Quốc vẫn là Jurgen Klinsmann, một chiến lược gia người Đức, vốn chỉ được KFA “mời cho vui” – không phải Hwang Sun Hong.

Việc lựa chọn HLV của VFF sẽ phải phụ thuộc vào những bối cảnh kể trên. Ngay cả động thái tuyển HLV chính thức của Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây, chắc chắn sẽ được VFF xem xét kỹ để tham khảo.

Bởi vậy, không chỉ HLV Philippe Troussier, mà ngay cả trong trường hợp thất bại với HLV ngoại kế nhiệm ông Troussier chăng nữa, khả năng VFF vẫn phải tiếp tục tìm kiếm chiến lược gia nước ngoài.

WORLD CUP HAY AFF?

Theo kế hoạch, VFF công bố HLV trưởng ĐT Việt Nam trước tháng 6/2024. Thời gian này trùng với kế hoạch thi đấu hai lượt trận cuối vòng loại 2 World Cup 2026 khu vực châu Á của ĐT Việt Nam. Với thực tế cơ hội đi tiếp chỉ còn trên lý thuyết, mục tiêu khả dĩ nhất của bóng đá Việt Nam lúc này là hướng đến kỳ AFF Cup vào cuối năm (giờ đổi tên thành ASEAN Cup).

Ngay từ lúc này, việc xác định mục tiêu trong năm nay cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của VFF. “Nếu chỉ tạm quyền thì sau đó chúng ta lại mất thời gian tìm kiếm HLV mới, đội sẽ không đủ thời gian để thích nghi với kế hoạch, chiến thuật của HLV mới. Quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024 có thể bị ảnh hưởng. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch nhưng chắc chắn là không thể vội vàng bởi đây là việc quan trọng”, một lãnh đạo VFF cho biết.

Quay trở lại thời điểm tháng 2/2023 khi bổ nhiệm HLV Philippe Troussier với bản hợp đồng 3,5 năm (thời hạn tới tháng 6/2026), hai bên đã lên kế hoạch đưa ĐT Việt Nam đi dự World Cup 2026. Lúc này, mục tiêu đó không còn thực tế, nhưng chỉ ra tham vọng của bóng đá Việt Nam sau khi kết thúc triều đại Park Hang Seo.

VFF tuyển HLV để làm gì 5
ĐT Việt Nam lên kế hoạch bổ nhiệm tân HLV trước tháng 6

Rõ ràng khi đã giành chức vô địch khu vực Đông Nam Á, gây tiếng vang tại châu lục, việc tiến thêm một bước ra thế giới là kế hoạch phù hợp. Nhưng thất bại đau đớn với chiến lược gia người Pháp liệu có khiến VFF thay đổi mục tiêu trong tương lai gần? Ngay cả dưới thời HLV Park, tham dự vòng loại thứ 3 World Cup cũng là điều quá sức, khi ĐT Việt Nam thua 8/10 lượt trận, thắng 1 (Trung Quốc) và hoà 1 (Nhật Bản).

Liệu tân HLV của Việt Nam sẽ được giao chỉ tiêu gì? Tiếp tục hướng đến giấc mơ World Cup, hay quay về chinh phục AFF Cup và SEA Games? Chỉ khi xác định được câu trả lời, VFF mới có thể tìm người phù hợp nhất.

Bất cứ sự lựa chọn nào cũng có ưu và nhược điểm, và phương án hoàn hảo gần như không tồn tại (đó là lý do kế hoạch của VFF gói gọn lại 2 chữ “phù hợp”). Ngay cả khả năng rất khó xảy ra, tái bổ nhiệm HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam sẽ hướng đến AFF Cup, vòng loại Asian Cup, SEA Games trong ngắn hạn, còn tương lai vẫn phải tuyển người.

Hướng tới mục tiêu cao là điều ai cũng muốn, nhưng để mơ xa phải nâng cấp toàn diện cả nền bóng đá, từ hạ tầng, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo trẻ, giải đấu chuyên nghiệp, có nhiều cầu thủ xuất ngoại, sở hữu lối chơi nền tảng,… không chỉ mỗi việc bổ nhiệm HLV. Tuyển ai? Tuyển vào lúc nào? Tuyển để làm gì? Để có thể tìm kiếm câu trả lời, điều quan trọng nhất là phải đặt đúng câu hỏi.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow