Ba quân dễ chọn, một tướng khó tìm. Với bóng đá ta, chọn được tướng tài thực sự là nỗi đoạn trường chưa có hồi kết. Người ta ví trong công cuộc tìm huấn luyện viên cho các đội tuyển quốc gia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) như một ông bố khó tính kén rể cho cô con gái rượu.
Tại sao không là người cũ?
Huấn luyện viên Henrique Calisto đang thất nghiệp. Sự hiểu biết với bóng đá Việt Nam của ông có lẽ không cần kiểm nghiệm. Sự am hiểu bóng đá Đông Nam Á, ông “Tô” cũng xứng đáng là “ma xó”. Do ông đang ngồi chơi xơi nước, VFF hoàn toàn có thể thương thảo để mức lương cho vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha là phải chăng. Xét các tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, ông Calisto xứng đáng là chàng rể số một. Nhưng tại sao VFF vẫn không đưa ông “Tô” vào kế hoạch? Điều đó, chỉ có họ mới biết.
Henrique Calisto (trái) có nhiều kinh nghiệm với bóng đá Việt Nam
Huấn luyện viên Radojko Abvamovic, người vừa đưa bóng đá Singapore đăng quang lần thứ tư ở AFF Cup, cũng đang tìm việc. Xét trong ma trận các tiêu chí, vị huấn luyện viên này cũng hội đủ tư chất của một “rể thảo”. Nếu như tiền lệ, có thể VFF đã vồn vã với ứng cử viên này. Nhưng họ vẫn không mặn mà. Kể cũng là một điều lỳ lạ.
Thời gian qua, cuộc “kén rể” cho bóng đá Việt Nam thực sự bí ẩn, úp úp, mở mở, giấu giấu, diếm diếm, lắng nghe dư luận…. Tất cả vẫn cho thấy sự loay hoay của VFF và Tổng cục Thể dục thể thao. Bỗng nhiên, vai trò của Hội đồng huấn luyện viên quốc gia được quan trọng hóa.
Chúng ta không thể khẳng định những người tên tuổi hơn có thể thành công hơn Calisto lẫn Avramovic. Trong bối cảnh này, cũng không thể khẳng định các huấn luyện viên nội hàng đầu, như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng… sẽ lép vế. Đấy mới là vấn đề cần được nhận thức trong việc chọn huấn luyện viên cho hai đội tuyển quốc gia, để xây dựng các nguyên tắc cơ bản phục vụ một lộ trình mới cho bóng đá Việt Nam.
Cách mạng cần triệt để
Nếu chọn huấn luyện viên phục vụ cho thành tích nhất thời, tức SEA Games lần tới, không nên phức tạp các tiêu chí lẫn nguyên tắc. Thậm chí, hãy đơn giản khi sử dụng các huấn luyện viên ngoại cũ, kể cả giải pháp dùng huấn luyện viên nội.
Bởi thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup vừa rồi, không phải chỉ do huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và ê-kíp thầy nội kém cỏi. Chuyên môn cầu thủ cũng không thể tệ hại như thế, nếu như cái đầu không có vấn đề. Đấy là thất bại mang tính hệ thống của nền bóng đá, không thể có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu nhất thời chỉ từ một ông huấn luyện viên trưởng.
Nếu muốn đưa nền bóng đá và thành tích các đội tuyển quốc gia thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng, trước hết VFF phải xây dựng được lộ trình sử dụng huấn luyện viên. Phải đảm bảo được mọi quyền lợi của huấn luyện viên, kể cả thầy nội. Không thể huấn luyện viên ngoại thì mức lương cả tỷ đồng/tháng, trong khi quân ta chỉ 200 triệu đồng, còn trợ lý thì lên tuyển như là trách nhiệm, trả lương theo kiểu chiếu lệ. Chính những ứng xử chưa tương xứng từ phía VFF với thầy nội, đã tạo nên một khoảng cách ngày càng lớn giữa họ và những ứng cử viên nước ngoài. Rất nhiều huấn luyện viên nội không mặn mà lên tuyển, điều đó phản ảnh cơ chế mà VFF tạo ra thực sự có vấn đề. Sự tôn trọng với thầy nội cũng như tạo ra một cơ chế đủ để họ an tâm, là điều mà VFF phải cách mạng trước.
Về lâu dài, dứt khoát vẫn phải có chuyên gia, huấn luyện viên ngoại đảm trách. Thậm chí, cả một ê-kíp thầy ngoại cũng phải tính đến. Vai trò giám đốc kỹ thuật cũng rất quan trọng, có thể ví ông ta như vị kiến trúc sư trưởng quyết định đến việc ngôi nhà bóng đá sẽ được xây dựng theo thiết kế nào.
Chính VFF đã tiết lộ, có nhà tài trợ sẵn sàng trả lương cho huấn luyện ngoại ở mức 50.000-60.000 USD/tháng. Thực sự, VFF không phải thiếu tiền, không thiếu những Mạnh Thường Quân. Do đó, có lẽ đã đến lúc VFF phải thuê huấn luyện viên thật đàng hoàng, tên tuổi phải được biết rõ, nhất là phong độ ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên, sẽ chẳng ai tiếc tiền, một khi niềm tin được đặt đúng chỗ. Tiêu chí giỏi phải đặt lên đầu tiên. Huấn luyện viên giỏi sẽ biết cách để nhào nặn các tuyển thủ chơi bóng không chỉ để chiến thắng, mà còn để phát triển. Việc hiểu biết bóng đá Đông Nam Á, đã đến lúc không quá đặt nặng bởi nếu VFF thực sự hỗ trợ, xây dựng được một môi trường đội tuyển chuyên nghiệp, huấn luyện viên ngoại sẽ không quá khó để thích nghi. Đơn giản, họ chuyên nghiệp và có văn hóa bóng đá cao.
Nhưng chúng tôi vẫn hồ nghi rằng, liệu có phải nhà tài trợ giấu tên kia chỉ chịu chi mức lương khủng cho chiến dịch SEA Games mà thôi!? Như thế cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính đánh bóng thương hiệu thuần thúy. Bóng đá Việt Nam cần chuyên gia ngoại ở phương diện họ sẽ phát lộ ra những bí quyết để từng bước xây dựng một nền tảng vững chắc, trước hết ở bình diện các đội tuyển quốc gia. Muốn thế, cần phải có thời gian nhất định, không thể tính bằng vài ba năm cho thầy ngoại.
Có thể nói, để vực dậy các thành tích các đội tuyển quốc gia vào thời điểm này là cực khó khi nền bóng đá đang khủng hoảng trên diện rộng. Các đối thủ trong khu vực cũng đã phát triển tích cực, không loay hoay và bế tắc như chúng ta. Vạch ra được lộ trình phát triển tích cực đã khó, kiên trì bám đuổi, kiên nhẫn với huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia là điều bắt buộc phải cách mạnh từ nhận thức.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)