Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Bắt kịp xu hướng
Trong trận đấu giữa Viettel vs Hà Tĩnh tại vòng 3, giai đoạn 2 V.League 2023, công nghệ VAR đã chính thức được sử dụng. Gần như không có sai lầm nào trong lần đầu tiên ekip của trọng tài Ngô Duy Lân, phối hợp với Giám sát phòng VAR là ông Mai Xuân Hùng, khi điều khiển trận đấu này.
Những quyết định thổi phạt của trọng tài cũng hoàn toàn chính xác, cho dù trợ lý CLB Hà Tĩnh – ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng trận đấu bị gián đoạn quá nhiều. Thực tế, bàn thắng ấn định tỷ số của Đức Chiến được ghi vào phút bù giờ 14 của trận đấu, cũng xuất phát từ một tình huống check VAR rất kỹ.
Tuy nhiên, đây chính xác là những gì mà bóng đá thế giới trải qua, bắt đầu từ năm 2018 với kỳ World Cup được áp dụng công nghệ VAR. Nhiều chuyên gia, HLV, các cầu thủ cũng phàn nàn rằng trận đấu bị cắt vụn, nhưng bất kỳ điều gì thử nghiệm cũng cần có thời gian để thích nghi.
Công nghệ VAR chính thức được áp dụng trong trận Viettel vs Hà Tĩnh |
Hiện tại, bóng đá thế giới đã quen thuộc VAR và các trọng tài quốc tế sẵn sàng cho trận đấu tiếp diễn, trong khi bộ phận check VAR làm việc song song. Khi kết thúc tình huống bóng và trọng tài nhận được tín hiệu cần kiểm tra, trận đấu mới tạm dừng. Tất nhiên, có thể kỳ vọng trong tương lai đội ngũ trọng tài của Việt Nam cũng bắt kịp tốc độ này và khiến trận đấu không kéo dài lâu, bởi không thể lập tức đòi hỏi trọng tài làm quen với nhịp độ quốc tế với công nghệ lần đầu được áp dụng.
Chưa kể, quá trình chuẩn bị từ khi thai nghén tới “ngày lịch sử” khi VAR chính thức được đưa vào trong một trận đấu chính thức đã kéo dài… 4 năm. PCT VFF Trần Anh Tú chia sẻ: “Năm 2019, khi sang tham quan Thai-League, chúng tôi thấy họ đã triển khai VAR. Do đó tôi cũng ấp ủ việc áp dụng VAR ở V.League. Ban đầu chúng tôi tưởng rằng điều này sẽ đơn giản, nhưng khi cử cán bộ liên hệ làm việc với FIFA thì chúng tôi nhận được danh sách yêu cầu rất phức tạp.
Từ đó, chúng tôi mới vỡ ra rằng mọi việc không hề dễ dàng chút nào. Kể cả Thai League khi đó cũng áp dụng VAR mà chưa có sự phê chuẩn của FIFA, nên họ phải dừng lại. Sau này khi được phê chuẩn thì họ mới được phép tiếp tục triển khai VAR.
Từ 2019 tới 2023, chúng ta mất 2 năm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời vẫn phải tuân thủ mọi yêu cầu chặt chẽ của FIFA. Dẫu vậy, các trọng tài Việt Nam tiếp thu rất nhanh, đồng thời VPF cũng nhanh chóng triển khai các phương án tài chính, đấu thầu thiết bị và mọi công việc khác”.
Trọng tài Ngô Duy Lân tham khảo màn hình VAR |
Ông Trần Anh Tú cũng tiết lộ, quá trình đưa VAR áp dụng trong một trận đấu chính thức sớm hơn dự kiến, cuối tháng 7 thay vì tháng 9-10 theo kế hoạch ban đầu.
Mỗi một xe VAR gồm nhiều thiết bị chuyên dụng, màn hình, bộ phận kết nối và tốn nhiều thời gian lắp đặt. Trước trận đấu diễn ra vào lúc 19h30 tối qua, xe VAR đã được chuyển đến từ 14h00. Trải qua 5 tiếng lắp đặt, thử nghiệm, khán giả đã được chứng kiến VAR được đưa vào. Được biết, mỗi chiếc xe VAR tiêu tốn khoảng 12 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền sửa chữa, bảo dưỡng nếu có sự cố.
Vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng ít nhất bóng đá Việt Nam đã bắt nhịp với xu hướng của bóng đá thế giới. Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng hiểu rõ điều này: “Một điều chắc chắn là VAR sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho V.League”. VAR đóng vai trò rất quan trọng, là công cụ để đội ngũ trọng tài đưa ra phán quyết chính xác hơn. Thực tế cho thấy dù có VAR thì các trọng tài vẫn có thể sai sót. Vì thế, vấn đề con người là quan trọng nhất”.
Khi VAR được đưa về, đội ngũ trọng tài Việt Nam cũng phải cải thiện, nâng cao chất lượng để đáp ứng với yêu cầu, từ đó khiến những sai lầm ngày càng được giảm thiểu.
Trọng tài Ngô Duy Lân thổi phạt đền sau khi tham khảo tổ VAR |
Tín hiệu mừng với bóng đá Việt Nam
Bên cạnh nâng cao chất lượng trọng tài và hoà nhập với thế giới, VAR còn giúp chính các cầu thủ, HLV chuẩn bị tốt hơn trong các trận đấu. Trợ lý CLB Hà Tĩnh – Nguyễn Đức Thắng thừa nhận nếu không có VAR, tình huống cuối trận Viettel vs Hà Tĩnh không ai thổi phạt đền. Nhưng thực tế, khi VAR được đưa vào, những tình huống sẽ được quan sát kỹ hơn, từ đó ngay cả những va chạm nhẹ (soft) cũng có thể bị thổi phạt.
Điều này đã từng xảy ra với chính ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022 khi còn được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo. Trong trận đấu với Saudi Arabia, chắc hẳn NHM còn nhớ trung vệ Duy Mạnh đã nhận thẻ đỏ, bị truất quyền thi đấu và ĐT Việt Nam phải chịu quả phạt đền, từ đó thua ngược Saudi 1-3.
Tình huống vung tay của Duy Mạnh khiến ĐT Việt Nam bị thổi 11m |
Tình huống phạm lỗi Duy Mạnh khó có thể qua mắt được tổ VAR |
Suốt hành trình Vòng loại thứ 2 tới Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, trong 8 trận đấu chính thức, ĐT Việt Nam phải nhận… 7 quả phạt đền. Nguyên nhân một phần đền từ thói quen đá quyết liệt của các cầu thủ V.League, nhưng khi ra đấu trường quốc tế, VAR được áp dụng và chúng ta chịu thiệt.
Trợ lý CLB Hà Tĩnh có lý của mình về tình huống penalty nặng tay, nhưng bóng đá quốc tế đều sẽ áp dụng như vậy và các cầu thủ sẽ phải cẩn trọng hơn.
Việc công nghệ VAR được đưa vào sớm 2 tháng, cuối mùa giải năm nay thay vì mùa giải mới, cũng đem tới những tín hiệu tích cực. Các CLB Top sẽ tham dự giải AFC mùa giải tới, đối đầu những đối thủ châu lục đã quen với VAR, bởi vậy điều này sẽ giúp ích cho các cầu thủ thích nghi với những quyết định thổi phạt của trọng tài.
Nhiều tiền bạc, công sức và thời gian đã được chi ra để đưa công nghệ VAR về V.League, giúp bóng đá Việt Nam tiến thêm một bước với quốc tế. Bởi vậy, cho dù không thể tuyệt đối tránh được những sai sót, điều này sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn.