(Xsbandinh.com) – U19 Việt Nam đã phải dừng bước trước U19 Nhật Bản theo một cách rất đỗi quen thuộc mà ai cũng có thể đoán ra. Thất bại này là cần thiết để HLV Hoàng Anh Tuấn nhìn ra tất cả những điểm yếu hiện tại của U19 Việt Nam trước khi tham dự U20 World Cup vào tháng 5/2017.
Không nhiều người chú ý rằng HLV Hoàng Anh Tuấn đã thử nghiệm một chiến thuật hoàn toàn mới lạ cho đội U19 Việt Nam ở trận bán kết với U19 Nhật Bản, đó là 5-3-2 và đôi khi là 5-2-3. Lần đầu tiên kể từ đầu giải, U19 Việt Nam sử dụng 5 hậu vệ án ngữ trước khung thành của thủ môn Tiến Dụng, với ba trung vệ là Việt Anh, Tấn Sinh và Tấn Tài, còn hai cầu thủ án ngữ ở bên cánh là Văn Hào cùng Văn Hậu, thành viên nhỏ tuổi nhất của đội.
HLV Hoàng Anh Tuấn tiến hành những thử nghiệm |
Rõ ràng mục đích của HLV Hoàng Anh Tuấn ngay từ đầu là đổ bê tông ở phần sân nhà bởi lẽ dĩ nhiên U19 Việt Nam không thể đá sòng phẳng với U19 Nhật Bản. Việc dùng 5 hậu vệ có thể giúp khung thành của thủ môn Tiến Dụng chắc chắn hơn, nhưng khi đó U19 Việt Nam lại mất đi một cầu thủ ở hàng tiền vệ (Văn Hào), vì thế mà các cầu thủ không thể lên nổi bóng, đồng thời chịu lép vế trong cả trận đấu.
Đội dự bị của U19 Nhật Bản không có nghĩa là yếu
“Đá với đội dự bị mà còn thua 0-3 thì đá với đội chính không biết sẽ còn như nào,” là một lập luận mang tính ngụy biện của một bộ phận không nhỏ trong dư luận. Bóng đá không bao giờ được phép dùng tính chất bắc cầu, thậm chí đây còn là bóng đá cấp độ trẻ. Các cầu thủ dự bị của U19 Nhật Bản không cần biết là họ thua kém những cầu thủ đá chính bao nhiêu, nhưng khát khao cống hiến và thể lực của họ chắc chắn ấn tượng hơn nhiều.
Không những vậy, ở một quốc gia đông dân và có truyền thống bóng đá học đường phát triển cực mạnh như Nhật Bản, rõ ràng đội bóng tuyển của họ cũng phải sở hữu những cầu thủ tài năng nổi trội nhất và nhìn vào trình độ của mỗi cá nhân, có thể thấy rằng họ đều nhỉnh hơn so với các cầu thủ U19 Việt Nam.
Dù phải đối mặt với quả 11m trước U19 Nhật Bản, thủ môn Tiến Dũng vẫn xuất sắc cản phá. Trận đấu này, “người gác đền” của U19 Việt Nam đã chơi rất ổn định.
Những bàn thua từ bóng chết
Thi đấu 4 trận đầu tiên mà chỉ để thủng lưới 2 bàn thắng, việc các cầu thủ U19 Việt Nam phải vào lưới nhặt bóng tới 3 lần trước U19 Nhật Bản là một bất ngờ nho nhỏ. Tuy nhiên 2 bàn thua đầu tiên ở trận bán kết đầu tiên trong lịch sử VCK U19 châu Á của U19 Việt Nam đều đến từ những tình huống cố định. Rõ ràng sự tập trung của những cầu thủ trẻ đã suy giảm đi đáng kể. Trong bàn thắng đầu tiên, họ để cho tới 2 cầu thủ Nhật Bản xuất hiện trong vòng cấm mà không bị kèm cặp, điều hiếm xảy ra ở trong những trận đấu trước đó, còn ở tình huống thủ thành Tiến Dũng phải vào lưới nhặt bóng lần thứ hai, mọi thứ diễn ra quá chóng vánh và có phần lộn xộn.
Tinh thần thi đấu và thể lực U19 Việt Nam có vấn đề
Có vẻ như thành tích lọt đến vòng chung kết U20 World Cup đã khiến các cầu thủ U19 Việt Nam đánh mất động lực thi đấu trước U19 Nhật Bản. Không còn thấy được một sự quyết tâm cao độ ở từng đường bóng, cũng như khả năng lăn xả và tranh chấp đến cùng. Trái lại, U19 Việt Nam hầu như chỉ chọn giải pháp chịu đựng và cũng không thực hiện nhiều tình huống di chuyển không bóng để triển khai lên phía trên.
U19 Việt Nam thua cả về thể lực và tinh thần |
Không những vậy, thể lực của các cầu thủ cũng là một vấn đề. Tất nhiên lứa U19 Việt Nam hiện tại được đánh giá rất cao ở yếu tố thể lực, nhưng đó là khi đặt lên bàn cân để so sánh với những lứa trước, còn nếu so với các đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, rõ ràng chúng ta vẫn còn thua kém nhiều. Đó là chưa kể họ sử dụng toàn bộ những cầu thủ dự bị khiến cho chênh lệch thể lực giữa hai đội càng thêm rõ rệt. Trong hầu hết những tình huống tranh chấp tay đôi, U19 Việt Nam đều thất thế.
Yếu tố quan trọng cuối cùng chính là cái dớp khi đối mặt với một đội bóng như Nhật Bản. Thông thường các đội bóng Tây Á ít khi thực hiện những tình huống pressing chủ động bên phần sân đối phương, vì thế mà U19 Việt Nam có thể chủ động cầm và triển khai bóng hơn. Ở trận đấu ngày hôm qua, U19 Nhật Bản đã tiếp tục giữ truyền thống thi đấu của những người đàn anh, tận dụng khả năng dai sức để gây sức ép ngay lên đối thủ mỗi khi họ đoạt được bóng. Lối chơi này có nét giống với gegenpressing đang thịnh hành ở một số đội bóng tại châu Âu.
Chính việc không thể lên nổi bóng đã khiến các cầu thủ U19 Việt Nam gặp bối rối. Họ suy nghĩ và phản ứng quá chậm trước mỗi tình huống có bóng, đồng thời do sự áp sát và nhanh và đồng loạt của đối thủ, chúng ta buộc phải thực hiện những đường chuyền nhanh và gấp gáp, dẫn đến sai lầm. Đây là điều mà HLV Hoàng Anh Tuấn cần phải cải thiện trong vòng hơn 6 tháng tới, trước khi bắt đầu tham dự World Cup.
Việc trung vệ Tấn Sinh mất bình tĩnh mà phá bóng thẳng vào chân đối thủ rồi khiến trái bóng bay thẳng vào lưới đã chứng tỏ tâm lý của các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên dù sao thì chúng ta cũng có thể ngẩng cao đầu rời giải.
Highlight trận đấu U19 Việt Nam 0-3 U19 Nhật Bản
Hàn Phi
⇒ Bóng đá 24h cập nhật tin tức AFF CUP 2016 và lịch thi đấu AFF CUP 2016. |