NHM đặt rất nhiều hy vọng vào lứa cầu thủ trẻ U19 Việt Nam, thế nhưng thật tiếc là VFF đang đối xử rất thiếu công bằng với thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Sau giải U19 Đông Nam Á 2015, giải đấu mà chúng ta đã giành ngôi á quân và được đánh giá là thành công ngoài mong đợi. Thế nhưng đông đảo NHM vẫn chỉ trích vì về... nhì, vì thua U19 Thái Lan tan nát trong trận chung kết. Hãy xem và nhìn những gì các đội bóng đã chuẩn bị cho giải năm nay để biết rằng vào đến chung kết đã là nỗ lực cực lớn của Trọng Đại và các đồng đội. Tất cả các cầu thủ U19 Thái Lan được đào tạo bài bản như HAGL JMG, tập huấn nước ngoài thường xuyên. U19 Malaysia và U19 Myanmar hoạt động như 1 CLB để thi đấu ở giải trong nước. Chủ nhà U19 Lào được tập trung gần 1 năm và được thi đấu giap hữu liên tục. Còn U19 Việt Nam có gì ngoài 1 tháng tập chay tại sân trung tâm đào tạo trẻ VFF, nơi mà mặt cỏ chẳng khác gì “ruộng khoai tây”. Tới chuyến tập huấn ở Nha Trang do HLV Anh Tuấn đề xuất cũng bị từ chối. Lúc hội quân thì phải gõ cửa từng CLB thì mới chịu nhả người…
Mới đây, U19 Việt Nam tiếp tục nhận đòn đau khi bị VFF hủy chuyến du đấu tại Nhật trong 10 ngày. Thay vào đó, những Trọng Đại, Trọng Hóa, Đức Chinh, Minh Dĩ, Quang Hải vẫn tiếp tục phải tập chay ở “ruộng khoai tây” trung tâm đào tạo trẻ VFF, Hà Nội. 3 trận giao hữu cũng theo kiểu ngẫu hứng gặp U21 Hà Nội T&T, U21 Nam Đinh và U21 Thanh Hoa vì… nhân tiện 3 đội này đến Hà Nội chuẩn bị cho giải U21 Quốc gia. Một kế hoạch tập huấn hết sức sơ sài, thiếu sự chuẩn bị của VFF, vậy thì chúng ta đâu thể kỳ vọng vào lứa cầu thủ U19 Việt Nam có thể làm nên kỳ tích gì lớn? Ấy vậy mà không đâu. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn mà thua 1 trận là coi như “đủ gạch xây nhà”. Nói đâu xa, thất bại trước U19 Thái Lan vẫn đang bị đông đảo CĐV chỉ trích là “nỗi nhục nhã” dù các cầu thủ đã vắt mọi sức lực, cố gắng, thậm chí là cả máu.
U19 Việt Nam năm nay thiệt thòi hơn lứa Công Phượng quá nhiều |
Sự kỳ vọng vào lứa U19 Việt Nam năm nay một phần là từ hiệu ứng của lứa Công Phượng trong năm 2014. Vì thế sau khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thất bại ở trận chung kết với người Thái thì nhiều người đã vội khẳng định lứa cầu thủ năm nay thua xa 1 năm về trước, dù thành tích là như nhau. Nên nhớ rằng mọi so sánh đều là khập khiễng và sẽ là một sự thiếu công bằng nếu như đặt lứa cầu thủ năm nay “lên cân” với thầy trò HLV Graechen. Vì U19 Việt Nam năm 2015 gần như chỉ tập chay hơn 1 tháng ở Hà Nội, còn lứa Công Phượng thường xuyên được tập huấn châu Âu, Nhật Bản, được gặp rất nhiều đối thủ chất lượng suốt gần 2 năm trời. Trong khi đó thì thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cũng giành á quân giải U19 Đông Nam Á, cũng phải nhận nhiệm vụ lọt vào VCK U19 châu Á 2016 như trước kia.
Ngày 26/9 tới, U19 Việt Nam sẽ lên đường sang Myanmar để tham dự vòng loại giải U19 châu Á 2016. Giải đấu mà chúng ta có khả năng lọt vào VCK khi chỉ ở cùng bảng với các đối thủ đồng cân đồng lạng như Myanmar, Hong Kong, Đông Timor và Brunei. Thậm chí nếu lứa Trọng Đại, Trọng Hóa, Minh Dĩ, Quang Hải, Thanh Hậu được đầu tư tốt thì họ hoàn toàn có thể thắp lại tham vọng World Cup U20 thế giới mà lứa Công Phượng đã lỡ hẹn. Thế nhưng trước thái độ bàng quan của những người quản lý, trước những kế hoạch vô cùng sơ sài của VFF thì NHM đâu có quyền hy vọng. Tham vọng lớn đặt vào U19 Việt Nam 1 năm về trước lại phải rút lại với lứa cầu thủ năm nay. Cái sơ đồ phát triển kém dần đều vốn đã trở nên quá quen thuộc với những người làm bóng đá Việt Nam. Mà kể cả có những tia sáng như thế hệ cầu thủ HAGL JMG 1 năm về trước cũng chỉ là ngẫu hứng, thời vụ chứ không phải kế hoạch dài hơi của VFF.
Câu chuyện tình yêu giữa Công Phượng Hòa Minzy đang rơi vào ngõ cụt khi gia đình tiền đạo xứ Nghệ ra sức ngăn cấm. Sau ông Nguyễn Công Bảy, tới lượt bà Nguyễn...
Với cách điều hành, quản lý chẳng giống ai của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Cụ thể hơn là sự nghiệp dư, thiếu tính định hướng, thiếu kế hoạch cụ thể, khoa học của VFF thì bảo sao bóng đá nước nhà vẫn mãi giậm chân tại chỗ. Lứa U19 Việt Nam năm nay được đánh giá không kém những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường vì được đào tạo tới 7, 8 năm. Thế nhưng sự đầu tư gần như bằng 0, chẳng hề có tập huấn nước ngoài, không có các đối thủ mạnh giao hữu. Vậy thì làm sao bóng đá nước nhà có tương lai khi mà những cầu thủ được đánh giá có tài năng chỉ quanh quẩn tập luyện ở “ruộng khoai tây”. Cần nhớ rằng ở cuộc đời này làm gì có thứ gì ngon, bổ mà lại rẻ? Không đầu tư thì đừng bao giờ hỏi tại sao bóng đá Việt Nam mãi dậm chân tại chỗ.
Doãn Công