Có lẽ sự nghiệp của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh sẽ còn tiến xa hơn nữa, nếu như anh không phải đối mặt với những vết thương dai dẳng đang hủy hoại sự nghiệp.
Suýt phải giải nghệ
Đầu năm 2012, CLB HAGL và bầu Đức đã không khỏi ngỡ ngàng khi biết được thông tin chấn thương của tiền vệ trẻ đầy triển vọng, Nguyễn Tuấn Anh. Trong một buổi tập trước Tết Nguyên đán năm đó, tài năng người Thái Bình đã không may dính chấn thương khá nghiêm trọng. Anh bị rách sụn chêm 25% và đứt dây chằng chéo, buộc phải thực hiện phẫu thuật.
Lúc đó, những thành viên của đội bóng phố núi chắc chắn đã rất lo sợ nếu ca phẫu thuật thất bại, bởi trước đó, họ đã phải ngậm ngùi chia tay một tài năng ưu tú nhất của CLB, cựu cầu thủ Lê Văn Vũ, người từng được đánh giá còn "siêu" hơn cả người đồng đội Nguyễn Công Phượng, cũng sau một chấn thương rách sụn gối trong tập luyện.
Nếu mất Tuấn Anh, đó thực sự là một điều đầy tiếc nuối với học viện HAGL JMG, bởi tài năng của cầu thủ trẻ tuổi này đã vượt trội so với lứa cầu thủ nội và thậm chí đã được những nhà chuyên môn quốc tế thừa nhận.
Tiền vệ Tuấn Anh từng suýt mất sự nghiệp ở tuổi 17 |
Tuấn Anh cùng chính là 1 trong 4 cái tên ưu tú nhất khóa 1 học viện HAGL JMG của bầu Đức cùng với Đông Triều, Công Phượng, Xuân Trường được chọn sang London để tập huấn cùng U18 Arsenal. Tại đây, anh đã được HLV Wenger đánh giá cao nhất, sau khi nghiên cứu báo cáo của các HLV tuyến trẻ và băng hình ghi lại các buổi tập của các học viên JMG toàn cầu.
Sau chuyến xuất ngoại thành công đó, Tuấn Anh đã được nhiều đội bóng nước ngoài để ý. Tiền vệ sinh năm 1995 đã có cơ hội thử việc tại CLB Olympiakos (Hy Lạp), theo lời giới thiệu của HLV Wenger. Một vài đội bóng hạng Nhì Hy Lạp đã ngỏ ý để chiêu mộ Tuấn Anh. Một viễn cảnh tươi sáng tại trời Âu đang rộng mở phía trước, nhưng tai họa bất ngờ ập đến với chàng “Ronaldinho Việt Nam”, khiến anh mất đi cơ hội quý giá, có lẽ chỉ xuất hiện một hai lần trong đời cầu thủ.
Ở vào thời điểm đó, bầu Đức đã phải làm hết sức để đưa Tuấn Anh ra nước ngoài chữa trị, mới giúp anh giữ lại sự nghiệp.
Chấn thương ở những thời điểm quan trọng
Sau chấn thương lần đó, Tuấn Anh đã trở lại tuyệt hay trong màu áo lứa cầu thủ U19 Việt Nam từng làm mưa làm gió tại đấu trường khu vực. Sau màn thể hiện ở tuyển U19 và CLB HAGL, Tuấn Anh đã được gọi lên tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 28. Anh được HLV Miura đánh giá rất cao và từng được quy hoạch cho bộ khung U23 Việt Nam bởi khả năng làm chủ tuyến giữa.
Tuy nhiên, một lần nữa giấc mơ chinh phục những đỉnh cao của Tuấn Anh đã phải dang dở vì chấn thương tái phát. Điều này buộc nhà cầm quân Nhật Bản phải gạch tên tiền vệ HAGL khỏi danh sách tham dự SEA Games 28, nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể ảnh hưởng đến chặng đường phía trước của cầu thủ tài năng này.
Chấn thương khiến Tuấn Anh bỏ lỡ nhiều giải đấu lớn |
Tưởng như chuỗi ngày u ám với Tuấn Anh đã qua thì tiền vệ tài hoa này tiếp tục tái phát chấn thương đầu gối phải, đúng thời điểm toàn đội U23 Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016. Phải rất cố gắng, anh mới có tên trong danh sách chính thức tham dự giải đấu châu lục, song cũng vì lí do đó mà cơ hội thể hiện ở giải đấu này của Tuấn Anh là không nhiều, khiến U23 Việt Nam phải nhận toàn bộ 3 thất bại và cay đắng rời cuộc chơi ngay sau vòng bảng.
Ở SEA Games 29 năm nay, Tuấn Anh tiếp tục được kỳ vọng sẽ cùng Xuân Trường xây dựng lên một lối chơi tấn công đẹp mắt, hiệu quả cho U22 Việt Nam. Song thực tế, những ảnh hưởng từ ca phẫu thuật đầu gối hồi đầu năm nay đã khiến tiền vệ 22 tuổi này không có được trạng thái thể lực sung mãn và cảm giác bóng tốt nhất trước khi bước vào giải. Hệ quả là ‘báu vật’ của bầu Đức chỉ được HLV Hữu Thắng bố trí với tư cách cầu thủ dự bị.
Trong trận quyết đấu với U22 Indonesia, ông Thắng đã lựa chọn Duy Mạnh đá cặp với Xuân Trường. Phải cho tới khi cầu thủ của Hà Nội dính chấn thương không thể thi đấu được nữa, Tuấn Anh mới được đưa vào sân thi đấu. Nhưng những gì mà anh để lại ở trận đấu đó là tương đối mờ nhạt.
Ở trận chiến sinh tử với U22 Thái Lan, Tuấn Anh được đá chính do Duy Mạnh không thể ra sân. Và điều này đã dẫn tới việc khu trung tuyến của U22 Việt Nam bị tê liệt hoàn toàn do không thể đấu lại những cầu thủ chơi cơ bắp, mạnh mẽ của Thái Lan. Chung cuộc U22 Việt Nam để thua trắng, và Tuấn Anh cùng các đồng đội đã ngậm ngùi rời Malaysia theo một kết cục khá cay đắng mà có lẽ trước giải, rất ít người có thể dự đoán được.
Bài học nhãn tiền: Tài hoa… bạc mệnh
Sau SEA Games 29, người ta không được thấy Tuấn Anh xuất hiện trên sân cỏ hay trên băng ghế dự bị của CLB HAGL tại V-League 2017. Đơn giản bởi vì anh đang phải đối mặt với một loạt chấn thương, dư âm từ những trận đấu quyết liệt trước đó. Theo chia sẻ của bác sĩ HAGL Đồng Xuân Lâm, ‘Anh Nhô’ lúc này đang mang trên mình 4 thứ ‘bệnh’ bao gồm đau cơ thẳng bụng và chéo bụng, đau cơ đáy chậu, đau cơ khép lớn và gặp vấn đề ở các đầu gân cơ lược, cơ vuông đùi phía bên chân trái.
Điều này khiến tiền vệ trẻ tài hoa của bóng đá Việt Nam phải nhờ cậy tới các phương pháp vật lý trị liệu, bên cạnh việc tiêm tiểu cầu vào các phần mô bị tổn thương để có thể bình phục. Tuy nhiên, theo lời bác sĩ Lâm, chấn thương của Tuấn Anh không hề đơn giản và chưa thể xác định được ngày anh có thể trở lại sân cỏ.
Làng bóng đá thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều những sự chia tay đáng tiếc của các cầu thủ trẻ tài năng trong quá khứ, sau những chấn thương dai dẳng mà họ phải đối mặt trong sự nghiệp. Đơn cử là trường hợp của cựu tiền đạo Wayne Harrison, người từng nổi tiếng khi trở thành cầu thủ trẻ đắt giá nhất thế giới ở thời điểm thực hiện vụ chuyển nhượng từ Oldham Athletic tới Liverpool vào năm 1985, với mức phí 375.000 đôla.
Người Anh đã từng để mất một thần đồng vì chấn thương |
Lúc đó Harrison mới 17 tuổi và từng được HLV của The Kop khi ấy là Joe Fagan thừa nhận: “Cậu ấy là một cầu thủ đặc biệt, có lẽ các bạn chỉ được biết về một tài năng như vậy một lần trong 20 năm. Đó là lý do khiến chúng tôi mua cầu thủ trẻ này với giá kỷ lục”.
Nhưng sự nghiệp của sao trẻ này tại sân Anfield nhanh chóng tàn lụi bởi một loạt các chấn thương. Harrison không được thi đấu một phút nào ở đội một Liverpool. Sau vài mùa chơi cho Oldham Athletic và Crewe Alexandra theo diện cho mượn, tiền đạo này đã buộc phải giải nghệ khi mới 23 tuổi, sau 23 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, trong đó có tới 12 lần phẫu thuật chấn thương đầu gối.
Bóng đá Anh đã mất đi một thần đồng bóng đá theo cách như vậy. Còn với bóng đá Việt Nam, sẽ thật khó hình dung tới một ngày không được chứng kiến Tuấn Anh thi đấu. Mang bên mình một đôi chân như một chiếc bình pha lê mong manh dễ vỡ, Tuấn Anh rõ ràng cần nhận được nhiều hơn những sự quan tâm và chia sẻ của CLB HAGL, cũng như từ phía những người làm bóng đá Việt Nam. Điều này sẽ giúp anh không đi vào ‘vết xe đổ’ của những người đi trước, và có thể tiếp tục cống hiến thêm nhiều năm cho bóng đá đất Việt.