Buổi họp báo giới thiệu về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 diễn ra hôm 5/6, cả hoa hậu Thùy Dung và á hậu Hoàng My cùng gây bất ngờ khi đưa ra những câu hỏi (nguyện vọng thì chính xác hơn) cho BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012: mong muốn có được sự hỗ trợ từ BTC cho các hoa hậu sau khi đăng quang.
Các phóng viên cũng có nhiều ý kiến về hậu hoa hậu, điển hình như việc quản lý và giữ gìn hình ảnh của hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang. Đấy là những câu hỏi, nguyện vọng, sự quan tâm…, chính đáng, nhất là trong thời điểm cả dư luận đang “bàng hoàng” khi đường dây bán dâm nghìn đô bị khui ra có cả hoa hậu, á khôi, hoa khôi, diễn viên tham gia.
Hoa hậu cũng là con người. Khi chạm đỉnh vinh quang, họ đã là siêu sao, người của đại công chúng. Có nghĩa, rất nhiều tác động, cám dỗ tiêu cực..., không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua. Đấy là chưa nói, các cuộc thi hoa hậu ở ta tràn lan.
Sau thất bại của U23 QG ở SEA Games 26, kỳ vọng giành HCV SEA Games 27 lại được đặt lên đôi vai của U22 QG hiện tại
Nói là thế, còn mẫu số chung, đã hoa hậu “thể loại” nào thì hậu hoa hậu cũng được… các đại gia dòm ngó. Tất nhiên, không phải đại gia nào cũng xấu cả nhưng trong quá khứ, nhiều đại gia bập vào hoa hậu để rồi thân bại, danh liệt, không thể không suy nghĩ.
Hoa hậu là nguyên khí trời đất ban tặng, là đại diện sắc đẹp cho nhiều cô gái. Do đó, một hoa hậu hư hỏng, để lại dư chấn cực lớn, đặc biệt niềm tin.
Nhìn sang bóng đá sau 12 năm lên chuyên, cũng có nhiều chuyện khóc cười về các “hoa hậu”. “Hoa hậu” SLNA vô địch mùa chuyên nghiệp đầu tiên (2000-2001) sau đó bị mang tiếng đi mua chức khiến BHL điêu đứng. “Giai nhân” Cảng Sài Gòn đăng quang mùa giải 2001-2002 thì năm sau rớt hạng, rồi mất tên luôn.
Năm 2003 và 2004, bầu Đức lập cú đúp vô địch, thì mãi đến bây giờ, “nàng công chúa” HA.GL vẫn chưa được đánh thức. ĐT.LA lập chiến tích của HA.GL 2 năm kế theo, tiếp tục bê bết và đến nay đang chìm ở giải hạng Nhất.
B.BD vô địch năm 2007, 2008, sau đó lao dốc không phanh. Trớ trêu, đại gia này vẫn bơm tiền như nước, luôn là đất hứa đón các “chân dài” (cầu thủ giỏi) đầu quân. Vậy mà, càng đầu tư càng gây thất vọng.
SHB.ĐN vô địch năm 2009, mùa giải 2010 sa sút đến kinh hoàng. Trắng tay ở mùa giải 2011, cựu “hoa hậu” năm nay nguy cơ vuột ngôi vô địch cũng rất cao. “Hoa hậu” HN.T&T chạm vòng nguyệt quế năm 2010, mùa sau không bảo vệ được vương miện, phải nhường ngôi cho “cô gái chân đất” SLNA.
Năm nay, “hoa hậu” xứ Nghệ đá mãi cứ hòa, hòa đến 13 trận! Té ra bóng đá vẫn có điểm gì giống với… hoa hậu! Trên đỉnh vinh quang là gió, là sự thỏa mãn, là tâm lý hưởng thụ, là cám dỗ và áp lực nội tại rất khó làm chủ mình.
Ví dụ danh hiệu Quả bóng vàng, nhiều anh đoạt được rồi sau đó sa sút, Văn Quyến là điển hình. ĐTQG dành ngôi “hoa hậu” Đông Nam Á năm 2008 (AFF Suzuki Cup), năm 2010 thua te tua.
Đấy cũng là những lý do nên một giải đấu đỉnh cao ở ta nhưng đa số sợ ẵm chức “hoa hậu”, thà trụ hạng, có vị trí tốt, còn hơn. Cũng không ít BHL sợ quân mình lên ĐT, bởi trở về không còn nhận ra nữa do bệnh sao.
Tóm lại, hậu hoa hậu không phải cái kết nào cũng có hậu! ĐTQG đang có mặt ở Trung Quốc, bắt đầu cho hành trình đòi lại vương miện. U22 QG cũng đang khao khát một lần vô địch SEA Games. Bóng đá ta đầu tư cho 2 ĐT chẳng thiếu gì, nhất là U22 rất nhiều “đại gia” chăm bẵm treo thưởng cao chót vót, nhưng không một lần giật được vương miện “hoa hậu”, cứ á hậu hoài, á hậu mãi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)