Sự nghiệp cầu thủ của Văn Biển trải quá rất nhiều biến cố và không ít người từng rơi vào hoàn cảnh của anh đều không còn giữ được phong độ hoặc biến mất một cách âm thầm...
Văn Biển là gương mặt không mới của các ĐTQG khi từng khoác áo U18, U20, U23 cũng như ĐTVN. Hậu vệ người Thái Bình trưởng thành từ lò đào tạo Nam Định này cũng có thâm niên làm việc với rất nhiều phong cách huấn luyện khác nhau, từ HLV Tavares tới A.Riedl, từ Mai Đức Chung tới Falko Goetz. Nhưng có một điều không thay đổi ở cầu thủ này trong suốt những năm qua, đó là niềm khao khát, sự nỗ lực, quyết tâm vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Văn Biển (bìa phải) đang ở độ chín nhất của sự nghiệp
Sự nghiệp cầu thủ của Văn Biển trải quá rất nhiều biến cố và không ít người từng rơi vào hoàn cảnh của anh đều không còn giữ được phong độ hoặc biến mất một cách âm thầm. Khi sự nghiệp đang lên, Văn Biển dính chấn thương đầu gối và phải mổ để rồi sống trong những ngày đầy ắp nỗi lo sau đó, nhất là câu hỏi thời hậu chấn thương. Trong cơn khủng hoảng của bóng đá Nam Định, năm 2009, Văn Biển quyết định dứt áo ra đi tìm phương trời mới để bây giờ, anh là một trong những cầu thủ Nam Định thành công nhất, với chức vô địch V-League 2010, 2 lần á quân (V-League 2011,2012) và đoạt cả Siêu Cúp QG 2010 cùng HN.T&T. Đợt tập trung đội tuyển lần này, Văn Biển cũng là cầu thủ duy nhất của bóng đá thành Nam năm xưa được triệu tập.
“Với tôi, không có sự phân biệt nào khi chơi bóng bởi cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG, cứ ra sân tập luyện và thi đấu hết khả năng thôi. Nhưng quả thật, được gọi vào ĐTQG, được cống hiến cho NHM cả nước, chinh phục những đỉnh cao, giành lấy chức vô địch là mơ ước của bất cứ cầu thủ nào, trong đó có tôi. Nhưng để hoàn thành giấc mơ ấy, tôi cùng đồng đội phải nỗ lực hết sức, tập trung tối đa bởi thành công luôn phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu nữa”, Văn Biển tâm sự ngay sau khi nhận bộ đồng phục đội tuyển.
Dù đã kinh qua rất nhiều lần tập trung đội tuyển, nhưng cảm xúc và quyết tâm của Văn Biển trong lần tập luyện này vẫn vẹn nguyên như ngày đầu anh được triệu tập làm nhiệm vụ quốc gia. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ Văn Biển được trả về đá vị trí trung vệ sở trường và được làm việc với người thầy Phan Thanh Hùng mà anh rất kính trọng. Văn Biển thừa nhận: “Đó là lợi thế rất lớn của tôi, bởi khi đá trung vệ, tôi luôn phát huy được tối đa khả năng. Hơn nữa, sau 3 năm làm học trò của thầy Hùng, tôi đã quen với hệ thống chiến thuật và sẽ không mất nhiều thời gian học chiến thuật”.
Khi còn là một cậu bé, Văn Biển yêu trái bóng và mơ ngày được đứng trên bục vinh quang, cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTVN. Bây giờ, ở tuổi 27, anh đang trong giai đoạn sung sức nhất của sự nghiệp, với độ chín cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Cùng với khao khát, ý chí nỗ lực, đó sẽ là bệ phóng để chàng trai mộc mạc người Thái Bình biến giấc mơ thành hiện thực.
(Theo báo Bóng Đá)