20/22 cầu thủ được sử dụng sau vòng bảng. Đấy là một con số cho thấy sự luân chuyển đang diễn ra liên tục ở đội tuyển Việt Nam (ĐTVN). Chính sự luân chuyển không ngừng ấy tạo nên sự cạnh tranh, rồi sự cạnh tranh làm nên sức mạnh cho đội tuyển.
Không ai chắc suất
HLV Miura sử dụng đến 20/22 cầu thủ cho vòng bảng. Đấy là cách sử dụng cầu thủ thường chỉ xuất hiện đối với những đội bóng có tham vọng lớn ở các giải đấu quan trọng. Bởi, nếu chỉ đi bước nào tính bước đấy, người ta không cần chuẩn bị cho nhiều cầu thủ đến vậy, cũng không nhất thiết phải xáo trộn đội hình, hòng làm bất ngờ đối thủ.
Cách sử dụng con người đấy cho thấy HLV Miura đang tính những con tính đường dài, cho một chiến dịch dài hơi mà ông quyết đi đến cùng. Cách sử dụng con người ấy cũng giúp cho tính cạnh tranh của đội tuyển tăng lên.
Tính cạnh tranh của ĐTVN hiện rất cao |
Cho đến lúc này, chẳng có cầu thủ nào chắc suất đá chính ở đội tuyển. Ngay trên Lê Công Vinh, khi trả lời giới truyền thông khu vực sau vòng bảng cũng nói rằng nhiệm vụ của anh chỉ là sẵn sàng 110% phong độ khi HLV yêu cầu, còn anh cũng không biết mình có được tung vào sân ngay từ đầu hay không, hoặc từ băng ghế dự bị?
Chuyện xếp Công Vinh trên ghế dự bị như ở trận khai mạc với Indoensia, không sử dụng Tấn Tài trong các trận đấu quan trọng ở vòng bảng, với những đối thủ mạnh Philippines hay Indonesia có lẽ chỉ là chuyện mà ngoài HLV Miura, ít người khác dám thực hiện.
Rồi mặc cho những lời bàn tán, mặc cho các chuyên gia trong nước và đối thủ đoán già đoán non, HLV Miura cứ mỗi trận lại sắp một đội hình khác nhau, chơi một cách chơi khác nhau, theo đúng sự tính toán của ông từ trước đó.
Và cho đến giờ, khi mà Minh Tuấn bị treo giò ở trận lượt đi, cũng không ai đoán được rằng HLV Miura sẽ sử dụng cầu thủ nào và phương án nào để thay thế cầu thủ đang khoác áo Than Quảng Ninh. Tất cả mọi phương án mà người ta đưa ra chỉ là… đoán, và mọi người chỉ biết rằng mọi cầu thủ ở đội tuyển đang sẵn sàng chờ được vị HLV người Nhật sử dụng.
Cơ hội dành cho tất cả
Việc luân chuyển đội hình liên tục của HLV Miura cũng phần nào chứng minh ông dành cơ hội cho tất cả. Với vị HLV người Nhật, không có cầu thủ nào là cầu thủ… thừa, cũng không có người nào là không có cơ hội được ra sân.
Trước khi HLV Miura xuất hiện, có lẽ ít người mường tượng đến khả năng Ngọc Hải sẽ đá hậu vệ phải, Huy Hùng đá tiền vệ trung tâm, hay thậm chí ông sẵn sàng đặt niềm tin cho Tiến Thành ở vị trí xung yếu trung vệ, dù Tiến Thành cũng không thuộc dạng nổi danh ở sân chơi trong nước.
Đấy cũng chính là lý do mà những Huy Toàn, hay Thanh Trung có thể hy vọng. Trên bình diện bóng đá nội, họ không lấp lánh bằng nhiều cái tên như Thành Lương hay Công Vinh, nhưng nếu đặt đúng hoàn cảnh và đặt đúng thời điểm, họ vẫn có thể được sử dụng.
HLV Miura đã chứng minh điều quan trọng là lối chơi và cách vận hành lối chơi. Trong đội bóng của HLV Miura, ông không cần mẫu cầu thủ ngôi sao, điều ông cần là mẫu cầu thủ có thể vận hành tốt lối chơi mà ông đã xây dựng.
Chính điều đó cũng giúp cho tính cạnh tranh của đội tuyển đang tăng lên. Tính cạnh tranh tăng ở chỗ ngay cả các ngôi sao nếu không đáp ứng đúng yêu cầu của vị HLV người Nhật cũng có thể bị đào thải. Từ đó, họ phải cố gắng hơn trên sân tập nhằm chứng minh với HLV Miura là họ xứng đáng.
Tính cạnh tranh đấy cũng tạo cho các cầu thủ kém nổi tiếng tâm lý rằng họ cũng có cơ hội ngang với những cầu thủ nổi tiếng, bởi trước giờ bóng lăn, có mấy người nghĩ rằng Huy Hùng có thể cạnh tranh chỗ đứng với Tấn Tài? Hoặc Hải Anh cũng có lúc được đá chính, thế chỗ Công Vinh?
Đấy là chi tiết khiến cho đội tuyển lần này của HLV Miura khó đoán hơn và giàu sức bậc hơn các đội tuyển của những người tiền nhiệm. Với chừng ấy con người có chất lượng chưa chắc là cao, nhưng đặt trong tính cạnh tranh cao do HLV Miura đặt ra, đội bóng đang lột xác hẳn so với chính mình.
Theo Dân Trí