Mặc dù bóng đá trẻ Thái Lan có dấu hiệu đi xuống song phải thừa nhận một thực tế là ở cấp độ ĐTQG, họ vẫn là 'ông kẹ' trong khu vực. Do đó, bóng đá Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn nữa cho một tương lai không còn 'sợ Thái'.
Từ trước đến nay, bóng đá Việt Nam luôn e ngại đối thủ Thái Lan ở các giải đấu khu vực. Đây cũng là điều dễ hiểu khi họ đã giành tổng cộng 16 tấm HCV ở các kỳ SEA Games, đồng thời cũng đang là đội bóng sở hữu chức vô địch ĐNÁ nhiều nhất với 5 lần lên ngôi. Ở 3 kỳ SEA Games và 2 kỳ AFF Cup gần đây nhất, 'những chú voi Thái' đều độc chiếm ngôi vương nhờ sức mạnh hơn hẳn các đối thủ trong khu vực.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam trong suốt những năm qua vẫn đang loay hoay trong bài toán hạ Thái để vô địch khu vực. Tuy nhiên chính tâm lý yếu cùng những sai lầm liên tiếp của các tuyển thủ ở những trận cầu quyết định đã khiến chúng ta ngày càng rời xa giấc mơ vô địch. Cho tới thời điểm này, tấm HCV SEA Games vẫn là giấc mơ xa xỉ với người Việt, còn chức vô địch AFF Cup thì bóng đá Việt Nam cũng chỉ mới giành được 1 lần đã cách đây tròn một thập kỷ.
Thành công của ĐT U23 Việt Nam không đồng nghĩa với việc chúng ta đã bắt kịp Thái Lan |
Nếu các lứa cầu thủ ĐTQG liên tục thất bại trong các trận bán kết AFF Cup 2014, 2016 thì bóng đá Việt Nam mới chỉ bước đầu có được những thành công ở lứa cầu thủ trẻ, vốn dưới sự dẫn dắt của các nhà cầm quân nổi tiếng nghiêm khắc như HLV Hoàng Anh Tuấn hay Park Hang Seo. Có thể nói những kỳ tích của đội tuyển U19 Việt Nam giành vé tham dự U20 World Cup hay U23 giành ngôi Á quân châu Á là những điều mà người Thái chưa thể làm được. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là Việt Nam đã có thể thi đấu ngang ngửa người Thái ở mọi cấp độ, nhất là ở cấp độ ĐTQG.
Nói về vấn đề này, nhà cầm quân kỳ cựu Lê Thụy Hải đã tâm sự: “Giải khu vực có những đặc thù riêng, các quốc gia có khoảng cách không chênh lệch và hiểu rất rõ về nhau. Không phải không có lý do khiến bóng đá Việt Nam suốt hơn 50 năm qua chưa thể có tấm HCV SEA Games, còn AFF Cup chúng ta mới có 1 chức vô địch từ năm 2008. Rõ ràng Thái Lan vẫn là đối thủ nặng ký nhất với đội tuyển Việt Nam”, HLV Lê Thuỵ Hải chia sẻ.
Trước đó, ngay cả HLV Park Hang Seo cũng nhận xét đẳng cấp của bóng đá Việt Nam không thể vì một giải đấu châu lục này mà lên cao được, mà cần một quá trình luyện tập lâu dài, bền bỉ. Chiến lược gia người Hàn tâm sự: "Kết quả này không phải là ngẫu nhiên, mà là nỗ lực và mồ hôi của cầu thủ. Hình ảnh bóng đá Việt Nam chắc chắn đã được nâng tầm rất nhiều. Dù vậy, để vươn đến đỉnh cao vẫn cần thêm thời gian".
Nhận xét của những nhà cầm quân nhiều kinh nghiệm là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh người Thái đang có những sự chuẩn bị dài hơi để vươn ra biển lớn châu lục. Tới đây, họ sẽ tổ chức giải King's Cup 2018 với sự góp mặt của các tên tuổi lớn là Slovakia, Gabon và UAE. Đây đều được đánh giá là những đội bóng mạnh hơn Thái Lan và đó sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Milovan Rajevac tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm hướng tới ASIAD 2018 và VCK ASIAN Cup 2019.
ĐT Thái Lan đang sở hữu lứa cầu thủ đang ở độ chín sự nghiệp |
Về mặt con người, bóng đá Thái Lan cũng đang hơn hẳn Việt Nam khi các cầu thủ trụ cột trên tuyển QG của họ đều đang thi đấu khá thành công ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nếu như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều đã lần lượt về nước sau khi không giành được một suất đá chính ở các CLB mới, thì Chanathip Songkrasin đã tỏa sáng ở J-League 1 trong màu áo Consadole Sapporo.
Nhờ thể lực, tốc độ và khả năng đi bóng ấn tượng, 'Messi Jay' nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình và chiếm vị trí chính thức tại đội bóng này. Với việc góp công lớn giúp Consadole Sapporo thoát khỏi cuộc chiến xuống hạng và kết thúc mùa giải ở vị trí 11 (cao nhất trong lịch sử), Chanathip đã được đội bóng Nhật Bản đề nghị gia hạn hợp đồng và tăng lương.
Chính sự thành công của tiền vệ tài năng này đã giúp bóng đá Thái Lan 'xuất khẩu' được nhiều cầu thủ hơn sang Nhật Bản mà Theerathon Bunmathan và Teerasil Dangda là những gương mặt tiêu biểu. Mới đây nhất, thủ môn số 1 của ĐT Thái Lan Kawin Thamsatchanan cũng gia nhập Oud Heverlee Leuven (OHL) của Bỉ với giá chuyển nhượng cao nhất lịch sử CLB.
Mặc dù đây chỉ là một thương vụ “đánh bóng” tên tuổi bởi chủ tịch đội bóng OHL chính là tỉ phú Thái Lan Vichai, người đang sở hữu CLB Leicester City của Anh, nhưng rõ ràng điều này cũng cho thủ thành người Thái có thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Bóng đá Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa để đá sòng phẳng với người Thái |
Thế mới thấy, ở bình diện cấp độ ĐTQG, bóng đá Việt Nam vẫn đang hoàn toàn 'dưới cơ' Thái Lan. Đó là điều mà ngay cả thầy Park cũng đã thừa nhận: "Dựa trên kết quả đội U23 trong thời gian tới, chúng ta có thể dự đoán được thành tích ở đội tuyển quốc gia trong tương lai. Nhưng rất khó để mang thành tích U23 châu Á để đánh giá về AFF Cup 2018 cuối năm nay".
Chính vì thế, trong thời gian sắp tới, các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là các cầu thủ trẻ vừa thành công tại giải U23 châu Á 2018 vừa qua sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện khả năng, qua đó góp phần giúp bóng đá Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, nhằm có thể lật đổ ngôi vương mà người Thái đã thống trị khu vực trong tương lai.
Thanh Long (Bóng đá 24h)