“Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc người”. Nếu như năm ngoái, thời điểm này thị trường chuyển nhượng sôi như miệng núi lửa thì năm nay, cánh cầu thủ hết hợp đồng đang ngáp ngắn ngáp dài.
Hết thời vờn ông chủ
Trong khi đó, giá vàng đang leo thang đến chóng mặt. Thông thường, giá trị của cầu thủ được ví như vàng và hơn thế nữa, chỉ có lên giá chứ ai ngờ đang rớt giá thảm hại như hiện nay.
Theo tiền lệ, khi mùa giải còn đến cả chục trận, việc tiếp xúc với cầu thủ coi như đã xong. 2 bên sẽ ký bản hợp đồng ghi nhớ. Nhưng với những cầu thủ thuộc hàng sao, họ sẽ làm mọi cách để đẩy giá trị của mình lên. Càng chần chừ càng có cơ hội nhận hợp đồng khủng. Lúc đó, buộc một số CLB phải chiều theo những yêu sách. Cuối cùng, CLB nàođáp ứng được yêu cầu cao nhất, họ mới có được chữ ký của cầu thủ mình mong muốn.
Samson (trái) sẽ là bản hợp đồng triệu đô gần như cuối cùng của V-League.
Chính bởi đã quen được cưng chiều, nên nhiều ngôi sao đã làm mình làm mẩy để đưa các ông chủ vào tròng sau khi kết thúc mùa giải 2012. Ai ngờ, tình hình kinh tế khó khăn, một mặt bóng đá nội địa đã có những biến chuyển lớn về mặt nhận thức, buộc những kẻ có máu vung tiền chơi bóng đá cũng phải nghĩ lại. Ngay lập tức, cả thế giới cầu thủ rền vang tiếng than thân trách phận, những trách móc ông chủ, có cả sự nuối tiếc của một số ngôi sao đã bỏ lỡ thời cơ kiếm tiền tỷ như đút tay vào túi, chỉ vì vẫn chờ đợi sự lên giá.
Giá trị thực sẽ cứu cầu thủ?
Cầu thủ rớt giá không phải vì “hết duyên”, mà vì các doanh nghiệp đã thấm đòn đầu tư quá nhiều tiền nhưng chỉ gặt lại những giá trị vô bổ. Họ đã ý thức đến lúc không thể tiếp tay cho cầu thủ, những ông “cò” để tạo một thị trường chuyển nhượng có thể nói là nghịch lý bậc nhất thế giới.
Chắc chắn, giới cầu thủ sẽ hụt hẫng rất nhiều, chẳng khác gì đang đi trên mây, đùng một cái rơi tõm xuống mặt đất. Thế nhưng, nếu nhìn sâu xa hơn thì việc đưa cầu thủ trở về giá trị đích thực sẽ từng bước giúp họ có “điều kiện” trở nên chuyên nghiệp hơn. Nói thế bởi ai cũng biết vấn đề tư cách, đạo đức cầu thủ ta đang ở mức đáng báo động nhất. Họ không cần biết khán giả đến sân khát khao cháy bỏng được chiêm ngưỡng thứ bóng đá đẹp, trung thực. Họ không cần biết các ông chủ đã bỏ ra quá nhiều tiền để đưa mình về.
Thay vào đó, là thái độ có tiền mới đá. Sau khi đã hoàn tất bản hợp đồng, đa số cầu thủ đều tìm cách để có một bản hợp đồng khác, bất chấp những chế tài về luật định. Thậm chí, bất chấp danh dự, dù phải đi đến CLB hạng Nhất, bê bết, miễn sao có tiền. Khi đã thế, làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến, khi sợ chấn thương sẽ rớt giá. Nguy hại hơn, ngay cả khi khoác áo ĐTQG họ vẫn gây yêu sách về tiền bạc. Trong quá khứ chưa xa, đã có rất nhiều câu chuyện buồn, xung quanh đến thái độ tuyển thủ đặt tiền thưởng lên cao hơn ý thức công dân, buộc VFF phải treo thưởng cao mới hy vọng có huy chương.
Kiếm tiền quá dễ, tâm lý hưởng thụ là điều tất yếu. Nhưng tệ nạn mà giới cầu thủ đã và đang bập vào, là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít tấm gương thân bại danh liệt, đã từng ẵm khối tài sản kếch xù nhờ chuyển nhượng nhưng đến cuối đời đá bóng vẫn tay trắng.
Con người ta, chỉ những đồng tiền đúng với sức lao động của mình, mới biết trân quý. Bản thân xã hội cũng không thể chấp nhận được nền bóng đá nước nhà đang tồn tại như một thế giới khác lạ, ở đó cầu thủ cống hiến quá ít cho CLB, cho đất nước, nhưng lại được hưởng chế độ đãi ngộ quá đặc biệt. Ai đó bảo cầu thủ ta đang ra dáng ngôi sao bên Tây? Chẳng sao, có điều, sẽ bớt lố bịch hơn nếu như thái độ của cầu thủ ta chuyên nghiệp, sự cống hiến rõ ràng như đồng nghiệp trời Âu.
Hết duyên thì nằm rên. Đến lượt cánh cầu thủ “ôm bụng”, đấy là điều tất yếu bởi chẳng ai bỏ tiền mãi ra trao đổi những giá trị phù vân!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)