Hai ngày trước, Giám đốc Thể Công Hồ Tri Liêm và trợ lý Lê Thụy Hải đã lên đường đi Brazil tìm cầu thủ dù cánh cửa chuyển nhượng giữa mùa chưa mở. Họ xác định tiêu chí rất rõ: tiền không phải là vấn đề, miễn là có cầu thủ chất lượng!
Dự kiến, Thể Công sẽ tận dụng tối đa quyền thay thế 3 cầu thủ ngoại sau khi giai đoạn một kết thúc. Vị trí mục tiêu vẫn là tiền đạo. Thể Công cần những tay săn bàn có khả năng đạt hiệu suất khoảng chục bàn thắng ghi được sau mỗi lượt đi (hoặc về) gồm 13 trận đấu, tương tự như hiệu suất của Almeida ở SHB.ĐN trong những năm gần đây.
Trợ lý Lê Thụy Hải sẽ là người chấm về chuyên môn. Nếu đáp ứng yêu cầu, Thể Công sẽ quyết ngay, bởi Giám đốc Hồ Tri Liêm. Họ cũng đã có sẵn đối tác ở Brazil để không phải mò mẫm.
Một người tinh đời như ông Hải liệu có giúp được Thể Công có cầu thủ chất lượng ? |
Đã có khá nhiều những trường hợp những nhà làm bóng đá Việt Nam sang tận Brazil tìm kiếm cầu thủ nhưng rốt cục lại chỉ vớ được những cầu thủ tầm thường. Nó phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố may mắn. Như Đà Nẵng 5 năm về trước, vô tình “săn” được Rogerio. 2 năm sau đó, họ lại rong ruổi trở lại đất nước này, nhưng chẳng kiếm được cầu thủ nào, dù ngày ấy, Đà Nẵng cũng đã đốt cả đống tiền, cũng cử đi những chuyên gia bóng đá thứ thiệt như Phan Thanh Hùng chẳng hạn và cũng có đối tác địa phương.
Phải chăng, thành công sẽ chỉ được đảm bảo nếu như họ tiếp cận với những cầu thủ chuyên nghiệp thực sự, đang chơi bóng ở các CLB thi đấu tại Seri B và thậm chí phải là Seri A, 2 giải đấu cấp cao nhất ở tầm mức quốc gia của Brazil? Dĩ nhiên, nó chắc chắn sẽ đòi hỏi những chi phí “khổng lồ”. Nhưng Thể Công có vẻ không ngại điều đó.
Chỉ riêng số tiền cho chuyến đi tìm người này đã lên tới gần 1 tỉ đồng. Tức là Thể Công đã xắn tay áo để rút tiền. Họ sẵn sàng thiết lập nên những kỷ lục về ngoại binh trên khía cạnh tiền chuyển nhượng và tiền lương. Vì một tiền đạo tầm tầm như Nyom Nyom cũng đã được Thể Công trả 7000 USD/tháng tiền lương. Hiện tại, người ta vẫn coi việc T&T HN quảng cáo họ bỏ ra 100.000 USD/mùa để chiêu mộ cầu thủ Cassiano là một kỷ lục về tiền chuyển nhượng cầu thủ ngoại ở BĐVN trước nay. Còn kỷ lục về lương đang thuộc về Lee Nguyễn ở HAGL với mức 10.000 USD/tháng.
Có điều, từ việc Thể Công cất công sang Brazil tìm cầu thủ và sẵn sàng phá các kỷ lục của V-League, lại thấy sự hạn chế của BĐVN trong việc tìm kiếm nguồn cầu thủ.
Đúng là có những cầu thủ châu Âu không chịu đến một nơi trũng như V-League chơi bóng khi bản thân hình của đất nước cũng chưa được quảng bá rộng rãi, nhưng đôi khi đồng tiền quyết định được nhiều thứ đối với thế giới cầu thủ. Trên thực tế, không thiếu những cầu thủ có chất lượng mà giá lại chưa bằng những kỷ lục hiện thời của BĐVN. Ở Pháp, số vụ chuyển nhượng các cầu thủ đang chơi ở Ligue 2 (giải đấu cao thứ hai) có tới gần 50% có số tiền chuyển nhượng trên dưới 100.000 Euro (khoảng 130.000 USD). Thậm chí, với số tiền lương trên 100.000 USD/năm/cầu thủ, người ta cũng có thể chiều lòng được khoảng một nửa số cầu thủ đang chơi cho CLB PAOK cũng đã từng 2 lần vô địch Hy Lạp. Hy Lạp không phải là địa chỉ duy nhất khi mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khá nhiều cầu thủ nhận lương trong khoảng 50.000 Euro/năm.
Đúng là BĐVN, có tiền mà tiêu cũng khó!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)