Tiền vẫn đổ vào V-League nhưng 17 năm lên chuyên vẫn như thuở sơ khai. Và một trong những lý do lớn nhất là việc các cầu thủ, HLV, thậm chí lãnh đội đang có lỗ hổng lớn về giáo dục.
Tiền vệ Phạm Thành Lương trong một lần được hỏi trên truyền hình là bọn em đá bóng quanh năm như thế thì lấy đâu ra thời gian mà học? Chủ nhân 4 QBV Việt Nam trả lời rất nhanh mà không cần suy nghĩ “bọn em có học đâu, toàn xin điểm thôi”. Thành Lương vốn thật thà, chân chất nên chẳng dấu ai được cái gì. Anh không xấu hổ việc đi xin điểm bởi đó là cái giá phải đánh đổi cho sự nghiệp quần đùi áo số. Không riêng gì Thành Lương mà có lẽ đa số những cầu thủ tham gia V-League đều vậy. Họ chấp nhận xa nhà từ nhỏ để lên thành phố ăn tập với đội bóng, rồi đi thi đấu triền miên, không có thời gian học hành cũng là điều dễ hiểu.
Sau sự cố sân Thống Nhất, Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm đã đệ đơn từ chức.
Mà phải nói thêm rằng, Thành Lương là một cầu thủ có đạo đức của bóng đá Việt Nam. Và anh cũng là người gốc Hà Nội mà vẫn còn “khoảng trống giáo dục” như vậy thì có lẽ ai cũng tưởng tượng ra phần còn lại của V-League như thế nào. Những sự cố lớn nhất của nền bóng đá đều xuất phát từ việc các cầu thủ đều không được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Vụ U23 bán độ, cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai quá nổi tiếng. Nếu được giáo dục đến nơi đến chốn thì liệu những cầu thủ có tiền tỷ trong tay có bán độ vì vài chục triệu hay không? Ngay đến những vấn đề lớn, liên quan đến pháp luật họ còn “ngây thơ” như vậy thì đừng hỏi tại sao hình ảnh phản ứng trọng tài, chơi bạo lực diễn ra nhan nhản ở V-League.
Chủ tịch CLB Long An lao từ khán đài xuống sân phản ứng trọng tài |
Quay trở lại màn “hài kịch” của đội Long An trên sân Thống Nhất. Đó thật sự là cao trào, là hệ quả lớn nhất từ lỗ hổng giáo dục. Tất cả cầu thủ phản ứng trọng tài như một phản xạ tự nhiên bất chấp tình huống đó đúng hay sai. Các cầu thủ trẻ đã đành nhưng có cả những lão tướng sắp đến tuổi giải nghệ như Quang Thanh, Minh Nhựt cũng hành xử hết sức bồng bột. Chính bộ đôi này là người chỉ đạo các cầu thủ không thi đấu sau quả 11m ở phút 80. Thậm chí chính cựu tuyển thủ Quang Thanh đã thúc giục Minh Nhựt quay lưng trong cú đá phạt đền của Victor để phản đối trọng tài.
Sự cố sân Long An vào hôm qua có lẽ sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam lẫn thế giới. Thêm một lần V-League chứng minh sự… nghiệp dư không khác gì thời bao cấp...
Toàn bộ cầu thủ không giữ được cái đầu lạnh nhưng tệ hơn khi BHL và cả Chủ tịch CLB còn phản ứng mạnh hơn. HLV Ngô Quang Sang trực tiếp đưa ra những lời “phun mưa nhả ngọc” với tổ trọng tài. Từ trên khán đài, Chủ tịch Võ Thành Nhiệm lao xuống như muốn “ăn tươi nuốt sống” ông Nguyễn Trọng Thư. Được lãnh đạo “hẫu thuẫn” như thế thì chẳng bất ngờ khi cầu thủ càng được đà để “diễn trò” trên sân hơn. Từ sai lầm này, dẫn tới sai lầm khác. Từ một việc nhỏ, giờ đây cả thế giới đang cười vào bóng đá Việt Nam.
Minh Nhựt hành xử quá bồng bột dù là anh lớn trong đội |
Hãy phân tích vài ví dụ để thấy lỗ hổng giáo dục của chúng ta đang lớn như thế nào. Ở vòng đấu gần nhất tại giải Ngoại hạng Anh, Sanchez đã ghi bàn bằng tay rất rõ cho Arsenal trong trận đấu với Hull City. Đội khách cũng đang có nguy cơ xuống hạng lớn. Thế nhưng thầy trò HLV Marco Silva vẫn vui vẻ chấp nhận và trận đấu diễn ra bình thường. Hay trong chính ngày 19/2, không lâu sau sự cố sân Thống Nhất. Tại giải La Liga, Barca cũng được hưởng phạt đền phút 11m nhờ pha ăn vạ của Neymar. Nhưng các cầu thủ Leganes không phản ứng mà nhanh chóng đưa bóng trở lại cuộc chơi và thiếu chút nữa họ tìm được bàn gỡ ở phút bù giờ. Đó là khác biệt về nền tảng giáo dục. Các cầu thủ châu Âu họ được học được cách tôn trọng đối thủ, tôn trọng những người cầm cân nảy mực.
Sự cố Long An tại vòng 6 V-League 2017 đang thật sự gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như Tổng cục TDTT đang yêu cầu VFF làm thật nghiêm sự việc này.
Nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, nền tảng giáo dục, thì cầu thủ đã không phản ứng trọng tài nhiều như thế. Lỗ hỗng của chúng ta còn lớn hơn khi ngay cả HLV, Chủ tịch CLB cũng không thể kiểm soát được hành vi của mình dẫn tới hậu quả khôn lường. Nếu HLV Thanh Sang và Chủ tịch Võ Thành Nhiệm hiểu luật thì đã khuyên ngăn cầu thủ, sẽ chẳng có màn hài kịch nào xảy ra thay vì hùa vào như thế. Không chỉ Long An mà hầu như đội nào ở V-League đều vậy. Thậm chí các lãnh đội còn có phản ứng thiếu chuyên nghiệp hơn cả cầu thủ. Có lẽ đây chính là rào cản lớn nhất khiến bóng đá Việt Nam gần như không thể bước lên chuyên nghiệp trong suốt gần 20 năm qua.
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)