SHB.ĐN đã lách qua được định mệnh nghiệt ngã, lách qua được tình thế quá hẹp để đăng quang ngôi vô địch khi cả nước đều hướng sự tập trung vào sân Thống Nhất. Chức vô địch của SHB.ĐN là hợp lý căn cứ vào thực lực của họ, nhưng nó sẽ được nhắc đến như một sự kiện “khó nghĩ” nhất của V-League.
Lợi thế “2 đánh một” quá lớn
Dăm phút cuối trên sân Thống Nhất, khi hỏa lực của SG.XT quá mạnh và Văn Quyết phải nhận thẻ đỏ, cầu thủ HN.T&T chỉ còn mỗi nhiệm vụ là làm mọi cách bảo toàn tỷ số. Họ hiểu với thế trận đó, khả năng vô địch đã tan thành mây khói, chỉ còn bảo vệ mành lưới để người anh em SHB.ĐN đăng quang.
Một câu hỏi đặt ra, nếu cơ hội vô địch không phải là SHB.ĐN mà là đối thủ khác, HN.T&T có phải co cụm và chơi với kiểu mong cho thời gian kết thúc, hay sẽ vùng lên cháy đến hơi thở cuối cùng, theo kiểu được ăn cả, ngã về không? Hòa hoặc thua họ cũng có huy chương cơ mà. Hỏi có lẽ cũng là trả lời.
Cup VĐ như ở trên trời rơi xuống cho các cầu thủ SHB.ĐN
Không phải đến khi hình ảnh đó xuất hiện, người ta mới cảm nhận được cái lợi thế “2 đánh một” của cuộc đua vô địch. Điều mà thoạt nhìn, SHB.ĐN bất lợi nhất, còn 2 đối thủ kia cơ hội là ngang nhau. Nhưng một khi bầu Hiển quyết tâm một trong 2 đội của mình phải vô địch, thì với đẳng cấp của SG.XT không có sự chênh lệch quá lớn, nếu không nói ngang nhau; trong khi HN.T&T có kinh nghiệm dày dạn, bản năng vô địch tiềm tàng còn Ninh Bình đã hết động lực, thì không quá khó để buộc SG.XT phải “què”. Càng xui cho SG.XT, khi chiều qua họ đã có nhiều cơ hội hơn, nhưng đã không tận dụng được vì quá vô duyên. Âu đấy cũng là thiên định. SG.XT muốn vô địch, họ chỉ còn cách duy nhất là phải thắng, thắng số phận, thắng bản thân và thắng đối thủ. Cửa có vẻ rộng nhưng vẫn rất hẹp là thế.
Vô địch không phải là tất cả
Chúng tôi tin chắc rằng, kể cả BTC giải, những nhà chuyên môn đều đặt cửa nhà tân vô địch sẽ đăng quang ở sân Thống Nhất, chứ không phải Ninh Bình. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay các bình loạn viên vỉa hè mấy ngày qua cũng đều lãng quên ứng cử viên SHB.ĐN. Điều đó không phải do SHB.ĐN cửa hẹp, do không có thực lực, mà xuất phát từ tinh thần, thái độ thiếu nghiêm túc của họ trước đó mấy vòng. Ngay cả khán giả quê nhà, chiều qua họ đón nhận tin vô địch cũng ngỡ ngàng, niềm vui không bùng nổ, trọn vẹn kiểu như năm 2009. Chinh phục được trái tim khán giả mới là khó nhất.
Khó không phải là khi nào cũng phải thắng như chẻ tre kiểu năm 2009. Bóng đá có khi thắng, lúc bại, nhưng sự khác biệt sẽ nằm ở thái độ thi đấu, lòng trung thực để được dư luận chia sẻ. Có những lúc ai cũng phải khen Huỳnh Đức và học trò, trong bối cảnh thiếu Merlo sau EURO nhưng vẫn có những trận thắng “kinh điển” với lối chơi theo “phiên bản” Tây Ban Nha. Đấy là kết quả của sự lao động nghiêm túc, sáng tạo. Nhưng, chẳng ai chấp nhận nổi SHB.ĐN đá như trận thua K.KG, hòa N.SG (sân nhà), thua TĐCS.ĐT (sân nhà). Đấy không phải là gương mặt đích thực của SHB.ĐN. Đến khán giả ruột của họ đa số còn tẩy chay, trừ số CĐV nằm trong Hội CĐV được trả tiền để đi cổ vũ. Đấy là sự sòng phẳng.
Dù sao, mùa giải cũng đã khép lại lại, xin chào ngôi vô địch đã trở lại với thành phố bên sông Hàn thơ mộng. Lẽ ra, người Đà Nẵng đã được tận hưởng sớm điều đó hơn nữa sau khi đăng quang mùa bóng 2009, khi đội bóng của họ sở hữu lực lượng “nguyên tử”. Lẽ ra, khán giả bên sông Hàn tối qua đã có thể hát ca trong niềm vui bất tận chứ không lãnh đạm như thế.
Hy vọng, thầy trò Huỳnh Đức nhận ra điều đó, để bắt đầu một ngày mới tươi mát hơn, kế thừa được thành tích đáng nể, làm chủ định mệnh chứ không phải thon thót lách qua những khúc cua số phận. Những bài toán hậu vô địch luôn khó giải với bóng đá ta, với bóng đá Đà Nẵng đã được chứng minh.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)