Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Sau 15 năm, V-League mới trở thành sân chơi của người Việt

Thứ Hai 05/01/2015 16:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Năm 2000, NHM mừng rơi nước mắt khi LĐBĐVN chính thức đưa bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp. Thế nhưng công bằng mà nói trong 14 năm qua, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, đáng buồn hơn khi V-League lại trở thành sân chơi của những cầu thủ ngoại.

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, với làn sóng làm bóng đá chuyên nghiệp của các nước trong khu vực thì VFF cũng quyết định tạo ra bước đột phá cho BĐVN. Thế nhưng ai cũng hiểu chữ “chuyên” ở BĐVN trong 14 năm qua chỉ mang tính tương đối, gần như chúng ta chưa tạo được sức bật nào cho nền thể thao vua nước nhà. Thẳng thắn mà nói thì sau một quãng thời gian dài làm bóng đá chuyên nghiệp, V-League chỉ là sân chơi của những cầu thủ ngoại nhảy múa, nơi mà những đồng tiền của chúng ta chảy ra nước ngoài.

V-League 2015 se co nhieu dat dien cho cau thu Viet
V-League 2015 sẽ có nhiều đất diễn cho cầu thủ Việt

Vô số tiền bạc, công sức của các ông bầu sau thời gian dài làm bóng đá đều phải đổi lấy thất bại. Thậm chí đã có những đại gia như Ninh Bình, Xuân Thành, Hòa Phát, ACB bỏ cả nghìn tỷ làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng rồi phải giải thể, trở về con số 0. Kéo theo sự phồn vinh giả tạo của V-League là sự giàu lên nhanh chóng của các cầu thủ. Và rồi các tỷ phú trẻ tuổi không biết làm gì với số tiền lớn ngoài việc lao đầu vào các thú tiêu khiển thiếu lành mạnh. Đồng nghĩa với việc đó là phong độ sa sút, chất lượng các trận đấu đi xuống và đặc biệt là sự suy đồi về đạo đức nghề nghiệp.

Cầu thủ thì cứ đến tháng nhận lương trăm triệu, lót tay hay tiền thưởng cả tỷ đồng. Còn về chuyên môn ư? họ không quan tâm, cứ việc nhồi bóng cho ngoại binh là hoàn thành nhiệm vụ. Đã có thời các CLB ưa chuộng “hàng ngoại” tới mức nhập tịch ồ ạt để lách luật giới hạn 3 “tây” được ra sân. Đội nào cũng có 5, 6 cầu thủ gốc ngoại là chuyện rất bình thường cách đây vài mùa giải. Hệ lụy của nó là tầm ảnh hưởng quá lớn của các cầu thủ nước ngoài tại V-League, mùa giải nào số lượng bàn thắng mà các chân sút ngoại cũng vượt trội so với nội binh. Thậm chí đã 13 năm qua, danh hiệu vua phá lưới V-League chỉ là chuyện riêng của các “ông tây”. Chẳng quá khi nói rằng giải VĐQG bấy lâu nay vẫn chỉ là cuộc chơi của các ngoại binh, một sự thật đáng buồn mà hầu như ai cũng biết.

Chính vì tầm ảnh hướng quá lớn của ngoại binh đã lấn át đất diễn của cầu thủ nội mà trong năm 2015 này VFF đã tạo ra bước đột phá mới khi quyết định hạn chế cầu thủ gốc ngoại. Theo đó từ V-League 2015, ngoài các CLB dự các giải châu lục được bổ sung thêm 1 cầu thủ gốc châu Á thì toàn bộ các đội bóng chỉ được đăng ký tối đa 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch. Chắc chắn chất lượng các trận đấu sẽ không cao như trước nhưng ngược lại cầu thủ nội sẽ có nhiều đất diễn hơn. Và điều quan trọng hơn là NHM cảm thấy V-League thực sự là giải đấu của người Việt và họ sẽ dần dần đến sân nhiều hơn.

Khan gia den xem V-League ngay cang dong hon
Khán giả trận Bình Dương gặp Đồng Tháp vào hôm qua

Hôm qua, ngay trong ngày khi màn V-League 2015, BĐVN đã có được một tín hiệu không thể vui hơn khi đã có tới gần 60.000 khán giả tới sân chứng kiến 7 trận đấu. Ngoại trừ Hàng Đẫy, sân nhà của CLB Hà Nội T&T vốn không được lòng khán giả thủ đô thì 6 SVĐ còn lại đều có không khí như một lễ hội. Từ Cần Thơ tới Đồng Nai, từ Vinh cho tới Thanh Hóa, từ Gò Đậu cho tới Pleiku, tất cả các khán đài đều một như một chảo lửa thật sự. Rõ ràng, cuộc cách mạng “thuần Việt” tại V-League đang được đông đảo NHM cả nước hoan nghênh và ủng hộ.

Không chỉ là không khí bóng đá được hồi sinh mà ở dưới sân các cầu thủ Việt cũng đã thể hiện được sự lấn lướt so với các cầu thủ ngoại. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm mới có một vòng đấu mà số lượng cầu thủ nội ghi bàn vượt trội tiền đạo ngoại như ngày hôm qua. Sau khi kết thúc lượt đấu đầu tiên của V-League 2015, đã có tổng cộng 23 bàn thắng được ghi, trong số đó các nội binh đóng góp tới 15 bàn thắng, các “ông tây” chỉ có được vỏn vẹn 8 bàn. Ấn tượng hơn khi trung bình mỗi trận đã có tới 3,3 bàn được ghi, như thế có nghĩa chính cầu thủ nội đã đem lại sự hấp dẫn cho giải đấu của chúng ta. Một niềm vui vô bờ bến đối với BĐVN.

Người Việt đang dần yêu V-League, giải đấu mà họ đã quay lưng trong 14 năm qua, thế nhưng tới năm 15 này thì mọi thứ đã thay đổi. Chưa bao giờ tầm ảnh hưởng của cầu thủ Việt lại lớn đến thế ở giải quốc nội, đáng mừng hơn khi V-League đang đần đi theo cách làm bóng đá căn bản như đào tạo trẻ và hướng tới thị hiếu của khán giả.

Doãn Công

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X