Trong quá khứ, các CĐV cũng đã từng nhiều lần hô hào việc sa thải HLV Alfred Riedl, rồi Calisto sau những thất bại ở đấu trường Seagame và AFF Cup. Giờ đây, cụm từ “sa thải HLV Miura” cũng đang được đa số NHM nhắc đến.
Năm 2010 trước khi rời Việt Nam, HLV Calisto đã phải cay đắng thốt lên rằng ở mảnh đất hình chữ S có 30 triệu người làm HLV. Ý nói của ông “Tô” là khán giả Việt quá nhạy cảm sau mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia. Họ có thể trở thành nhà phê phán, nhà bình luận chuyên môn và đòi sa thải HLV trưởng ĐTQG chỉ sau 1, 2 thất bại của đội nhà. Thực tế, trước khi giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008, chiến lược gia người Bồ đã liên tục phải chịu sức ép khi số đông CĐV đòi sa thải ông vì khiến đội bóng áo đỏ chỉ biết hòa và thua trong 10 trận liên tiếp.
Tiếp tục hợp tác, sa thải giữa chừng, hoặc thậm chí kết thúc hợp đồng nhưng không êm đẹp với nhà cầm quân người Nhật đều đẩy VFF vào tình huống khó xử.
Bây giờ, lịch sử lặp lại khi đang có 1 lượng không nhỏ NHM đòi sa thải HLV Miura. Trong số này còn có những chuyên gia gạo cội như ông Lê Thụy Hải, Trương Việt Hoàng, thậm chí có cả Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Lạ thay khi họ muốn đuổi việc ông thầy người Nhật sau khi ĐT Việt Nam… giành chiến thắng. Cái lý do đưa ra cũng phù phiếm và ảo tưởng không hề nhỏ - lối chơi của ĐT Việt Nam thiếu thuyết phục. Vậy, xin cho hỏi là từ trước đến nay lối chơi của ĐT Việt Nam là gì? Và lối chơi thuyết phục ấy xuất hiện vào khi nào? Trước thời HLV Miura là Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng, trước đó nữa là Falko Goetz, những người mà khi nhắc lại thì có lẽ NHM chẳng có lấy chút ấn tượng nào và đều khiến đội bóng áo đỏ bị loại ở vòng bảng AFF Cup và Seagame. Trước đó nữa là Calisto và Alfred Riedl những người gây ấn tượng nhất nhưng cũng bước đi chẳng dám ngoảnh đầu lại vì những gì họ đã trải qua.
Ông Miura là HLV có thành tích tốt bậc nhất so với các đời thầy ngoại |
Quá khứ của ĐT Việt Nam vốn chẳng có gì lẫy lừng nhưng trong tiềm thức của mỗi CĐV nước nhà thì khi đội bóng áo đỏ ra sân là họ phải thắng, thắng đẹp, chơi thuyết phục rồi mới đã. Từ tình cảm, NHM lấn át sang lý trí và họ quên mất bóng đá Việt Nam đang ở đâu, đang yếu kém đến nhường nào và đổ luôn mọi nguyên nhân thất bại lên đầu vị HLV trưởng. Cụm từ sa thải HLV Miura cũng đang được người người, nhà nhà thốt lên 1 cách vô thức, theo tâm lý đám đông mà không chịu thừa nhận sự yếu kém của chúng ta. Cầu thủ Việt thấp bé nhẹ cân, kỹ thuật không hơn ai nhưng lại thích đá bóng kiểu vẽ vời, rườm rà. Phải nhìn các buổi tập của đội tuyển, phải tận mắt chứng kiến cảnh ông Miura quát tháo vì các tuyển thủ xử lý bóng quá chậm, chứng kiến cảnh các tuyển thủ tuổi 20 “hít khói” ông thầy U50 trong các buổi chạy thể lực thì mới hiểu người Việt ta còn thiếu nhiều thứ lắm. Mà chẳng cần phải công phu, phức tạp đến thế, hãy nhìn vào số lượng sân bóng, sân chơi cho các em nhỏ ở các thành phố lớn thì mới hiểu vì sao bóng đá bên ta không tiến lên được.
(Xsbandinh.com) – Lối chơi của đội tuyển Việt Nam trong những trận đấu vừa qua là rất thiếu sự gắn kết cũng như tính thuyết phục. Những vị trí cần phải chịu...
Quay trở lại vấn đề sa thải HLV Miura, có một thống kê có thể khiến cho tất cả NHM, bầu Đức và ông Hải lơ “cứng họng” vì những gì họ thốt ra, đó là thành tích thi đấu của chiến lược gia người Nhật khi dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam. Ở ĐT Việt Nam, ông Miura có màn ra mắt chẳng thể ấn tượng hơn với chiến thắng 6-0 trước ĐT Myanmar, trong đó có 3 bàn được ghi trong 15 phút đầu. Và trong 16 tháng đã qua, ông thầy 52 tuổi đã trải qua 16 trận cùng đội bóng áo đỏ, trong đó có tới 10 trận thắng, 2 trận hòa và chỉ có 4 thất bại. Tỷ lệ chiến thắng 62,5% dưới thời HLV Miura là câu trả lời đanh thép nhất cho những người đang chỉ trích ông. Với đội U23 thì cựu thuyền trưởng Consadole Sapporo thậm chí còn có màn ra mắt gây “chấn động” châu Á khi hạ gục nhà ĐKVĐ Asiad lúc đó là U23 Iran tới 4-1. Và trong tổng số 15 trận cùng U23 Việt Nam, HLV Miura đã đem về 9 chiến thắng, 2 trận hòa và 4 thất bại. Đáng nói hơn khi ông thầy 52 tuổi trở thành HLV đầu tiên giúp đội U23 Việt Nam lọt vào VCK U23 châu Á 2016. Ông cũng giúp bóng đá Việt Nam giải tỏa cơn khát huy chương Seagame sau 6 năm liền trắng tay.
Bài học Calisto chúng ta vẫn còn đó nhưng không ít NHM đang đi vào vết xe đổ 5 năm về trước. Thật tiếc trong số đó có những người có ảnh hưởng lớn đến bóng đá nước nhà như HLV Lê Thụy Hải và nhất là bầu Đức. HLV Miura vẫn đang nỗ lực, tận tụy vì bóng đá nước nhà nhưng chúng ta lại cố vứt bỏ điều đó. Sa thải HLV Miura là chuyện quá đỗi đơn giản, bầu Đức cũng thừa tiền có thể thuê được 1 HLV đẳng cấp hơn (nhưng chưa chắc đã hợp). Chỉ có điều nếu chia tay chiến lược gia người Nhật vào thời điểm này, e rằng vài năm nữa chúng ta lại phải ca bài ca hối tiếc như trường hợp Calisto trong suốt những năm qua.
Doãn Công