Bóng đá chuyên nghiệp VN đã bước sang mùa giải thứ 12, nhưng đến giờ này vẫn chưa có CLB nào có đủ khả năng tự nuôi sống chính mình, mà tất cả đều phải phụ thuộc vào nguồn tài chính do các ông bầu cung cấp. Và việc bản quyền truyền hình bóng đá VN sắp tới cũng do các ông bầu đứng ra chào bán bằng quan hệ cá nhân của mình lại khiến cho sự phụ thuộc của đội bóng vào ông bầu càng lớn hơn nữa.
Thông thường, với một đội bóng chuyên nghiệp thực thụ thì nguồn thu từ bán vé và bản quyền truyền hình là bầu sữa chính để nuôi sống CLB, và chỉ có một số ít trường hợp CLB nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của ông bầu để duy trì hoặc vươn lên vị thế đại gia như M.U hay Man. City. Nói một cách khác, một đội bóng châu Âu có thể giàu có thể nghèo tuỳ từng thời điểm, tuỳ từng giai đoạn, nhưng sự phụ thuộc của họ với ông bầu không tới mức độ “sinh tử sống còn” như các CLB VN.
Thêm nữa, ở châu Âu, khi các ông bầu đến với bóng đá hầu như đều chỉ vì thú vui hoặc sở thích thực sự, như ông trùm Roman Abramovich của Chelsea, Sheikh Mansour bin Zayed bin Sultan Al Nahyan của Man. City, hoặc đơn thuần là dùng đội bóng để kinh doanh thông qua việc gặt hái thành tích cao trên sân cỏ, như ông chủ Malcolm Glazer của M.U. Còn chỉ có bóng đá VN mới có chuyện ông bầu đến với bóng đá, nhưng tình yêu dành cho bóng đá là phụ, kinh doanh thì gần như không có, và mục tiêu chính yếu là để xin đất, xin dự án…
Có nền bóng đá nào trên thế giới lại có cảnh tượng GĐĐH đứng ra chỉ đạo chiến thuật khi đội bóng vẫn còn HLV trưởng, như ông Trần Tiến Đại (trái) trong trận Thanh Hoá-Sài Gòn FC
Bởi thế nên khi ông bầu nào đó đầu tư cho đội bóng mà không đạt được cái đích như mong muốn thì họ sẵn sàng rao bán đội bóng hoặc chuyển giao cho người khác, như câu chuyện đã và đang xảy ra với Sài Gòn FC (hay Sài Gòn Xuân Thành) ở mùa bóng năm nay. Các đội bóng châu Âu có truyền thống cả trăm năm và khả năng tự doanh của họ cũng rất đáng kể, mà chỉ cần ông chủ đội bóng hơi “khó ở” một chút là lập tức CLB sẽ “hắt hơi” hoặc “đổ bệnh”, đến mức UEFA phải quyết tâm đưa Luật công bằng tài chính vào thực tiễn để hạn chế nguy cơ sụp đổ cả nền bóng đá vì sự phụ thuộc thái quá vào các ông bầu, thế thì chuyện gì sẽ xảy ra với bóng đá VN nếu như một ngày nào đó các ông bầu máu mặt hiện tại cũng chán bóng đá và không còn mặn mà đầu tư cho sở thích của mình nữa?
Mà chẳng nói đâu xa, ĐT.LA từng một thời là biểu tượng của bóng đá chuyên nghiệp VN, nhưng bây giờ cũng khó khăn tới mức không giữ chân nổi những ngôi sao sáng giá nhất của mình, trở thành một đội bóng trung bình ở giải hạng Nhất và ngày trở lại V-League vẫn còn rất xa xôi. Thêm nữa, ở bóng đá châu Âu cũng không có chuyện ông chủ đội bóng tham gia vào công tác điều hành giải VĐQG và thậm chí còn đứng ra bao thầu cả việc bán bản quyền truyền hình cho toàn bộ giải đấu. Tức là ông bầu bóng đá ở VN không chỉ giữ vai trò quan trọng với CLB do họ sở hữu hoặc đứng đầu, mà còn là người nắm giữ nguồn thu lớn nhất của cả nền bóng đá QG ở cấp độ CLB.
Hãy thử tưởng tượng nếu ông chủ Sheikh Mansour bin Zayed bin Sultan Al Nahyan của Man. City cũng có một chân trong ban lãnh đạo BTC giải Ngoại hạng Anh và còn là người đứng ra chào bán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trên phạm vi toàn cầu thì cuộc đua đến chức vô địch giải Ngoại hạng Anh có còn trở nên gay cấn và hấp dẫn như hiện tại, hay lợi thế sẽ nghiêng hẳn về phía Man. City vì ông chủ của họ vừa có tiền vừa có quyền?
Dám chắc là giả sử được cho phép thì ngài Sheikh Mansour của Man. City hay Abramovich của Chelsea sẽ không khi nào từ chối nếu có cơ hội nhận được quyền lực và ảnh hưởng lớn như thế, nhưng dĩ nhiên LĐBĐ Anh và UEFA không bao giờ chấp nhận kịch bản “vừa đá bóng vừa thổi còi” kiểu này vì những rủi ro và nguy cơ quá lớn do nó mang lại.
Vậy tại sao ở V-League chúng ta lại mặc nhiên thừa nhận nghịch lý này và thậm chí có một bộ phận còn tung hô như thể đây là cuộc cách mạng sẽ giúp bóng đá VN đổi đời trong tương lai rất gần?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)