Không lâu sau nhận niềm vui CLB Hà Nội trụ hạng V-League, bầu Kiên bị bắt để làm rõ hành vi 'cố ý làm trái' liên quan đến các hoạt động kinh tế.
Hơn 10 năm miệt mài làm bóng đá, dấu ấn lớn nhất của bầu Kiên lại là bài phát biểu tạo dư luận mạnh mẽ ở Lễ tổng kết V-League 2011 của VFF. Trong lần cướp diễn đàn ngoạn mục này, bầu Kiên đã phanh phui những điều tồi tệ của bộ máy VFF, BTC V-League, đội ngũ trọng tài... Ông chỉ trích cơ quan đầu não của bóng đá Việt Nam với hoạt động quan liêu và thiếu định hướng, lễ tổng kết giải với các bài phát biểu chung chung và không có giá trị. Bầu Kiên cũng công khai khẳng định có trọng tài nhận tiền để xử ép đội khác ở giải vô địch quốc gia, chỉ trích cách xử lý tiêu cực nhẹ tay theo kiểu sống chung của ban trọng tài.
Bầu Kiên là doanh nhân đầu tiên làm bóng đá
Không chấp nhận thực trạng tồi tệ của bóng đá nước nhà, bầu Kiên tuyên bố có tới 6 CLB liên hệ với ông đề nghị cùng bỏ giải và sẽ thành lập một giải mới mang tên Super Liga. Ở đây, các đội bóng đều hoạt động chuyên nghiệp, với các trọng tài được trả lương cao để không còn động lực tiêu cực.
Vụ “tung bom” khiến các ung nhọt của bóng đá Việt Nam bị phơi bày. Cũng từ đây, nền bóng đá nước nhà có hướng đi hứa hẹn đột phá với sự ra đời của VPF - công ty do các ông bầu thành lập, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tổ chức hai giải đấu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là V-League và giải hạng nhất.
Sự ra đời của VPF có công lớn nhất của bầu Kiên. Nó cũng đánh dấu sự thay đổi quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam. Các ông bầu từ chỗ không có tiếng nói và ít quyền lực đã trở thành những người làm chủ cuộc chơi.
VPF ra đời chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình với VFF và AVG. Bản quyền truyền hình được coi là bầu sữa lớn nhất trong tương lai của V-League và giải hạng nhất quốc gia. Tuy nhiên, bầu sữa này được VFF nhượng lại cho AVG với thời hạn 20 năm với giá trị không lớn. Theo ông Kiên, hợp đồng quá dài ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của cầu thủ, các CLB và tác động tới sự phát triển bình thường của giải đấu. Vì thế, ông Kiên từng tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng để giành được bản quyền truyền hình của hai giải đấu này. Trong khi đó, AVG của ông chủ Phạm Nhật Vũ cũng quyết tâm giữ cho được những gì mình đang sở hữu.
Cuộc chiến bản quyền truyền hình tốn nhiều giấy mực của báo chí chỉ kết thúc sau sự nhượng bộ của AVG cùng thỏa thuận ngầm giữa các bên với nhau.
Ngoài hai quả bom tấn này, thành tích bóng đá của bầu Kiên ít ấn tượng. Năm 2000, bầu Kiên đi đầu trong phong trào doanh nhân đầu tư vào bóng đá khi Ngân hàng Á châu tiếp quản đội bóng Đường sắt Việt Nam để cho ra đời CLB ACB. Là ông trùm ngành ngân hàng cùng lượng tài sản khổng lồ nhưng ông Kiên bỏ tiền cho bóng đá rất căn cơ và "tiết kiệm". Cũng vì thế, tên tuổi của ông không nổi bằng bầu Thắng hay bầu Đức.
Trên sân cỏ, đội bóng của bầu Kiên cũng thi đấu thất thường. Sau hai năm đầu tư, CLB ACB góp mặt ở giải vô địch quốc gia năm 2002 nhưng chỉ một năm sau đó, đội bóng rơi xuống hạng Nhất. Tuy vậy, nhờ lấy lại suất của Hàng không Việt Nam - đơn vị vừa tiếp quản đội bóng Công an Hà Nội, CLB của bầu Kiên tiếp tục dự giải vô địch quốc gia mùa giải 2004. Đến năm 2008, đội bóng của ông Kiên xuống hạng lần thứ hai và phải đợi tới hết năm 2011 để lên chơi V-League bằng cách mua lại suất của Hòa Phát.
Mùa giải vừa qua, bầu Kiên cũng quyết tâm xây dựng lại đội bóng với nhiều tiền đầu tư và nhiều tham vọng hơn. Sau khi mua lại suất chơi V-League của Hòa Phát, vị Chủ tịch CLB còn tăng cường sức mạnh với bản hợp đồng bom tấn, mua Công Vinh với giá hơn 10 tỷ đồng. CLB Hà Nội với cái tên mới cùng lực lượng có chất lượng cao nhất từ trước tới nay nuôi mộng lớn ở V-League. Tuy nhiên, mùa giải 2012, đội bóng với sự góp mặt của nhiều ngôi sao như Công Vinh, Thành Lương, Timothy... thi đấu bết bát và chỉ giành quyền trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng.
Không lâu sau nhận niềm vui CLB Hà Nội trụ hạng V-League, bầu Kiên bị bắt để làm rõ hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế.
(Theo Vnexpress)