V-League 2017 đã khép lại sau loạt trận đấu diễn ra cuối tuần vừa qua. Và dưới đây là những điểm nhấn chú ý ở giải đấu năm nay.
1. Cú nước rút của Quảng Nam
Không được đánh giá cao ở giải đấu năm nay và cũng không sở hữu nhiều gương mặt nổi bật trong đội hình song CLB Quảng Nam đã chứng minh cho tất cả thấy nỗ lực và quyết tâm vô địch của họ.
Nhìn vào các con số thống kê, Quảng Nam không phải là đội bóng có hàng tấn công mạnh nhất, cũng không phải đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất. Tuy nhiên, họ lại biết tận dụng cơ hội và cả may mắn để giành điểm ở những trận cầu quan trọng. Ở những trận đấu cuối khi cả Hà Nội, Thanh Hóa và Quảng Nam đều lần lượt chạm mặt Than Quảng Ninh thì chỉ có đại diện miền Trung giành được 3 điểm trọn vẹn, qua đó chính thức lên ngôi vô địch.
Quảng Nam năm nay là một tập thể trẻ khá đồng đều được dẫn dắt bởi thủ lĩnh Đinh Thanh Trung, bên cạnh đó người thuyền trưởng của họ, ông Hoàng Văn Phúc cũng là nhà cầm quân giàu kinh nghiệm trận mạc.
Quảng Nam xứng đáng đăng quang ngôi vương V-League 2017 |
2. Anh Đức làm Vua phá lưới
Tiền đạo Anh Đức của B.Bình Dương vừa chấm dứt 15 năm thống trị của các "Vua phá lưới" ngoại ở V-League. Bằng bản lĩnh và cái duyên ghi bàn của mình, chân sút sinh năm 1985 đã vượt qua 3 ngoại binh Nsi (Cần Thơ), Dyachenko (Than Quảng Ninh) và Stevens (Hải Phòng) trong cuộc đua Vua phá lưới mùa này kịch tính như chính vòng cuối của giải đấu.
Với hat-trick bàn thắng vào lưới Sanna Khánh Hòa ở vòng 26, Anh Đức đã có tổng cộng 17 bàn thắng, qua đó chính thức đi vào lịch sử V-League khi phá kỷ lục số bàn thắng ghi được của một chân sút nội trong một mùa giải. Bên cạnh đó, tiền đạo vừa được triệu tập trở lại ĐT Việt Nam cũng chấm dứt 15 năm thống trị danh hiệu này của các chân sút ngoại.
3. Sai sót của trọng tài
Dù VFF đã có nhiều biện pháp để tăng cường sự chính xác của các trọng tài V-League song đây vẫn là vấn đề nổm cộm trong suốt thời gian vừa qua. Những sai sót của những 'vị vua áo đen' tiếp tục là nỗi bức xúc của người hâm mộ và các đội bóng ở mùa giải năm nay. Đặc biệt ở lượt đi, nhiều quyết định sai của các trọng tài như bỏ sót lỗi hoặc nhận định lỗi chưa chính xác khiến dư luận, NHM không khỏi thất vọng.
Trọng tài Nguyễn Trọng Thư và sự cố Long An (Vòng 6) |
Ngay ở vòng 3, trọng tài đã 'bỏ quên' tình huống Hoàng Vũ Samson và hậu vệ Văn Kiên (Hà Nội) phạm lỗi nguy hiểm với Châu Ngọc Quang (HAGL). Trước sức ép của dư luận, Ban Trọng tài VFF mới vào cuộc song kết luận đưa ra chỉ là pha vào bóng của Samson là tình huống tranh chấp liều lĩnh chứ không phải hành vi bạo lực.
Tới vòng 6 V-League, căng thẳng lên đỉnh điểm khi trọng tài Nguyễn Trọng Thư có nhiều quyết định gây tranh cãi khiến các cầu thủ Long An bỏ trận để phản đối. Hình ảnh xấu xí tại SVĐ Thống Nhất khiến cho V-League năm nay mất điểm nặng trong mắt NHM cũng như những chuyên gia và giới chuyên môn quốc tế. Tuy nhiên đó chưa phải lần cuối công tác trọng tài có vấn đề bởi liên tục những vòng đấu sau đó, những sai lầm của các trọng tài liên tục tiếp diễn khiến nhiều đội bóng không khỏi thất vọng.
4. Cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ
Sự kiện trên sân Thống Nhất giữa TP.HCM và Long An cũng cho thấy việc các cầu thủ thiếu cách cư xử chuyên nghiệp trên sân cỏ. Và hành động bỏ sân và sau đó là 'không thèm' đá để phản đối trọng tài tới cùng đã khiến một loạt nhân vật cốt cán của Long An bị cấm hành nghề trong hai năm. Đó là một bài học đắt giá cho các cầu thủ còn những hành vi thiếu chuyên nghiệp.
Tới vòng đấu thú 14, bạo lực sân cỏ tiếp tục hoành hành khi hậu vệ Sầm Ngọc Đức có pha 'song phi' đạp bóng đối với cầu thủ Anh Hùng của Hải Phòng. Vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng ở pha bóng này mà Ngọc Đức đã bị treo giò 8 trận và nộp phạt 30 triệu đồng từ Ban kỷ luật VFF.
Mới đây nhất, cách hành xử có phần 'vô giáo dục' của thủ quân ĐT Việt Nam với 'người đàn anh' và cùng là đồng đội ở ĐTQG là Nghiêm Xuân Tú cho thấy các cầu thủ Việt Nam vẫn đang thiếu đi sự kỷ luật và cách hành xử chuyên nghiệp. Nếu điều này còn tái diễn, rất khó để chúng ta có thể hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ sớm 'lột xác' trong tương lai.
Pha bóng thiếu chuyên nghiệp của Văn Quyết |
5. HLV V-League liên tục mất việc
V-League 2017 xứng đáng được xem là 'lò xay' HLV khi đã có tới 6 nhà cầm quân phải chia tay CLB của mình sau mùa bóng năm nay. Nếu như HLV Ngô Quang Sang bị cấm hành nghề sau sự cố ở vòng 6 V-League thì sự ra đi của các ông Alan Fiard (CLB TPHCM), HLV Nguyễn Quốc Tuấn (CLB HAGL) hay mới đây nhất là ông Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng) đều vì lý do chuyên môn.
Ở mùa giải năm nay, các đội bóng trên đều thi đấu không thành công dẫn tới việc họ không thể tiếp tục ở lại dẫn dắt CLB. Chung hoàn cảnh với các nhà cầm quân nêu trên còn có HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng, tuy nhiên sự ra đi của ông Hoàng có phần khá bất ngờ và khó lý giải vì đội bóng đất Cảng thi đấu không thực sự tệ hại ở V-League 2017.
Người cuối cùng 'mất việc' tính tới thời điểm này là ông Ljupko Petrovic. Nhà cầm quân kỳ cựu người Serbia đã gửi lời chia tay đội bóng xứ Thanh khi mùa bóng năm nay khép lại. Tuy vậy, ai cũng hiểu việc Thanh Hóa cũng không nhiệt tình 'níu kéo' HLV có đẳng cấp cao nhất trong lịch sử từng làm việc tại V.League. Họ có lẽ đang muốn tìm kiếm một gương mặt triển vọng hơn để ngồi vào vị trí ghế nóng ở mùa giải tới.
Thanh Long (TTVN)