Trong khoảng 2 năm qua, VPF ấp ủ khá nhiều tham vọng thay đổi bóng đá Việt Nam. Nhưng hầu hết các kế hoạch lớn của VPF đều thất bại, chủ yếu xuất phát từ chỗ VPF hiện giờ không đủ lực để bàn đến việc cải cách.
Ngày mới ra đời cách nay 2 năm, VPF mang rất nhiều hoài bãi, thậm chí họ sẵn sàng trở thành đối trọng với VFF, trong bối cảnh mà LĐBĐ Việt Nam đã cực kỳ trì trệ. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, VPF hiện giờ lại đang ở trong tình trạng phú quý giật lùi, còn những kế hoạch của họ đang dần bị triệt tiêu từ trong trứng nước.
Ngoài thất bại dễ thấy nhất trong vụ bản quyền truyền hình (BQTH) và thất bại trong việc tăng giá trị V-League, một trong những mục tiêu quan trọng của VPF ở ngày ra đời là triệt tiêu tình trạng “1 ông chủ - 2 đội bóng” đá cùng 1 giải đấu. Đây là tình trạng mà FIFA và AFC cấm tiệt, nhưng lại xảy ra ở bóng đá Việt Nam.
Chuyên gia Tanabe (trái) bỏ VPF chỉ sau vài tháng làm việc
Chỉ có điều, hiện giờ ở VPF, không còn ai thiết tha với chuyện dẹp bỏ cái sai này nữa. Thậm chí, ngay bản thân chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng còn sa vào chính cái sai mà VPF từng cật lực phản đối. Sau khi trở thành chủ tịch HĐQT của ngân hàng Kiên Long cách nay vài tháng, bầu Thắng cũng đã bị mang tiếng là sở hữu cùng lúc 2 đội bóng, đang đá ở V-League.
Dù bầu Thắng không bao giờ thừa nhận chuyện này, nhưng có những lý lẽ khiến ông khó phủ nhận được việc ông đang đi vào “đường cấm”. Thứ nhất, với CLB ĐT Long An, đội bóng này vốn thuộc công ty CP thể thao Đồng Tâm – công ty con của tập đoàn Đồng Tâm, nên khó có chuyện một công ty thành viên không báo cáo tình hình hoạt động cho chủ tịch HĐQT của tập đoàn là bầu Thắng.
Còn với K.Kiên Giang, ngân hàng Kiên Long lại đóng vai trò là nơi bơm tiền nhiều nhất cho đội bóng này, nên cũng khó có chuyện vị chủ tịch HĐQT Kienlongbank như bầu Thắng không có bất cứ tiếng nói nào với đội bóng mà bản thân ngân hàng Kiên Long đang rót tiền để nuôi.
Tình có ngay thì lý cũng chẳng ngay, bản thân chủ tịch VPF đã sai luật, thì VPF chắc chắn không thể nào xử được chuyện làm sai luật nơi 2 đội bóng cùng thuộc bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Thất bại lớn tiếp theo của VPF chính là sự cố chuyên gia Tanabe (Nhật Bản) “bỏ của chạy lấy người”.
Được mời sang Việt Nam để làm cố vấn đặc biệt cho chủ tịch HĐQT VPF, ông Tanabe thực chất là được kỳ vọng sẽ bổ khuyết nhược điểm thiếu tầm nhìn xa nơi TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn và trưởng BTC V-League Trần Duy Ly, đồng thời giúp bóng đá Việt Nam, các CLB Việt Nam tiến lên theo mô hình của bóng đá Nhật Bản.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng khảo sát thực trạng của bóng đá Việt Nam, ông Tanabe cáo bệnh, rồi quay trở lại Nhật mà không hẹn ngày về Việt Nam. Cứ cho rằng ông Tanabe bệnh thật đi chăng nữa, thì cũng phải đánh giá rằng với sự nghiệp dư mà ông đã chứng kiến, với việc phải một mình thay đổi nguyên cả bộ máy quá trì trệ mà ông đã nhìn thấy, chuyên gia Tanabe không… bệnh mới là lạ!
Thất bại trong việc tìm định hướng, thất bại trong việc dùng người, VPF còn thất bại đau đớn nhất bởi sự gãy gánh giữa đường của chính những người đã sáng lập nên tổ chức này. VPF ra đời chủ yếu dựa vào tiếng nói của 4 ông bầu bóng đá cực giàu, đều thuộc dạng “thét ra lửa” là bầu Kiên (CLB Hà Nội), bầu Thắng (ĐT Long An), bầu Đức (HA Gia Lai) và chủ tịch Lê Tiến Anh (K.Khánh Hòa).
Bây giờ thì PCT HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên đã bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh, Trưởng Ban kiểm soát VPF Lê Tiến Anh bỏ bóng đá, trong khi bầu Đức quá bận bịu với công việc của tập đoàn HA Gia Lai, nên hầu như không thấy xuất hiện trong gần 1 năm qua. Chiếc bàn VPF vốn có 4 chân, nay 2 chân đã gãy, 1 chân đang lung lay, thì khó lòng cho bầu Thắng một mình gánh vác trọng trách của cả 3 người kia.
Đấy cũng chính là lý do mà ở phần cuối của mùa giải 2013, người ta chứng kiến cảnh VPF gần như thỏa hiệp với VFF, cốt đưa V-League về đích cho bằng được. Nhưng chính sự thỏa hiệp vừa nêu cũng trực tiếp triệt tiêu vai trò mang tính lịch sử mà VPF từng được kỳ vọng.
Vì VFF quá trì trệ trong khoảng chục năm qua, nên người hâm mộ cần một đối trọng với VFF, nhằm kích thích sự phát triển và sự thay đổi nơi tổ chức này, chứ người ta không cần những cánh tay nối dài để tiếp tay cho sự trì trệ đó như VPF đang làm! Và một khi VPF không thể trở thành đối trọng để thay đổi VFF, thay đổi bóng đá Việt Nam, thì có lẽ người ta cũng không còn cần đến sự hiện diện của VPF nữa!
(Theo Dân Trí)