Phải nói rằng trong bối cảnh ảm đạm của nền bóng đá trong nước hiện nay, sự kiện U-19 Việt Nam liên tục giành được những thành tích ấn tượng là điểm sáng thắp lên ngọn lửa hi vọng vốn đang le lói cho người hâm mộ nước nhà. Chiến thắng thuyết phục 5-1 trước U-19 Australia khiến người ta tung hô các em lên tận mây xanh. Ừ thì đáng khen lắm, đáng tung hô lắm khi biết rằng Australia là một nền bóng đá được đánh giá cao hơn hẳn so với chúng ta. Nhưng đôi khi, khen cũng nên biết khen cho chừng mực.
Tuyển U-19 Việt Nam trở về nước trong tâm thế của những người hùng khi được tiếp đón bởi sự hào phóng về bữa tiệc ngôn ngữ của giới truyền thông. Các em chính là hi vọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam, những "báu vật" của ông bầu Đức nói riêng và của bóng đá nước nhà nói chung. Nhưng đừng quên cái gì cũng có hai mặt, đôi khi khen ngợi không hẳn là liều thuốc bổ về mặt tinh thần mà còn là liều thuốc độc đập nát ý chí chiến đấu của một con người.
U-19 Việt Nam không được phép tự mãn |
Hãy nhìn sang Premier League
Chỉ một trận đấu ấn tượng trong chiến thắng với Montenegro, Andros Townsend đã được giới truyền thông nước này tung hô lên đến tận mây xanh dù chưa biết tương lai cầu thủ này còn tiếp tục tỏa sáng không. Nhìn xa hơn, những Owen, Walcott,... cũng từng được tung hô như thế. Nhưng giờ này họ ra sao? Owen chỉ còn được gán nhãn là "cựu thần đồng" từ cách đây rất lâu rồi. Còn Walcott cũng chỉ dừng ở mức khá mà không thể phát triển lên tầm siêu sao như người ta mong đợi. Cầu thủ đẳng cấp nhất mà người Anh có trong tay lúc này là Rooney cũng chưa được công nhân là một cầu thủ tầm cỡ thế giới như Messi hay Cris Ronaldo.
Thế mà những cầu thủ ấy vẫn được giới truyền thông tại Anh tung hô lên đến tận trời chỉ sau một hay hai trận thắng, dù rằng đã từ lâu lắm quê hương của môn thế thao vua chẳng giành được danh hiệu đáng kể nào. Những cầu thủ người Anh đã quen được bao bọc trong cái ánh hào quang ảo mà giới truyền thông vẽ ra cho họ. Điều đó chắc chắn là không tốt khi càng ngày tuyển Anh thi đấu càng bết bát từ đội tuyển quốc gia đến lớp trẻ.
Sự bao bọc thái quá bởi những lời khen đến từ giới truyền thông Anh đã khiến những cầu thủ nước này tự huyễn hoặc, ảo tưởng về giá trị của bản thân. Qua đó, những cầu thủ này đã đánh mất ý chí cầu tiến. Những Rooney, Walcott,... vẫn là cầu thủ giỏi nhưng người ta chờ mãi không thấy họ vươn lên tầm kiệt xuất. Chính việc tự mãn từ quá sớm đã khiến các cầu thủ Anh đánh mất đi cái ý chí cầu tiến, điều cực kì cần thiết trong bất cứ lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng môn thể thao vua.
Nhìn từ thực trạng của Premier League rồi nhìn về U-19 Việt Nam hiện nay, người viết giật mình nghĩ rằng có phải chăng giới truyền thông của ta đang học theo người Anh, bao bọc những cầu thủ bằng sự hào nhoáng thái quá. Ai đó đã đưa ý kiến rằng hãy đưa tuyển U-19 thay lớp đàn anh ở U-23 tham dự Sea Games 27. Xin thưa, đó là một việc làm vội vàng. Tuyển U-19 có tiềm năng thật đấy, nhưng tiềm năng mà không phát triển thêm lên thì mãi chỉ là tiềm năng. Đừng để các em ở tuyển U-19 tự mãn quá sớm, các em còn rất nhiều bài học ở phía trước, rất nhiều kinh nghiệm cần phải trải qua. Xin hãy trả lại cho các em về đúng lứa tuổi của mình, đừng ép những cầu thủ tiềm năng phải chín quá sớm. Chẳng nhẽ hoa quả chín ép lại ngon hơn chín tự nhiên?
Xin đừng bao bọc các em bằng cái tháp thủy tinh xây bởi những lời khen, bằng bữa tiệc của ngôn ngữ. Một khi cái tháp thủy tinh ấy vỡ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Như Đạt