Xin nói ngay, đó là ban cán sự ĐT Việt Nam: Minh Đức (đội trưởng) và 2 đội phó Tấn Tài, Công Vinh. Đó đều là những thương hiệu cỡ bự, những cựu binh trên bình diện các ĐTQG, đương nhiên rồi, nhưng tại sao và như thế nào, BHL ĐT Việt Nam lại trao nhiệm vụ dẫn dắt toàn đội cho họ? Chắc chắn phải có ẩn ý.
Tấm gương về tính chuyên nghiệp
“Tốt lắm “vịt” ơi!”, lời động viên kèm theo động tác vỗ tay của Công Vinh sau đường chuyền đầy ý đồ của Thanh Hưng (biệt danh “cu vịt”), dù quả bóng không tìm được đến nơi cần đến. Người ta không lạ với cách biểu lộ cảm xúc như thế của Công Vinh, trên sân tập và trong các trận đấu chính thức. “Cậu ấy mang trong mình dòng máu của một chiến binh. Luôn biết khích lệ đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, HLV Phan Thanh Hùng nhận xét về cậu học trò.
Công Vinh vẫn thế, ở bất kỳ cấp độ nào, từ CLB đến các ĐT “U” trước đây và ĐT Việt Nam sau này. Nhiệt tình, máu lửa và biết hy sinh, Vinh luôn là đầu tàu. Bất cứ ai cũng muốn làm đồng đội của Vinh cũng vì lý do này. “Tôi chiến đấu vì chủ nghĩa tập thể luôn ở trên đầu. Việc tôi ghi bàn hay không, không quan trọng, mà chiến thắng cuối cùng của đội bóng mới là thứ chúng tôi tìm”, Vinh đã nói thế từ trước khi anh là một thương hiệu, một biểu tượng và ngay lúc này vẫn vậy.
Minh Đức (3) xứng đáng là đội trưởng ĐT Việt Nam cả về chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức
Nếu như Công Vinh vẫn được biết đến như cầu thủ “có chí thì nên”, thì Minh Đức cũng đi lên bằng sự cần cù. Họ là những điển hình của đàn ông xứ Nghệ, biết hy sinh và biết vượt khó. Trong khi đó, Tấn Tài đã nổi lên như một biểu tượng mới của bóng đá phố biển từ khoảng 5-7 năm đổ lại đây. Tài lừa bóng không hay, sút xa không hiểm và chưa từng được biết đến như một chân chuyền, nhưng bất cứ HLV nào cũng muốn có anh trong đội hình. Điều đó là không đơn giản.
Minh Đức, Tấn Tài và Công Vinh là những hình mẫu lý tưởng trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp: không bia rượu, thuốc lá, hay những thú chơi đang được xem là thời thượng của giới bóng banh như “bay lắc”, “đánh bóng”. Họ có một bản lý lịch tương đối sạch sẽ và hơn nữa là tính chuyên nghiệp trong tập luyện cũng rất đáng biểu dương. Đó là lý do cơ bản khiến BHL ĐT Việt Nam có sự thống nhất cao khi quyết định giao nhiệm vụ đội trưởng và đội phó cho những người này.
Có cả Đức lẫn Tài, ắt phải Vinh?
TT&VH đã hơn một lần đề cập đến tiêu chí tuyển chọn con người và xây dựng ĐT Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng nên sẽ không cần nhắc lại nữa. “Đã có những tiền lệ rồi, dù không tiện nói ra và tôi không muốn người ngoài nhìn vào đội bóng bằng ánh mắt ái ngại, thậm chí là nghi ngại. Tôi vẫn có đủ những sự lựa chọn trong tay và đảm bảo rằng, với những con người như hiện tại, ĐT Việt Nam sẽ chơi được, thậm chí là chơi tốt”, khẳng định chắc nịch của ông Hùng.
Nếu phải tìm ra ít nhất 3 cái tên gần như không thể thay thế trên bình diện ĐT Việt Nam lúc này, thì đó là Minh Đức, Tấn Tài và Công Vinh. Chỉ cần khỏe mạnh, Minh Đức, Tấn Tài và Công Vinh sẽ xung trận. Lối chơi của đội bóng cũng xoay quanh 3 nhân vật này, hệt như thời HLV Henrique Calisto từng áp dụng với Minh Phương, Tài Em và Việt Thắng. Con người phục vụ chiến thuật, chứ chiến thuật không được sinh ra để phục vụ một (hay vài) cá nhân trong đội.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất ngờ khi Minh Đức được tín nhiệm giao chiếc băng đội trưởng ĐT Việt Nam, vinh dự trước đây vẫn thuộc về Minh Phương, rồi Quang Thanh. Bất ngờ là bởi, Minh Đức chưa từng được biết đến như một thủ lĩnh về tinh thần, cũng như chuyên môn. Ngoài ra, Đức lại khá kiệm lời và chưa quen xuất hiện hay phát biểu trước đám đông, vốn là thiên chức của đội trưởng. Đức được chọn, phải chăng vì anh là cầu thủ rất ổn về tư cách đạo đức? Không hẳn chỉ có thế!
Tròn vai và rất ít phạm sai lầm, đấy là những tiêu chí hàng đầu cho vị trí trung vệ. Nhưng ngoài ra, Minh Đức còn được biết đến như một cầu thủ cực kỳ máu lửa. Điều tương tự thế với Tấn Tài và Công Vinh. Nhiều người đã nói vui, đã có cả Đức lẫn Tài rồi, Vinh quang không đến mới là lạ. Nó không đơn thuần là biện pháp chơi chữ, ghép tên, mà trong sâu thẳm, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lý do để chờ đợi và tin tưởng vào một thế hệ cầu thủ tài năng đang đạt đến độ chín.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)