Muốn khán đài kín khán giả, V-League 2018 phải "sạch" đã
Thứ Tư 28/02/2018 07:09(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Phần lớn người làm bóng đá Việt Nam đều mong muốn các khán đài phủ kín người hâm mộ. Muốn thế, V-League 2018 trước tiên cần phải "sạch".
Phó Chủ tịch thường trực VFF, ông Trần Quốc Tuấn mong rằng trong năm 2018, các khán đài của bóng đá Việt Nam sẽ phủ kín khán giả. Xét từ hiệu ứng của U23 Việt Nam, điều ước ấy có cơ hội trở thành sự thật nhưng dưới một điều kiện: V-League 2018 trước tiên phải "sạch".
|
VFF mong muốn người hâm mộ sẽ phủ kín các khán đài trong mọi trận đấu của bóng đá Việt Nam. |
Nhìn lại V-League 2017, ai cũng chỉ biết thở dài. Sự cố Long An phản đối trọng tài bằng cách tự ý dừng trận đấu để đối thủ thoải mái ghi bàn là vết nhơ khó gột rửa của bóng đá Việt Nam, khi truyền thông quốc tế thi nhau lấy việc đó ra như... sự lạ để giải trí. Rồi những lần bẻ còi, tranh cãi về trọng tài, những định nghĩa mới từ ban kỷ luật rồi đến nhà tài trợ Toyota rút lui khi kết thúc mùa giải để chuyển sang hợp tác với Thái League. Tất cả tiếp tục như cơn sóng dữ làm xói mòn thêm niềm tin của người hâm mộ.
Thành công của U23 Việt Nam với ngôi á quân châu lục làm người ta tạm quên đi năm 2017 với nhiều điều đáng buồn của bóng đá Việt. Hiệu ứng của U23 Việt Nam được dự đoán giúp kéo khán giả đến sân nhiều hơn trong những vòng đầu tiên của V-League 2018. Vấn đề là BTC V-League sẽ làm thế nào để giữ chân người hâm mộ ở lại, thay vì phó mặc cho các câu lạc bộ.
Nếu những lần bẻ còi, những quyết định kỷ luật với "định nghĩa mới" tiếp tục tồn tại, V-League 2018 sẽ tiếp tục đi vào lối mòn của những mùa giải trước đó. Ông Trần Anh Tú, tân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HĐQT VPF lên ý tưởng về việc thành lập tiểu ban trọng tài và tiểu ban kỷ luật, nhằm giúp VPF có tiếng nói lớn hơn trong việc phân công trọng tài, đặc biệt là khi đưa ra những quyết định kỷ luật. Điều đó sẽ hạn chế bớt những quyết định gây tranh cãi của Ban trọng tài cũng như Ban kỷ luật như ở mùa giải 2017 đổ về trước.
>> Lịch thi đấu V-Leagua 2018 Tiêu biểu như sự cố dẫn tới việc cầu thủ Long An không đá ở mùa trước, trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng khó chối bỏ trách nhiệm. Cầu thủ và ban huấn luyện Long An có lỗi, chắc chắn thế. Nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện giọt nước làm tràn ly, bởi không ít lần các đội bóng chịu thiệt thòi từ những tiếng còi "lạ", hay việc trọng tài bẻ còi. Nếu câu chuyện về trọng tài tiếp diễn, không ai dám đảm bảo sẽ có một Long An thứ hai trong mùa giải 2018.
V-League 2018 có nhiều thay đổi
Thay đổi đầu tiên để tăng sức hấp dẫn của giải đấu là tăng suất xuống hạng từ 1 lên 1.5, đồng nghĩa với việc sẽ có một suất play-off giành quyền chơi tại V-League mùa sau, giữa đội áp chót V-League 2018 và đội đứng thứ hai tại giải hạng nhất. Điều này khiến các đội bóng ở top dưới phải nỗ lực hơn, thay vì sớm buông xuôi khi hết mục tiêu ở thời điểm có 1 đội chắc chắn xuống hạng.
|
Năm 2018, người hâm mộ chờ mong một V-League với nhiều thay đổi tích cực hơn. |
Lịch thi đấu của V-League 2018 cũng thay đổi với ba khung giờ (17-18-19), một số trận đấu sẽ diễn ra vào thứ 5 và thứ 6, thay vì chỉ cuối tuần (thứ 7, Chủ nhật) như trước kia. Điều này giúp người hâm mộ có thể theo dõi nhiều trận đấu, thay vì xem trận này bỏ trận kia. Theo ông Trần Anh Tú tiết lộ, các trận đấu vào khung 19h00 đều là những trận cầu "đinh", có phần giống Super Sunday của Ngoại hạng Anh.
Ngoài mục đích phục vụ khán giả tốt hơn, các trận đấu vào khung 19h00 cũng mang mục đích kinh tế bởi đây là "giờ vàng", tiền quảng cáo trên truyền hình cũng cao hơn. Cách làm này giúp các câu lạc bộ được nhận thêm những khoản tiền từ quảng cáo, tạo động lực thi đấu hơn thay vì mãi bú bình sữa từ các ông bầu. Nếu V-League muốn lên chuyên nghiệp, một trong những yếu tố đầu tiên là bóng đá phải nuôi được bóng đá và tiền bản quyền truyền hình, tiền quảng cáo là một phần rất quan trọng.
Như Đạt (Bóng Đá 24h)