Lẽ ra tại Đại hội bất thường ban chấp hành VFF vào trước Tết, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng muốn rút lui vì lý do sức khỏe nhưng ông được Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng khuyên hãy chậm lại trong giai đoạn nội bộ VFF còn rối ren.
Cuối nhiệm kỳ VI VFF, khi Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ xin rút để chữa bệnh, ông Lê Hùng Dũng lên nắm quyền Chủ tịch VFF. Thời điểm đấy được xem là bước dọn đường có chủ đích để ông Dũng lên làm Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII. Khi nhiệm kỳ VII chuẩn bị về nhân sự, cái tên Lê Hùng Dũng tuy được xem là ứng viên Chủ tịch nặng ký nhưng luôn gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng ông Dũng sau thời gian vất vả đã lần lượt “thông” qua các cửa.
Khó nhất là cửa UBND TP.HCM giới thiệu cuối cùng cũng qua, trong khi trước đó, tại cửa Bộ VH-TT&DL với Tổng cục TDTT tưởng là ông Dũng sẽ phải đấu với những Vụ trưởng nặng ký, nhưng cuối cùng cũng qua vì các “vụ” ấy giờ chót cũng mềm không ham chen vào ghế Chủ tịch VFF nữa. Dài dòng chuyện ông Dũng bước lên ghế Chủ tịch VFF khóa VII trong giai đoạn đầy trầy trật nhiều thứ để thấy lúc đó ông Dũng quyết tâm ngồi cho được ghế chủ tịch. Hình ảnh ông vung hai tay khi ứng cử cùng chiếc áo vest xanh quen thuộc đã được tái hiện cả ở giải U19 như chứng minh cho triều đại mới với doanh nghiệp làm bóng đá và muốn đổi mới thật nhiều.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng đang gặp vấn đề với sức khỏe |
Thực tế, ông Dũng đã làm thay đổi rất nhiều, trong đó nhiều nhất là những lần vượt qua các quy định và điều lệ vốn tưởng cứ đóng khung ở VFF. Ông Dũng từng thành công khi làm lãnh đạo ở SJC, hay Eximbank và khi điều hành VFF có lúc ông đã mang phong thái đấy vào để chỉ đạo thậm chí là hơi áp đặt. Ông gạt hết những người có chuyên môn, nhưng bị xem là lạc hậu và bảo thủ để cấy vào nhiều người trẻ mà ông nghĩ sẽ giúp VFF đổi mới. Chỉ có người mà ông từng tuyên bố ngăn không cho ngồi vào vị trí Trưởng ban Trọng tài là ông Nguyễn Văn Mùi thì giờ chót ông buộc phải “bẻ lời nguyền”, vì một cuộc nói chuyện tình cờ với một lãnh đạo cấp cao và vị này vô tình “khen” ông Mùi làm được.
Từ khi còn là Phó Chủ tịch VFF với nhiều quyền lực do nắm “tay hòm chìa khóa” ông Dũng đã rất quyết liệt trong việc đưa những người trẻ tham gia vào các vị trí ở VFF, thậm chí là sẵn sàng lobby để “người trẻ mà ông chọn” tham gia vào các tổ chức bóng đá như AFF, AFC và cả FIFA. Ông là người dám làm, dám quyết và quyết rất mạnh với suy nghĩ thà là dám làm dám chịu còn hơn cứ dở dở ương ương theo kiểu nửa nạc, nửa mỡ. Tuy nhiên có những cái ông quyết lại đi quá xa và vượt tầm kiểm soát của ông, như cùng ông Tuấn quyết việc thuê các HLV Nhật Bản và cả hai HLV này đều gãy gánh giữa đường. Việc ứng dụng kiểu ở công ty vào tổ chức VFF khiến nhiều lúc ông Dũng “gặp nạn”.
Bây giờ chiếc ghế ông Dũng để lại đang rất “nóng” bởi dựa vào điều lệ VFF thì nghiệt, mà tổ chức bầu chọn thì sai quy chế của AFC đã thông qua. Vấn đề còn lại là ai đủ uy tín, đủ tài năng và đủ năng lực điều hành lẫn đảm bảo làm vì cái chung. Dư luận thời gian qua chỉ trích ông Dũng khá nhiều, nhưng thực tình ông Dũng khi làm mọi cách ngồi vào ghế chủ tịch VFF là có ý tốt, có ý muốn đạt được điều gì đó để đời cho bóng đá Việt Nam. Chỉ có điều là ông Dũng ở lâu trong ngôi nhà VFF, nhưng lại không hiểu bản chất của cấp dưới mình nên khoán việc và khoán chức rất nhiều.
Ông Dũng cũng không thể ở Hà Nội để điều hành nên giao việc cho ông Phó trực. Ông tin tưởng quá mức nên dựng người của mình lên, rồi trao nhiều chức vụ cho đến lúc vỡ lẽ thì thu hồi không kịp. Ông Dũng có nỗi khổ của ông, nhưng đó là nỗi khổ từ chính sự tin tưởng, tín nhiệm cấp dưới và nay ông phải ngậm đắng. Thậm chí là ngay cả vụ bị tố hối lộ, những người hiểu về cung cách cư xử ở ngôi nhà VFF cũng nói ông bị oan trong cuộc chơi mà cấp dưới tự tung tự tác và tự nâng lên đặt xuống “người của mình”.
Nỗi khổ của ông Dũng là trước khi lên ghế Chủ tịch VFF ông ấp ủ rất nhiều, trong đó có cả dự án cá cược, nhưng bây giờ ông muốn rút cũng không thể rút yên. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam lẫn Tổng cục TDTT có vẻ đang rối lên với việc tìm người ngồi vào ghế khuyết của ông Dũng. Nói như người trong cuộc thì chưa ai đủ khả năng để ngồi vào đấy, dù dư luận vừa qua hết phân tích việc đặt bầu Đức thế vai, thay vì để ông Trần Quốc Tuấn lên thay…
Có thể mọi người sẽ không tiếc cho cái ghế bị khuyết mà ông Dũng để lại, nhưng rõ ràng “chọn mặt gửi vàng” để tìm người ngồi vào đấy lại đang khó hơn giai đoạn chuẩn bị của nhiệm kỳ VII khi người có tâm lẫn có tầm và có khả năng đổi mới thì vẫn chưa thấy.
Theo Khám Phá