Thứ Tư, 25/12/2024 Mới nhất
Zalo

Học viện HAGL JMG dừng hoạt động: Dấu chấm hết cho một tham vọng lớn

Thứ Hai 29/11/2021 17:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Sự kiện HAGL ngừng liên kết với JMG chính thức đặt dấu chấm hết cho một tham vọng lớn với bóng đá Việt Nam của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

Dấu chấm hết cho một tham vọng lớn

Cách đây hơn 14 năm, vào ngày 5/3/2007 bầu Đức từng khiến giới truyền thông và NHM bóng đá nước nhà không khỏi bất ngờ khi quyết định chặt bỏ 5 hecta cao su để lấy đất xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG tại Hàm Rồng với tham vọng rất lớn khi đó là giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam và xa hơn là xuất khẩu cầu thủ Việt Nam ra châu Âu, thậm chí là sẽ có cầu thủ thi đấu ở Arsenal.

Đó được xem là một quyết định gây sốc bởi lúc đó những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/hecta/năm ở thời điểm năm 2007). Tuy nhiên độ "chịu chơi" của chủ tịch tập đoàn HAGL chưa dừng lại ở đây, bởi ông sau đó đã bỏ ra 'tiền tấn' duy trì học viện HAGL.

Bầu Đức từng đặt nhiều tâm huyết vào học viện HAGL JMG có liên kết với Arsenal
Bầu Đức từng đặt nhiều tâm huyết vào học viện HAGL JMG có liên kết với Arsenal

Được biết, để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG, bầu Đức đã phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm. Kể cả khi đã ngừng hợp tác với Pháo thủ thành London thì tổng số tiền dành cho học viện HAGL JMG trong 14 năm qua chắc chắn cũng đã lên tới con số hàng chục triệu USD.

Tất nhiên 'đắt xắt ra miếng', HAGL sau đó đã thu về 'trái ngọt' với lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh,... Từng có thời kỳ, lứa Công Phượng trở thành cơn sốt bóng đá trẻ khiến người hâm mộ mê mẩn. Lối chơi kỹ thuật, đập nhả mãn nhãn của những tài năng phố núi thực sự đã làm sống dậy tình yêu bóng đá của NHM, qua đó giúp bóng đá Việt Nam lấy lại sự quan tâm sau nửa thập kỷ sa sút.

Sự xuất sắc của các nhân tố này không chỉ giúp danh tiếng của bầu Đức và CLB HAGL vang xa. Mà nó còn khiến học viện đào tạo của họ được biết tới rộng rãi hơn. Song đáng buồn là sau khóa cầu thủ tài năng đầu tiên được trình làng, học viện HAGL Arsenal JMG và sau này là HAGL JMG đã không còn tạo ra một tập thể xuất sắc như vậy. Có chăng cũng chỉ là vài cá nhân riêng lẻ như Bảo Toàn, Quang Nho, Minh Bình.

Thực tế không chỉ ở các khóa sau mà ở ngay khóa 1, lứa cầu thủ trưởng thành từ học viện HAGL JMG cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thể hình, thể lực. Họ được đào tạo bài bản theo giáo trình JMG nên có khả năng xử lý bóng, tư duy thi đấu khá tốt. Song việc đặt tiêu chí kỹ thuật lên hàng đầu trong việc lựa chọn cầu thủ cũng khiến các sản phẩm của lò HAGL JMG thiếu sức mạnh cần thiết để đủ sức tỏa sáng khi bước vào bóng đá chuyên nghiệp. 

 

Sự thất bại của một mô hình đào tạo trẻ

Khi mở ra học viện, bầu Đức đã đặt vào đó quá nhiều kỳ vọng. Ông đã tin tưởng sự giúp đỡ của các chuyên gia ngoại với giáo trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp sẽ giúp bóng đá Việt Nam sản sinh ra những 'siêu nhân' có thể chơi bóng xuất sắc hơn người. 

Nhưng có lẽ vị tỷ phú người Bình Định đã không để ý rằng giáo trình của JMG lại chỉ hướng tới kỹ thuật, mà không chú trọng việc cải thiện thể hình, thể lực cầu thủ, trong khi yếu tố này lại vẫn là một tử huyệt của cầu thủ Việt. 

Lứa Công Phượng là
Lứa Công Phượng là 'di sản' duy nhất mà Học viện HAGL JMG để lại. Ảnh: VTC

Không chỉ ở Việt Nam mà tại Thái Lan, học viện đào tạo trẻ liên kết với JMG là Chonburi JMG cũng đã sớm phải giải thể bởi các học viên đào tạo ra không đạt yêu cầu chất lượng. Nó đã cho thấy sự hạn chế của một mô hình đào tạo chuẩn châu Âu khi áp dụng vào các quốc gia 'vùng trũng' bóng đá như tại Đông Nam Á. 

Có một sự thật là tại khóa 1 HAGL, ngoài 6 gương mặt Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy là thực sự 'thành tài' và vẫn đang cống hiến cho ĐT Việt Nam (không tính Minh Vương vì anh trưởng thành từ lớp năng khiếu HAGL) thì các cầu thủ còn lại đều không thể đáp lại sự kỳ vọng của bầu Đức. 

Có thể kể tới những cái tên như Đông Triều, Đức Lương, Văn Đại, Văn Sơn, Tiến Hoài, Văn Quý, Quang Huy, Anh Việt... Trong số này, không ít người trong số đó sau này đã giải nghệ vì không theo được bóng đá chuyên nghiệp.

Thất bại của mô hình đào tạo tiên tiến liên kết nước ngoài của HAGL là ví dụ cho thấy công tác đào tạo bóng đá trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Đó là một nhiệm vụ đốt cháy nhiều tiền bạc, thời gian và đòi hỏi sự kiên trì của các ông bầu. Và sau 14 năm theo đuổi ước mơ, cuối cùng bầu Đức cũng đã chính thức 'buông' giấc mơ này khi thấy chất lượng đào tạo ngày càng đi xuống. 

U19 HAGL
Chất lượng đào tạo đi xuống khiến học viện HAGL JMG không thể tiếp tục tồn tại

Thực tế thất bại của học viện HAGL JMG đã sớm được báo trước khi mà những lứa U19 sau thời Công Phượng của đội bóng này không còn thể hiện sự lấn lướt ở các giải trẻ trong nước. Họ liên tiếp để thua trước các dàn cầu thủ trẻ đến từ các CLB khác. Và cũng đã có rất ít các tài năng nhà bầu Đức được trọng dụng ở đội U19 Việt Nam và U23 Việt Nam sau này.

Có một lý do khiến học viện HAGL JMG không tạo ra nhiều nhân tài như trước là việc các mô hình đào tạo trẻ được nhân rộng trên cả nước. Đó cũng là lúc HAGL JMG không còn là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ lý tưởng nhất.

Trong bối cảnh nhiều CLB, trung tâm bóng đá trẻ đã chú trọng hơn cho chuyện này như Viettel, PVF, Hà Nội, Đà Nẵng, SLNA, Nutifood,.... thì rõ ràng các bậc phụ huynh cũng phải cân nhắc việc có cần thiết phải gửi gắm những quý tử của mình lên Gia Lai nữa không. Và khi đã bị các đối thủ hút nhân tài thì việc các tinh hoa của bóng đá Việt Nam không còn tập trung về phố núi cũng là điều dễ hiểu. 

CLB HAGL ngừng hợp tác với JMG, đó thực sự là một chuyện buồn với những người yêu mến bóng đá Việt Nam nói chung và đội bóng phố núi nói riêng bởi chúng ta sẽ không còn cơ hội được nhìn thấy những Công Phượng 'đệ nhị', Tuấn Anh 'đệ nhị' sau này, mặc dù phía HAGL vẫn sẽ tiếp tục duy trì công tác đào tạo trẻ mà không cần liên kết với bên ngoài.

Còn nhớ khi xây dựng học viện, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã đặt ra câu slogan "Vì tương lai bóng đá Việt Nam". Song thật đáng tiếc là mục tiêu đó cuối cùng đã phải dang dở. Bởi sau hơn một thập kỷ, ông bầu này cuối cùng đã phải kết thúc sứ mệnh của HAGL JMG vì sự tốn kém và không hiểu quả của nó.

HAGL kết thúc hợp tác với JMG, chia tay 15 sao maiHAGL kết thúc hợp tác với JMG, chia tay 15 sao mai
Một thông tin khá buồn đã đến với những người yêu mến CLB HAGL. Đó là việc đội bóng của bầu Đức đã chính thức ngừng hợp tác đào tạo trẻ với JMG.
HAGL chia tay thêm 9 ngôi sao sau khi gửi quân tới Hải PhòngHAGL chia tay thêm 9 ngôi sao sau khi gửi quân tới Hải Phòng
Để chuẩn bị cho mùa giải mới 2022, CLB bóng đá Công An Nhân Dân (CLB CAND) mới đây đã hỏi mượn thành công 9 tài năng từ HAGL.
HAGL thanh lý hợp đồng với tài năng U23 Việt NamHAGL thanh lý hợp đồng với tài năng U23 Việt Nam
Đội bóng phố núi vừa chia tay một học viên thuộc khóa 3 Học viện Bóng đá HAGL mà không đưa ra bất kỳ nào.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X