HLV người Nhật luôn muốn các cầu thủ phải chơi hết mình trong cả tập luyện và thi đấu, nhưng quan điểm này đang có nhiều bất cập.
Kỷ nguyên của HLV Miura gắn liền với những ca chấn thương kéo dài. Trước thềm AFF Cup 2014, có khoảng 6-7 cầu thủ chia tay đội và không thể tham dự sân chơi này. Điều tương tự xảy ra tại Vòng loại U23 châu Á. Rất nhiều cầu thủ chất lượng phải dừng giữa chừng vì thời gian ở đội tuyển, họ ngồi chườm đá nhiều hơn tập luyện. Tính ra, chiến dịch châu lục ấy, ông Miura mất gần chục học trò.
Thể hình thua thiệt khiến các cầu thủ U23 chơi quyết liệt trước U23 Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát trong một số tình huống khiến cầu thủ chủ nhà bị chấn thương. Ảnh: Zing |
Hai ngày trước, U23 Việt Nam đá giao hữu với U23 Hàn Quốc, tiền vệ được xem là trụ cột của đội, Ngô Hoàng Thịnh phải chia tay dài hạn với 2 chiếc xương sườn bị gãy. Đáng nói, tiền vệ xứ Nghệ là người quán triệt tinh thần chơi hết mình (fighting) của chiến lược gia người Nhật và thực hiện cú vào bóng mà chính anh lại là nạn nhân.
Ngoài Hoàng Thịnh, U23 Việt Nam còn rất nhiều ca rời sân bằng cáng hoặc tập tễnh bước thấp bước cao khi trận đấu kết thúc. Ngay bản thân HLV U23 Hàn Quốc, Shin Tae-young cũng phàn nàn rằng, U23 Việt Nam đá quá rát, thể hiện tinh thần quyết liệt trên mức cần thiết, trong khi đội của ông chỉ muốn… đá bóng.
Nhận xét của HLV Shin Tae-young không phải không có cơ sở khi suốt trận, bất cứ thành viên nào của U23 Việt Nam cũng khát khao thể hiện bằng được tinh thần “fighting”, hòng lọt vào mắt xanh của HLV Miura. Họ gần như chỉ biết đến duy nhất một mục tiêu là “ở lại đội tuyển” mà quên đi các rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Ngày Hoàng Thịnh rời đội tuyển, nhà cầm quân người Nhật lên tiếng xin lỗi vì 2 chiếc xương sườn bị gãy. Đấy là hành động đúng của HLV Miura, nhưng sẽ là to chuyện nếu cầm quân ở tuyển lần này là HLV nội. “Fighting” không phải là cụm từ mới trong bóng đá, cũng chẳng phải yêu cầu mới xuất hiện ở triều đại HLV Miura. Thực chất, nó có xuất phát điểm từ hồi HLV Henrique Calisto cầm quân ở Tiger Cup 2002.
Hồi ấy, HLV người Bồ yêu cầu các cầu thủ tranh cướp bóng quyết liệt, thể hiện được tinh thần không khoan nhượng trong thi đấu. Tuy nhiên, nó khác với “fighting” của HLV Miura hiện nay. Ông Calisto yêu cầu các cầu thủ chơi quyết liệt khi cần và có tính toán. Nếu "fighting' mà bất chấp hiểm nguy cho cả mình và đồng nghiệp thì chẳng ai khuyến khích. Hơn nữa, tư tưởng xây dựng lối chơi của HLV Calisto cũng khác với HLV Miura. Ông thầy người Bồ Đào Nha chú trọng đến sự cân bằng giữa các tuyến và việc chủ động giữ cự ly đội hình.
Nhà cầm quân sinh năm 1963 ưa dùng những cầu thủ giàu sức mạnh với tiêu chí trước tiên là cản phá, hạn chế đối phương trước khi nghĩ đến ăn bàn. Chỉ riêng yếu tố này đã tạo ra sự khác biệt trong cụm từ “fighting”.
HLV Miura và mặt trái của lối chơi quyết liệt. Bóng đá là môn thể thao đối kháng, không dành cho những người ủy mị, không ai không hiểu điều ấy. Khán giả cũng chẳng dại mà bỏ tiền ra xem những trận đấu mà kẻ thắng, người thua đá thế nào cũng được.
Nhưng “fighting” trong thể thao khác với chiến đấu ở chiến trường. “Fighting” trong thể thao không phải cứ nghiến răng nhằm thẳng đối thủ mà lao là có chiến thắng mà phải có tinh thần khỏe, có suy nghĩ tốt hơn đối thủ để kiểm soát cuộc chơi. “Fighting” là cuộc đấu trí tổng hợp, là cuộc chiến đấu trên thảm cỏ, chứ không phải cuộc đấu phân định thắng thua mà điểm đến là bệnh viện.
Thật khó để đưa ra nhận định về thành tích sắp tới của hai đội tuyển dưới triều đại HLV Miura. Nhưng chúng ta có suy nghĩ gì, khi lần nào tập trung cũng có cả chục cầu thủ lên tuyển phải ra về bằng cáng hoặc “nhẩy lò cò” bên lề sân mà chẳng có phút nào chơi bóng? Nếu “fighting” như hiện nay, e là đội tuyển khó có lực lượng tốt khi bước vào giai đoạn quyết định.
Theo Zing