BCH VFF khóa VII đã quyết định sẽ hướng bóng đá Việt Nam theo lối chơi bóng ngắn giống như những gì HAGL đã thể hiện. Mới nghe thì có vẻ hợp với bóng đá Việt Nam nhưng chúng ta đang đi ngược trở lại với thế giới.
Với những NHM bóng đá thông thường thì với cầu thủ Việt phải đá nhỏ, đá ngắn mới hợp lý. Điều này đúng cho tới khi ĐT Việt Nam lên đỉnh tại AFF Cup 2008 với Herique Calisto. Tuy vậy tới năm 2010, chính ông “Tô” cùng dàn cầu thủ vàng năm ấy với lối chơi na ná Tiki-taka phải chật vật vượt qua vòng bảng (thua Philippines). Chúng ta lay lắt vào bán kết nhưng cũng thua trắng trước Malaysia. Để rồi tất cả buông xuôi, Calisto ra đi từ đó và không trở lại. Thậm chí sau đó, người kế nhiệm ông “Tô” là Phan Thanh Hùng là tín đồ của Tiki-Taka nhưng cũng bị loại ngay ở vòng bảng AFF Cup 2012. Vâng! 2 kỳ AFF Cup liên tiếp, vẫn những Minh Phương, Tài Em, Thành Lương, Tấn Tài, Như Thành, Phước Tứ, Công Vinh nhưng chúng ta cùng thất bại với lối chơi ban ngắn.
Trên thế giới cũng vậy, Tiki-Taka của Barca cũng thoái trào vào năm 2012 sau khi Guardiola chính thức ra đi. Những thất bại dưới thời Vilanova, Martino và phần nào đó là Rudi với đội hình tương tự là minh chứng cho điều đó. Thật ra điều này không khó hiểu bởi thời điểm Tiki-Taka thống trị, người ta tìm mọi cách giải mã nó và đã thành công. Bây giờ, xu thế là pressing toàn sân, đá áp sát ngay bên phần sân đối phương, kèm người ngay từ bước 1. Vì thế cách đá ngắn rất khó thi triển khi đối thủ theo kèm như hình với bóng. Thay vào đó phải đá nhanh, đơn giản nhất có thể mới mong có hiệu quả. Vấn đề không phải bóng ngắn hay dài (thường là dài) mà phải khai thác khoảng trống đối phương một cách nhanh nhất có thể. Tất nhiên trong trường hợp này thì chỉ có một cú phất bóng thẳng cho tiền đạo băng lên là phương án khả dĩ hơn cả. Nếu nhìn ra khoảng trống mà chuyền bóng qua vài “trạm trung chuyển” thì có lẽ đối thủ đã lùi về hết rồi!
Không chiến là thứ không thể thiếu của bóng đá |
Tiêu biểu nhất cho việc từ bỏ bóng ngắn là Barcelona, nơi khởi nguồn của lối chơi Tiki-Taka. Đội bóng xứ Catalan không còn coi trọng việc kiểm soát bóng như trước đây nữa, thậm chí nhiều khi họ còn cầm bóng ít hơn đối thủ. Triết lý của Luis Enrique hiện nay là “kiểm soát phản công”. Không bao giờ có chuyện 1 bàn thắng lại đến từ các pha ban bật của 11 cầu thủ trên sân như thời Pep. Thay vào đó, mỗi khi đối thủ có khoảng trống là các tiền vệ, thậm chí hậu vệ sẽ đưa thẳng bóng cho 3 tiền đạo Messi, Suarez và Neymar ở phía trên. Minh chứng là trong trận gần nhất với Atletico, Barca có bàn thắng quyết định nhờ cú phất bóng từ giữa sân của Alves cho Suarez lập công.
Bàn thắng của Suarez từ đường chuyền dài của Alves |
Trong trận trước đó với Bilbao, Barca cũng bị đối thủ vươn lên dẫn trước và phải rất khó khăn mới tìm được bàn gỡ hòa. Đó là cú đệm lòng cận thành của Suarez nhưng khởi nguồn từ cú phất bóng qua đầu hậu vệ Bilbao của Sergi cho Messi băng lên. Một tình huống cho thấy rõ dấu ấn của Enrique khi Barca khai thác triệt để khoảng trống của hàng thủ đội bóng xứ Basque chỉ bằng một cú phất bóng bổng qua đầu hậu vệ.
Bàn thắng đầu tiên của Barca trong trận gặp Bilbao đến từ một pha phất bóng bổng của Sergi |
Tiếp tục trận đấu với Barca vs Bilbao, phải tới phút 81 thì thầy trò HLV Enrique mới tìm được bàn thắng quyết định. Và rồi đó lại là một pha bóng bổng khi Alves tạt bóng cho Pique đánh đầu. Tất nhiên người ta vẫn thấy Blaugrana phối hợp nhỏ rất nhiều vì đó là thói quen của cầu thủ nhưng về cơ bản đa số các tình huống quan trọng dẫn tới bàn thắng thì đều phải bóng dài hoặc bổng chứ không thể ban ngắn, nhỏ như một công thức may móc được.
Pha đánh đầu nâng tỷ số của Pique |
Nếu Barca ở đẳng cấp cao thì hãy xem Nhật Bản và Hàn Quốc, những nền bóng đá có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Trước đây, xứ mặt trời mọc là lá cờ đầu của châu Á với lối chơi nhỏ nhưng mọi thứ đã thay đổi trong thời gian qua. Người Nhật đã thất bại tại Asian Cup 2015 vì lối chơi ban ngắn. Thậm chí họ lần đầu bị loại ở tứ kết bởi UAE sau 20 năm thống trị bóng đá châu lục với 4 chức vô địch. Sự thay đổi ngay lập tức phát huy tác dụng khi U23 Nhật Bản vừa vô địch VCK U23 châu Á 2016 trong trận chung kết họ bị dẫn tới 2-0 nhưng đã lội người dòng.
Ở bàn gỡ 1-2 của Asano, tiền đạo số 16 băng lên từ đường chuyền từ dưới lên, lọt qua 6 cầu thủ U23 Hàn Quốc đang đứng giăng ngang. Nếu là phối hợp bóng ngắn thì sẽ khó lòng vượt qua được với chỉ 3 cái bóng áo trắng.
Pha chuyền bóng dài thẳng cho tiền đạo của U23 Nhật Bản |
1 phút sau, U23 Nhật Bản có bàn thắng gỡ hòa 2-2 từ cú đánh đầu của Yajima. Một pha bóng kiểu Anh điển hình khi hậu vệ trái leo biên tạt bóng bổng vào trong.
Bàn thắng thứ 2 của U23 Nhật Bản là tạt cánh đánh đầu |
Bàn thắng thứ 3 giúp U23 Nhật Bản lội người dòng trước U23 Hàn Quốc tiếp tục là một pha chơi bóng bổng để loại bỏ hàng thủ áo đỏ. Đường chuyền của Nakajima qua đầu các hậu vệ áo đỏ, giúp Asano băng lên đối mặt thủ môn Dong Jun Kim và lập công.
Bàn thắng thứ 3 của U23 Nhật Bản |
Trước đó, bàn mở tỷ số của Chang Hoon Kwon bên phía U23 Hàn Quốc cũng đến từ một pha tạt cánh đánh đầu rất rõ ràng. Có thể nói, trong thời điểm này phải tận dụng sơ hở của đối thủ mới ghi được bàn bằng lối chơi đơn giản chứ không thể “đàng hoàng “phối hợp ngắn từ sân nhà sang vòng cấm đối thủ được.
Bàn mở tỷ số của U23 Hàn Quốc |
Bản chất bóng đá là đối kháng, là những tình huống phát sinh trên sân. Những pha bóng như tạt cánh đánh đầu, chuyền dài, bổng là thứ cốt lõi cần phải có. Thậm chí trong thời đại cực kỳ thực dụng hiện nay thì càng phải đề cao nhiều hơn. Tuy nhiên bóng đá Việt Nam lại đi theo đường ngược lại khi ưa chuộng bóng ngắn, nhỏ và gần như không coi trọng sự cơ bản nói trên. Đáng buồn hơn khi những người điều hành ở VFF chưa nhìn ra điều này mà lại tiếp tục dấn sâu thêm vào con đường lệch hướng. Kể cả khi chúng ta có lứa Công Phượng, thuần thục, nhuần nhuyễn lối đá bóng nhỏ thì khi bước ra ngoài sẽ “vỡ vụn”, sẽ trở thành lối chơi lắt nhắt vì bị đối thủ hóa giải dễ dàng…
Doãn Công