Bóng đá Việt Nam từng sở hữu nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng nhưng không ít người trong số đó bị rơi rụng khi lên đỉnh cao, không thể trụ lại được ở đội Olympic hay ĐTQG.
Trước khi Công Phượng, Tuấn Anh nổi lên, bóng đá Việt Nam (BĐVN) từng có một lứa U19 tài năng, lên ngôi vô địch giải Đông Nam Á (ĐNA) năm 2007 tại Thành Long, TP HCM. Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Mạnh Cường, đội U20 Việt Nam đánh bại U20 Malaysia của HLV Rajabobal ở chung kết để lên ngôi vô địch.
Khi đó, U20 Việt Nam có dàn cầu thủ rất đồng đều đến từ khắp nơi trên cả nước như Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình, Nguyễn Hồng Việt, Nguyễn Đình Hiệp (SLNA), Phạm Văn Quý, Chu Ngọc Anh, Hoàng Danh Ngọc, Trần Mạnh Dũng (Nam Định), Trần Tấn Đạt (Khánh Hòa), Lê Văn Thắng (Thanh Hóa); Phạm Nguyên Sa, Nguyễn Văn Quân (Đà Nẵng), Nguyễn Đức Nhân (Đồng Nai), Nguyễn Văn Khải (Thành Long) hay Nguyễn Chí Huynh (B.Bình Dương)…
HLV Miura rất nghiêm khắc trong tập luyện, không ưu ái bất cứ cầu thủ nào. Ảnh: Zing |
Qua 8 năm dài, dàn sao trẻ ngày nào đã rơi rụng gần hết. Chỉ có Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình và phần nào đó là Lê Văn Thắng là thăng tiến về tài năng, thường xuyên góp mặt trong thành phần đội Olympic cũng như ĐTQG. Điều đó cho thấy, từ lứa U19 lên U22, U23 không đơn thuần là khoảng cách về tuổi tác. Nó là quá trình ghi nhận sự phát triển, trưởng thành, ổn định của từng cá nhân. Mỗi cầu thủ có tố chất, điều kiện phát triển cũng như nỗ lực khác nhau nên có người trụ được khi lên đỉnh cao, người rơi rụng là vì thế.
HAGL có đến 7 cầu thủ thuộc lứa U19 (trong số 9 người) góp mặt trong thành phần đội Olympic. Trước khi có danh sách tập trung, bầu Đức công khai bày tỏ mong muốn có nhiều cầu thủ HAGL trong đội tuyển. Ông lý giải họ sẽ bị tách ra khỏi "hệ thống" quen thuộc nếu có quá ít đồng đội tại CLB. Với tư cách một ông chủ đội bóng, bầu Đức hào hứng trước viễn cảnh cầu thủ U19 trở thành nòng cốt ở đội Olympic.
Nhưng Miura là mẫu HLV thực tế, không có chỗ cho những mơ mộng hay ưu ái cá nhân. Ông gọi nhiều cầu thủ U19 HAGL lên bởi họ thường xuyên đá chính ở V.League. Họ sẽ bị loại nếu không nỗ lực đáp ứng được yêu cầu của ông. Khó khăn đến với dàn sao phố Núi gần như ngay lập tức. Ngay trong những buổi đầu tập nặng về thể lực, 50% ca chấn thương của đội thuộc về cầu thủ HAGL (Hồng Duy, Thanh Tùng, còn Xuân Trường bị đau từ trước). Trong khi đó, Công Phượng thừa nhận chưa thích nghi được trước những yêu cầu của HLV Miura.
Mong muốn lớn nhất của bầu Đức là lứa U19 của HAGL làm nòng cốt của đội U23 trong tương lai, phấn đấu đoạt HCV SEA Games. Tuy nhiên, về chất lượng và hiệu quả thực tế, lứa U19 HAGL và cả lò HAGL-Arsenal JMG chưa chắc đã hơn các nước trong khu vực. Vì thế, cửa đoạt HCV SEA Games của bóng đá Việt Nam vẫn còn xa. Thái Lan có học viện JMG trước cả Việt Nam nhưng bị phá sản chỉ sau 7 năm. Tuy nhiên, không cần "lò" này, U23 Thái Lan vẫn vô địch SEA Games 27 thuyết phục. Dàn cầu thủ này tiếp tục làm nòng cốt giúp ĐTQG của họ vô địch AFF Cup năm ngoái.
Myanmar chưa đoạt HCV SEA Games nhưng lứa U19 của họ đầy tiềm năng. U19 Myanmar từng đánh bại U19 Việt Nam (nòng cốt là cầu thủ U19 HAGL) ở chung kết giải U22 ĐNA 2014. Họ cũng là đội bóng thứ 2 trong lịch sử khu vực giành quyền tham dự VCK U20 thế giới. Bóng đá Myanmar trẻ giờ có hàng loạt học viện ở Nay Pyi Taw, Mandalay và Yangon chứ không trông chờ nguồn cung chính từ mỗi một nơi.
Năm ngoái, U19 HAGL xuất sắc đánh bại đội U21 Việt Nam tại giải U21 quốc tế. Điều đó dễ khiến nhiều người ngộ nhận, Công Phượng, Tuấn Anh... hơn hẳn các đàn anh về tài năng. Tuy nhiên, HLV Miura không đánh giá cao đội U21 này (nay là U22). Bằng chứng là ông chỉ gọi 3 cầu thủ từ lứa này tham dự vào đội Olympic (Phạm Văn Thành, Phạm Mạnh Hùng và Hồ Tuấn Tài). Thế nên, trận thắng khiến bầu Đức sướng phát điên này không thể là căn cứ để đánh giá U19 đủ sức cáng đáng nhiệm vụ cho U23.
HLV người Nhật Bản từng kiên quyết không gọi Công Phượng, Tuấn Anh lên ĐTQG tại AFF Cup vì cho rằng họ cần thời gian để trưởng thành về chuyên môn, ổn định về tâm lý. Điều này vẫn còn nguyên giá trị vào lúc này. Một lứa U19 tài năng không có nghĩa tạo nên đội Olympic mạnh. Họ cần rèn giũa thêm ở một môi trường khác biệt so với những gì được nhào nặn ở CLB. Phía VFF khẳng định sẽ không can thiệp vào chuyên môn của HLV Miura. Hy vọng điều đó không phải lời nói suông mà sẽ xuyên suốt trong quá trình ông thầy người Nhật xây dựng đội Olympic Việt Nam trong thời gian tới.
Xem thêm bóng đá Việt Nam
Theo Zing