- Không có nổi một cú sút, Công Vinh đã hết thời?
- Các tuyển thủ Việt Nam: Lưng đeo ba-lô, chân tha chì - vì sao?
- Đội tuyển Việt Nam: Thua do... thầy nội?
Lần đầu tiên sau nhiều năm, việc đội tuyển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị loại khỏi giải bóng đá AFF Cup là điều không gây sốc và được dự báo từ trước.
Phàm là cái gì lên gân quá mức cũng mang lại khả năng là những hệ quả tai hại. Đội tuyển Việt Nam bắt đầu thua từ những tuyên bố có vẻ mạnh miệng của các quan chức VFF hay của ban huấn luyện. “Đá chết bỏ”, “Phải thắng bằng mọi giá” về bản chất tưởng là hô quyết tâm, thực tế là che dấu sự sợ hãi của chính mình.
Người hâm mộ Việt Nam không lạ những chuyện thế này, bởi giữa những tuyên bố đao to búa lớn và những gì thực hiện được là khoảng cách rất xa nhau và người ta buộc phải gật gù với nhau: “Cái thế nó phải như vậy”. Bóng đá đơn giản chỉ là một cuộc chơi, bản thân giải đấu AFF Suzuki Cup cũng là giải đấu mà FIFA chỉ coi là giải giao hữu. Thế thì cần gì phải “đá chết bỏ”, cần gì phải “bằng mọi giá”. Nói thế nghĩa là ta đã trả giá cho nó rồi và cái giá nào?
Sự lên gân thái quá cũng có yếu tố đáng thương trong đó. Người ta nói, tuyển Việt Nam khước từ những cầu thủ nhập tịch đã phải trả giá bởi những con người biết trân trọng những giá trị mà chúng ta cố tình loại bỏ.
Nhưng, như đã nói, bóng đá là một cuộc chơi và sự thắng thua ở đây là dễ bắt lỗi và dễ hiểu hơn cả. Khi đội tuyển Việt Nam thua, người ta có thể chỉ ra 1001 lý do thua: tinh thần cầu thủ kém, không có chiến thuật, đá vô hồn, trình độ HLV có vấn đề….
Họ- những cầu thủ và ban huấn luyện không đáng để trở thành trung tâm của cơn tức giận mà người hâm mộ chỉ trực chờ trút xuống. Hãy đặt mình ở vị trí người trong cuộc. Đá làm sao khi trước lúc ra sân, cả Công Vinh lẫn Thành Lương đều nhận tin dữ: CLB đang trả lương cho mình chính thức bỏ giải 2013 và coi như giải thể. Đá làm sao khi mà Quang Hải còn không biết sau này mình sẽ về đâu khi N.Sài Gòn giải tán. Hàng loạt các cầu thủ khác trong cơn bão cắt lương, thưởng.
Có ngây thơ quá không khi đặt niềm tin hay đòi hỏi những điều đao to búa lớn như “màu cờ sắc áo” vào những cầu thủ đã không còn tin vào tương lai của chính mình? Người hâm mộ Việt Nam cứ muốn lấy bóng đá như một thứ để cứu vãn vài phần niềm tin mà họ đã đánh rơi đâu đó trong cuộc sống.
Những cầu thủ đang đá trên sân kia là nạn nhân của những cơn khủng hoảng về kinh tế cấp CLB và có thể là cao hơn nữa. Có người nói: đội tuyển Việt Nam đã dùng một lối đá “không chính chủ” để thi đấu ở AFF Cup, tức là lối đá tiqi-taka quen thuộc của người Tây Ban Nha và thua. Đó là chuyện bình thường.
Điều nguy hại là nhầm lẫn năng lực và sự may mắn. 4 năm trước, ở AFF Cup 2008, chúng ta lên ngôi. Đó là may mắn nhưng lại cố tin rằng đó năng lực. Có vẻ như hơi lâu để cuối cùng chúng ta nhận ra mình có gì, đứng đâu và cần thay đổi điều gì. Thất bại có giá trị ở chỗ ấy. Và những cầu thủ, cũng như ban huấn luyện của họ không đáng trách, không phải nơi để trút giận. Họ, suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân.
(Theo Thể Thao 24h)