- Không còn chuyện độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam
- VFF chỉ dám đặt chỉ tiêu vào bán kết AFF Cup 2016
- Hồng Duy: Ngôi sao hy vọng của cả HAGL và U23 Việt Nam
(Xsbandinh.com) – Khi mà nền bóng đá nước nhà đang lao đao sau trận thua toàn diện trước Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 tại Mỹ Đình thì việc các quan chức VFF đặt mục tiêu cho đội tuyển Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup 2016 là vừa phải, nhưng liệu có nên hướng tới mục tiêu “chỉ” là vào bán kết hay không?
Năm 2001, HLV Dido khi đó được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mời về dẫn dắt đội tuyển quốc gia khi chưa bước sang tuổi 40. Lời hứa đầu tiên mà vị chiến lược gia người Brazil nói với bóng đá Việt Nam là giúp đội bóng mảnh đất hình chữ S giành huy chương vàng SEA Games. Chỉ vài tháng chân ướt chân ráo đến với vùng trũng nhất của bóng đá thế giới nhưng ông Dido khi đó đã có thể ngạo nghễ tuyên bố một câu xanh rờn như vậy, kết quả là đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng với thất bại trước Malaysia và Indonesia. Còn cá nhân ông Dido cũng ngay lập tức bị “đá đít” khỏi chiếc ghế HLV trưởng chỉ 1 tuần sau khi SEA Games kết thúc.
Đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008 mà chẳng ai ngờ đến |
Kể từ sau “cú phốt” của ông Dido thì những người hậu bối và VFF cũng đã thận trọng hơn trong việc “đặt mục tiêu cho đội tuyển quốc gia và U23 trước mỗi kỳ AFF Cup và SEA Games. Ngay cả năm 2008 thì thầy “Tô” cũng chỉ được giao mục tiêu lọt vào bán kết AFF Cup 2008, nhưng thành quả thế nào thì người hâm mộ cũng đều đã rõ. Trước mỗi ngày hội bóng đá lớn của khu vực hàng năm, chúng ta vẫn thường được nghe các quan chức phát biểu những mục tiêu đại khái như vượt qua vòng bảng và phổ biến hơn cả là lọt vào trận chung kết. Đó là một thực tế bởi dẫu sao thì Việt Nam mới chỉ có 1 lần vô địch AFF Cup (và tiền thân của nó là Tiger Cup), còn Thái Lan và Singapore đều đang chia sẻ vị thế dẫn đấu với lần lượt 4 và 3 chức vô địch.
Thế nhưng đến khi VFF tuyển mộ được HLV Miura, một chiến lược gia được đánh giá rất cao về chuyên môn thì câu chuyện thành tích lại thành “vỡ kế hoạch”. Chả là khi được mời tham dự buổi bốc thăm chia bảng AFF Cup 2014, HLV Toshiya Miura đã lỡ lời nói với các phóng viên nước ngoài rằng mục tiêu của đội bóng là giành chức vô địch. Để rồi sau đó VFF cũng rơi vào tình trạng đã để ông Miura đâm lao thì đành phải theo lao. Năm đó đội tuyển Việt Nam đã vượt qua vòng bảng tương đối dễ dàng, nhưng rồi lại thất bại cay đắng trước Malaysia trong trận bán kết lượt tại Mỹ Đình dù đã giành chiến thắng ở lượt đi. Sau sự kiện này, VFF cũng chỉ dám đặt mục tiêu vào bán kết SEA Games 28 và điều tương tự tại AFF Cup 2016 sắp tới.
Giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2015 đang chuẩn bị được khởi tranh, đây là cơ hội hiếm hoi để lứa cầu thủ HAGL JMG thể hiện lối chơi và bản sắc của mình.
Tuy nhiên đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ đến từ người hâm mộ bởi họ cho rằng “mục tiêu” mà VFF đặt ra là rất an toàn. Đội tuyển Việt Nam có lẽ xứng đáng đứng ở top 2 khu vực hơn là top 4. Và những luồng ý kiến này đều có chung một quan điểm rằng đã đặt mục tiêu thì nên hướng tới chức vô địch, bởi như thế các cầu thủ mới có thể nỗ lực hết sức mình. Đã giương cung bắn thì phải nhắm hồng tâm, có lệch thì cũng trúng bia, rồi là chuyện đặt mục tiêu thì phải khác với dự đoán kết quả. Những lý luận đó là rất hợp lý, tuy nhiên phải áp dụng vào từng hoàn cảnh. Hướng tới mục tiêu vô địch là tốt, nhưng điều đó vô tình lại gây ra áp lực cho các cầu thủ.
Nói gì thì nói, khả năng chịu đựng áp lực của cầu thủ Việt Nam là rất hạn chế. Trong thi đấu, họ hiếm khi thực hiện được những cuộc lội ngược dòng thần thánh. Chẳng ai quên được kỳ Tiger Cup 1998, khi mà Việt Nam đã đứng trước giấc mơ vàng 1 bước chân thì chúng ta lại bất ngờ ngã ngựa vì cái lưng của gã khổng lồ Sasikumar. Áp lực là một trong những kẻ thù lớn nhất của bóng đá Việt Nam, không chỉ với Tiger Cup năm đó mà chúng ta cũng từng rất nhiều lần gục xuống khi vinh quang đã ở gần kề. SEA Games 22, AFF Cup 2014 là những ví dụ khác.
HLV Miura và VFF cần đưa ra mục tiêu hợp lý cho ĐTVN |
Việc đặt mục tiêu vừa phải với năng lực của đội tuyển là bước đi khôn ngoan của VFF, nhưng dựa trên sự tính toán về điểm rơi phong độ của đội tuyển Việt Nam cũng như các đối thủ trong khu vực. Tất nhiên bỏ qua “ông kẹ” Thái Lan, Singapore vẫn luôn là đối thủ khó chơi tại đấu trường khu vực, đừng quên rằng họ đã từng cầm hòa Nhật Bản 0-0 ngay trên thánh địa Saitama. Trong khi đó, Philippines, đội bóng số 1 Đông Nam Á theo bảng xếp hạng FIFA, cũng đang sở hữu dàn hảo thủ nhập tịch đầy chất lượng và họ ngày càng thể hiện được sự gắn kết với nhau theo thời gian. Đó là chưa kể một Malaysia vốn rất khó chịu, Myanmar đang dần vươn lên và Indonesia chưa bao giờ bị nghi ngờ khả năng, ngay cả khi họ đang phải trải qua quãng thời gian đen tối vì công tác quản lý của những nhà chức trách.
Dẫu vậy thì đây vẫn chưa phải là mục tiêu cuối cùng mà VFF giao cho HLV Miura và các học trò tại AFF Cup năm sau bởi trong những cuộc họp tới, mọi chuyện rất có thể sẽ thay đổi dựa vào phong độ của đội bóng và cả lịch thi đấu cũng như kết quả bốc thăm chia bảng. Đừng quên rằng đội tuyển Việt Nam chỉ thể hiện được hết khả năng của mình khi nằm ở thế cửa dưới, và những thành tích đáng kể của đội trong lịch sử chính là minh chứng hùng hồn nhất.
Hàn Phi