Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Đình Trọng tái phát chấn thương: Không thể đánh cược với số phận

Thứ Ba 22/09/2020 14:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trần Đình Trọng đã đánh cược với bản thân để tham dự VCK U23 châu Á 2020 dù chấn thương gân kheo của anh chỉ mới vừa bình phục. Và quyết định này đang khiến hậu vệ tuyển Việt Nam phải ‘trả một cái giá’ khá đắt.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

  

Không thể đánh cược với số phận

Hậu vệ Trần Đình Trọng gặp chấn thương gân khoeo trong trận đấu giữa Hà Nội và HAGL hồi giữa tháng 6 năm ngoái. Điều này đã khiến anh sớm phải kết thúc mùa giải cũng như không thể tham dự các trận đấu tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á và sau đó là SEA Games 30. 

Anh chỉ tái xuất khi VCK U23 châu Á 2020 diễn ra trên đất Thái Lan. Song có vẻ như ở thời điểm đó, Trọng ‘ỉn’ vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Bằng chứng là sau khi biết anh có tên trong danh sách sơ bộ của ĐT U23 Việt Nam, HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội đã thừa nhận mình rất bất an khi chứng kiến cậu học trò cưng sớm phải ra sân trở lại. 

Đình Trọng tái phát chấn thương Không thể đánh cược với số phận hình ảnh
Quyết định tham dự VCK U23 châu Á 2020 là 'nước cờ sai' của Đình Trọng.

Vị thuyền trưởng CLB Hà Nội khi đó từng bày tỏ sự lo ngại: “Chấn thương dây chằng gối sau khi mổ nối lại cần thời gian ổn định, nhưng tôi thấy Đình Trọng hơi nóng vội. Khi trở lại tập trung với đội thì cậu ấy chưa được 100%. Đó là điều tôi đang lo ngại nhất. Chắc chắn rằng khi Đình Trọng quay lại CLB tôi sẽ không thể nóng vội được, phải tìm thời điểm thích hợp để sử dụng”.

Về phần mình, HLV Park Hang Seo cũng hiểu chuyện này. Thậm chí chỉ ít ngày trước khi ĐT U23 Việt Nam bước vào tranh tài tại giải đấu, ông Park còn yêu cầu bác sĩ Choi Ju Young đưa Đình Trọng đi chụp MRI trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và như đã biết, sau đó ông đã giữ Đình Trọng ở lại và sử dụng anh ở cả 3 trận đấu vòng bảng của U23 Việt Nam, trong đó ở hai trận đầu tiên, cầu thủ của Hà Nội được tung vào sân từ băng ghế dự bị.

Điều này đã cho thấy tầm quan trọng khó có thể thay thế của Đình Trọng ở đội tuyển U23 Việt Nam. Với cầu thủ đẳng cấp như Đình Trọng, nếu anh xuất hiện trên sân thì sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn với HLV Park Hang Seo, bởi ông hiểu lứa cầu thủ U23 Việt Nam khi đó chẳng ai có thể đủ tin cậy giống như các ‘đàn anh’ Bùi Tiến Dũng hay Đỗ Duy Mạnh.

Nhưng sự mạo hiểm này rõ ràng đã không thể làm thay đổi được tình hình khi ĐT Việt Nam thi đấu không tốt và sớm bị loại, còn trung vệ Đình Trọng thì sau đó đã bị tái phát chấn thương do việc sớm trở lại tập luyện và chơi bóng với cường độ cao.

Rõ ràng trong chuyện này, cả ông Park và Đình Trọng đều đã đi một nước cờ sai khi để anh ra sân tại VCK U23 châu Á 2020. Và hệ quả là giờ đây, những gì mà Trọng ‘ỉn’ đã và đang phải đối mặt sẽ không hề đơn giản.

 

Điều trị chấn thương không thể nóng vội

Từ câu chuyện buồn của Đình Trọng có thể thấy việc điều trị chấn thương không phải nhiệm vụ có thể xem nhẹ. Trong năm 2018 và 2019, bóng đá Việt Nam liên tiếp đón nhận tin không vui khi hậu vệ Vũ Văn Thanh và tiền vệ Lương Xuân Trường bị chấn thương đứt dây chằng đầu gối, phải lên bàn mổ. Nhưng khác với Đình Trọng, cả hai đều không nóng vội với chấn thương của mình, mặc dù họ đã mất không ít những cơ hội thi đấu cho đội tuyển trong thời gian vắng mặt.

Đình Trọng tái phát chấn thương Không thể đánh cược với số phận hình ảnh
Từ chuyện của Đình Trọng mới thấy điều trị chấn thương không thể nóng vội.

Còn nhớ, khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông hồi giữa năm, Xuân Trường từng nói rằng anh rất nhớ bóng đá nhưng các bác sĩ đã yêu cầu không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn. 

“Là cầu thủ mà không được thi đấu luôn gây cảm giác khó chịu. Chẳng hạn như hồi cuối tháng 5, khi HAGL đá với Nam Định ở Cúp QG, tôi đã quay lại tập luyện nhưng đến lúc đội ra sân thi đấu thì phải lên khán đài. Bác sỹ dặn không được đốt cháy giai đoạn mà phải kiên trì chờ đợi”, Xuân Trường nói.

Và có thể nói, sự kiên trì chính là chìa khóa giúp cả Xuân Trường lẫn Văn Thanh không bị tái phát chấn thương sau khi trở lại với sân cỏ. Điều trị chấn thương không bao giờ là một chuyện có thể xem nhẹ. Việc trở lại thi đấu sớm hơn nhiều so với lộ trình phục hồi chấn thương đứt dây chằng là nguyên nhân chính khiến chấn thương mà Đình Trọng gặp phải đã nặng lại càng nặng thêm.

Thực tế, nhiều cầu thủ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn có thể thi đấu trở lại dù có tiền sử chấn thương dày đặc. Chẳng nói đâu xa, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh là điển hình như vậy. Dù gặp vô số chấn thương trong sự nghiệp song với sự kiên trì, bền bỉ cùng khát khao được chơi bóng, Anh ‘Nhô’ đã vượt qua tất cả để có thể ra sân tỏa sáng trở lại.

Và nhìn từ tấm gương của thủ quân HAGL, hậu vệ Trần Đình Trọng có lẽ cần học theo phương pháp của người đàn anh nếu như vẫn muốn duy trì thời gian chơi bóng đỉnh cao.

Đình Trọng lại chấn thương: Đừng vì cố quá...
Mới đây, một thông tin rất không vui đã đến với những người yêu bóng đá là trung vệ Trần Đình Trọng sẽ tiếp tục phải tiến hành ca phẫu thuật điều trị chấn...
Chấn thương của Đình Trọng rất nguy hiểm
Trung vệ Đình Trọng vừa phải trải qua thêm 1 ca phẫu thuật và có khả năng phải nghỉ thi đấu tới hết năm 2020.
SỐC: Đình Trọng phải tái phẫu thuật, nghỉ hết năm 2020
Chấn thương của Đình Trọng bất ngờ chuyển biến xấu hơn dự kiến và anh phải tái phẫu thuật trong thời gian tới.
Đình Trọng rút ra nhiều kinh nghiệm sau nhiều lần tái phát chấn thương
Trung vệ của CLB Hà Nội và ĐTVN Trần Đình Trọng tỏ ra hết sức lạc quan trong suốt quá trình hồi phục tại trung tâm PVF thời gian qua.

Minh Long

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X