Ở tuổi 31, tiền đạo Lê Công Vinh vẫn ra sân và nổ súng đều đặn cho Bình Dương và ĐT Việt Nam. Vậy mà có một lượng rất đông CĐV, thậm chí cả HLV đều ngày đêm chỉ trích những nỗ lực của anh.
⇒ Theo dõi thông tin kết quả Euro và bảng xếp hạng Euro 2016 |
Trong trận đấu với Hồng Kông (TQ) vào chiều qua, trước một đối thủ có nhiều cầu thủ nhập tịch, ĐT Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí thủ thành Nguyên Mạnh là người vào lướt nhặt bóng đầu tiên trong trận đấu. Khi mà chúng ta bắt đầu tắt dần hy vọng thì tiền đạo Lê Công Vinh lên tiếng. Không chỉ 1 mà người đội trưởng cần mẫn liên tiếp ghi 2 bàn trong vòng vỏn vẹn 3 phút giúp đội bóng áo đỏ lật ngược thế cờ và giành chiến thắng chung cuộc sau loạt đá luân lưu. Đây cũng chẳng phải lần đầu Công Vinh trở thành cứu cánh cho ĐT Việt Nam mỗi khi bế tắc. 8 bàn trong 12 trận gần nhất cho đội tuyển là con số đáng mơ ước với bất cứ cầu thủ nội nào.
3 bàn trong 2 trận liên tiếp, xa hơn một chút là 14 lần ra sân liên tiếp cho ĐTQG, một kỷ lục của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Không chỉ có vậy, sau trận đấu đáng nhớ với Hồng Kông (TQ) vào chiều qua, Công Vinh đã trở thành cầu thủ khoác áo ĐTQG nhiều lần nhất với 74 trận ra sân, vượt qua kỷ lục của Minh Phương 1 trận. Trong 74 trận đó CV9 ghi được tới 47 bàn, một hiệu suất cực kỳ ổn định và đáng trân trọng. Tất nhiên anh vẫn là người ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử ĐT Việt Nam. Thậm chí tiền đạo xứ Nghệ còn bỏ xa người đứng thứ 2 là cựu chân sút lừng danh Lê Huỳnh Đức mới chỉ có được 28 pha lập công. Chưa hết, xét trên bình diện giải VĐQG thì Công Vinh cũng là chân sút số 1 lịch sử V-Leauge bất chấp sự lấn lướt của các tiền đạo ngoại.
Công Vinh là nạn nhân của một nền bóng đá lạc hậu |
Những điều Lê Công Vinh làm được là phi thường và anh hoàn toàn xứng đáng đeo chiếc băng đội trưởng, là đầu tàu của ĐT Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng thật buồn là cho tới lúc này vẫn có quá nhiều người không ngừng chỉ trích tiền đạo xứ Nghệ. Thậm chí ngay sau trận gặp Hồng Kông (TQ) hôm qua thôi người ta gọi Vinh là kẻ “ăn may”, “ăn sẵn” hay giành vinh quang của người khác. Cái luận điệu cả 2 bàn vào lưới thủ thành Wang Zengpeng thì “ai cũng là được” lại được tái diễn. Đúng là 2 bàn thắng ấy không có gì đặc biệt, 1 là đệm lòng, 1 là may mắn đập vai vào gôn. Nhưng công việc chọn vị trí để dứt điểm là cả một nghệ thuật. Còn bàn thắng bằng thứ 2 thể hiện kinh nghiệm và nỗ lực lớn của Công Vinh trước trung vệ cao 1m90 của đội bạn. Nếu không cố gắng lớn thì hậu vệ đội bạn đã dễ dàng phá ra chứ không để cho CV9 chạm vào bóng.
Sự chỉ trích nhằm vào Công Vinh đến từ hai nguyên nhân chính. Một là vì anh quá thành công về mọi mặt, có một sự nghiệp mà bất cứ ai cũng ao ước. Là vợ đẹp, con xinh, nhà biệt thự, xe tiền tỷ nhất trên tất cả là rất nhiều chiến tích đi vào lịch sử cùng bóng đá Việt Nam. Điều này thì chỉ có thể giải thích đó là sự đố kỵ, ghen ăn tức ở với những vì mà anh đang có. Chẳng hiểu dựa vào đâu mà những kẻ chỉ trích CV9 có thể khẳng định anh không có tài năng hoặc không xứng đáng với những gì mình có. Chẳng riêng gì những antifan đâu mà ngay cả những HLV gạo cội cũng “ghét” Công Vinh. Tiêu biểu là chiến lược gia lão làng Lê Thụy Hải cũng “đì” anh trên ghế dự bị vì… quá chuyên nghiệp. Nói thẳng ra là do Công Vinh không chấp nhận chi ra tiền “bôi trơn” nên ông thầy cá tính này đã làm mọi cách đề hạ bệ anh. Thế nhưng rút cục chiến lược gia người Hà Đông phải khăn gói ra đi. Cầu thủ được ông Hải chọn đá chính thay Công Vinh là Tăng Tuấn cũng đã bật bãi khỏi Gò Đậu.
12 năm qua, Công Vinh vẫn đang là đầu tàu của ĐT Việt Nam |
Nguyên nhân thứ 2 khiến Công Vinh bị ghét đó là vì… Văn Quyến. Dù “thằng béo” đã giải nghệ nhưng những CĐV vẫn đang cố ăn mày dĩ vãng về một cầu thủ từng được coi là thần đồng của nền bóng đá. Những người này luôn có luận điệu không bao giờ thay đổi rằng, nếu Văn Quyến không dính chàm bán độ thì có lẽ Công Vinh chẳng thể có ngày hôm nay. Thật nực cười cho quan điểm đó bởi Quyến là Quyến, Vinh là Vinh, họ chẳng quyết định được điều gì của nhau cả. Trước khi xuất hiện vụ bán độ năm 2005 thì Vinh đã giành QBV Việt Nam năm 2004 và là người đá cặp với Huỳnh Đức trên ĐTQG chứ không phải Quyến. Chưa kể sau đại án Bacolod thì Quốc Anh trở lại và lập tức tỏa sáng giành QBV, trụ cột của đội tuyển. Còn Quyến thì sao? Nhanh chóng sa sút vì lười biếng trong tập luyện.
Trận mở màn AYA Bank Cup 2016 giữa Việt Nam 2-2 Hồng Kông (TQ) đã diễn ra một cách vô cùng nghẹt thở. Hai đội đã tạo ra một cuộc rượt đuổi tỷ số ngoạn mục và...
Tóm lại những kẻ chỉ trích Công Vinh hoặc là những người đố kỵ, hoặc là những CĐV vẫn đang ăn mày dĩ vãng về chàng Quyến “béo” năm nào. Tất nhiên đó là nhận thức của một nền bóng đá lạc hậu không chịu tiến lên phía trước. Dù Công Vinh chính là tấm gương vượt khó trở lại thi đấu sau khi đứt dây chằng, là sự chuyên nghiệp trong luyện tập cũng như trong cuộc sống. Ở tuổi 31, CV9 vẫn đang nỗ lực để cống hiến cho ĐT Việt Nam và quan trọng là anh vẫn đang ghi bàn đều đặn. Đáng ra đó là điều cần phải được học tập và nhân rộng thì một bộ phận không nhỏ những kẻ ích kỷ lại chỉ trích anh. Bóng đá Việt Nam là thế đấy! Đến ngay cả khán giả còn có cái nhìn lệch lạc thì bảo sao môn thể thao vua của chúng ta chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi.
Doãn Công