Tiền đạo rất được kỳ vọng đã thể hiện 2 hình ảnh khác biệt trong màu áo U23 Việt Nam so với khi thi đấu tại V.League.
Trận đấu với SLNA tại vòng 9 là sự tiếp nối hình ảnh bế tắc của Công Phượng cùng đồng đội ở HAGL, trước khi bước vào kỳ nghỉ để tập trung đội tuyển U23 tham dự Vòng loại U23 châu Á. Thành công của tiền đạo sinh năm 1995 sau màn thể hiện ở Malaysia khiến anh nhận được rất nhiều sự kỳ vọng khi quay về thi đấu tại V.League. Nhưng cuối cùng, Công Phượng vẫn không mang đến sự khác biệt để giúp CLB của mình thoát khỏi chuỗi ngày dài ảm đạm.
Những đối thủ của U23 Việt Nam tại Vòng loại U23 châu Á như U23 Malaysia "phiên bản B" hay U23 Macau (Trung Quốc) không phải chướng ngại đủ lớn để ngăn Công Phượng tỏa sáng. Nhưng ở V.League, các đội bóng chiếu dưới như Cần Thơ hay Đồng Tháp cũng đủ sức khiến tiền đạo sinh năm 1995 "mất điện". Và khi đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ thứ hai ở V.League mùa này, SLNA nhập cuộc với toàn nội binh để đá với HAGL, Công Phượng cũng bất lực.
Hình ảnh Công Phượng buồn bã sau những thất bại tại V.League dần trở nên quen thuộc. Ảnh: Zing |
Lối chơi của HLV Miura và HLV Graechen không hoàn toàn là lý do dẫn đến điều đó. Với những đội bóng trẻ, khái niệm chiến thuật đôi khi chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ở cả HAGL lẫn U23 Việt Nam, Công Phượng đều được bố trí đá tiền đạo lùi, chơi tự do trên hàng tấn công, song kết quả lại trái ngược. Câu trả lời có lẽ nằm nhiều hơn từ phía những người sát cánh với anh ở 2 tập thể. Pha phối hợp giữa Công Phượng và Huy Toàn dẫn đến bàn thắng cân bằng tỷ số trong cuộc đọ sức với U23 Malaysia là một ví dụ cho thấy, tiền đạo của HAGL đang thiếu những vệ tinh chất lượng tương đương khi thi đấu ở CLB.
Và khi Công Phượng cầm bóng lao lên phía trước trong màu áo U23 Việt Nam, anh sẽ không quá lo lắng với nguy cơ “hồi mã thương” từ phía đối thủ, vì sau lưng là những Ngọc Hải, Mạnh Hùng hay Tiến Dũng luôn sẵn sàng và đủ khả năng ngăn chặn. Đấy là điều tiền đạo khoác áo số 44 cũng không có ở HAGL. Thế nên mỗi pha mất bóng của anh biến thành nguy cơ đẩy đồng đội vào thế chống đỡ vất vả trước những pha phản công của đối phương.
Theo dõi thất bại 0-2 của đội bóng phố núi trên sân Vinh ở vòng 9, HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét: “Công Phượng quá đơn độc trên hàng tấn công của HAGL”. Đấy không phải là ý kiến đầu tiên, và chắc cũng không phải cuối cùng, đánh giá “gà nòi” của bầu Đức không có điểm tựa là những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm và đủ khả năng “chia lửa”.
Hồi đầu mùa, HLV Phan Thanh Hùng cũng từng nhận định: “Việc HAGL đôn ồ ạt nguyên lứa cầu thủ trẻ lên chơi V.League là biểu hiện của sự nóng vội”. Đồng đội cũ của Công Phượng ở U19 Việt Nam, tiền vệ Duy Mạnh đá ngày càng lên chân tại Hà Nội T&T khi được thi đấu bên cạnh những Thành Lương, Văn Quyết hay Ngọc Duy. Ở SLNA, Mạnh Hùng và Ngọc Hải giàu triển vọng vẫn phải đặt cạnh sự hỗ trợ của một Minh Đức dạn dày. Phi Sơn, Tuấn Tài sẽ khó tỏa sáng nếu thiếu kinh nghiệm của Quang Tình hay Văn Vinh.
Thế nên, vấn đề của Công Phượng ở HAGL không chỉ gói gọn trong phạm vi khả năng của riêng anh. Đó còn là câu chuyện liên quan đến tính định hướng và sự đồng bộ của đội bóng phố núi. Bầu Đức cùng cộng sự của ông đã nôn nóng với tư tưởng ép chín những “trái nho vẫn còn xanh lắm” của Học viện HAGL Arsenal JMG. Suy nghĩ của ông chủ HAGL: “V.League là môi trường rèn giũa lý tưởng” cũng không chính xác.
Vì sự tiến bộ sẽ rất khó xuất hiện khi lối chơi bế tắc, tinh thần rệu rã và đôi chân mệt mỏi đặt trong vòng xoáy của thất bại. Thậm chí, nói như HLV Lê Thụy Hải: “Nếu cứ thua liên tiếp như thế, các cầu thủ trẻ của HAGL sẽ đi đến chỗ mất phương hướng và sụp đổ”.
“Cánh én” Công Phượng chưa mang đến mùa xuân cho CLB của anh. Nhưng 4 bàn thắng cùng 3 pha kiến tạo của tiền đạo sinh năm 1995 đã góp phần quan trọng mở toang cánh cửa vào Vòng chung kết U23 châu Á của thầy trò HLV Miura. Đấy là sự khác biệt rất đáng suy ngẫm.
Theo Zing