- Soi giày thi đấu: Công Phượng thích Messi, học Ronaldo
- Công Phượng trải lòng sau màn ra mắt ngắn ngủi ở Mito Hollyhock
- Công Phượng thi đấu ra sao trong trận đầu khoác áo Mito Hollyhock
Trước việc những Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường không được ra sân, rất nhiều người đã kêu gọi 3 cầu thủ trẻ này hồi hương. Tuy nhiên, đó chỉ là sự cảm tính nhất thời dễ làm hại tương lai các tài năng này.
Giá trị của ghế dự bị
Kể từ khi chuyển đến chơi bóng cho CLB Mito Hollylock theo dạng cho mượn hồi đầu năm nay, tiền đạo Nguyễn Công Phượng vẫn chưa được ra sân thi đấu ở một trận chính thức tại J-League 2. Phải mãi gần đây, anh mới được thử sức trong... 5 phút ở trận hòa với Giravanz Kitakyushu. Rất nhiều ý kiến của cả chuyên gia và người hâm mộ Việt Nam tỏ ra sốt ruột và cho rằng việc tiền đạo xứ Nghệ không được thi đấu sẽ gây tác động tiêu cực tới sự phát triển của cầu thủ trẻ này. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là vậy.
“Không ít lần sau các buổi tập, tôi gần như đi không nổi, nhưng điều đó hoàn toàn bổ ích”, Phượng chia sẻ một cách đầy hồ hởi về trải nghiệm bóng đá Nhật Bản của mình. Mới đây, thông qua phát ngôn từ phía HAGL, Công Phượng cho biết ngay cả khi chưa thể tìm được vị trí trong đội hình Mito Hollyhock, anh vẫn khát khao được ở lại, để học hỏi và để nâng cấp trình độ chơi bóng.
Công Phượng tin tưởng vào môi trường mới |
Cũng theo lời kể của một chân sút xứ Nghệ khác là Lê Công Vinh, cường độ tập luyện ở các đội bóng dù chỉ là hạng thấp ở Nhật cũng là vô cùng lớn và phải rất vất vả để theo kịp. “Đầu tiên là thể lực, đây là điểm yếu rất lớn của cầu thủ Việt Nam. Vì vậy khi ra nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản, cầu thủ Việt Nam phải nỗ lực gấp bội mới có thể rút ngắn khoảng cách với cầu thủ bản địa vốn có nền tảng thể lực rất tốt và luôn tập luyện với cường độ cao. Sáng học tập, chiều hay thậm chí cả tối họ cũng tập. Buổi trưa mình được phát cho một hộp cơm để ăn rồi nghỉ ngơi một lúc để nhanh chóng luyện tập tiếp”.
Đây là một điều khác biệt rất lớn với các đội bóng ở V-League, vốn tập luyện chưa thực sự “nhiệt”. Bản thân HLV Toshiya Miura khi mới đến với bóng đá Việt Nam cũng từng than trời rằng ông không hiểu hàng ngày các CLB cho cầu thủ tập tành ra sao. Kết quả là mỗi đợt tập trung ông thầy người Nhật lại phải rèn thể lực cấp tốc cho học trò dẫn đến quá tải và chấn thương.
Xuân Trường dần bắt nhịp môi trường mới qua đội dự bị |
Đồng “cảnh ngộ” với Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường cũng chưa có cơ hội được ra sân ở Yokohama FC và Incheon United. Bộ đôi tiền vệ này cũng liên tục gặp khó khăn và chấn thương do chưa thích nghi với cường độ tập luyện ở đội bóng mới. Nếu những hình ảnh mới đây cho thấy Tuấn Anh gầy rộc và đen sạm đi thì Xuân Trường thậm chí còn đang vật lộn với chấn thương không hề nhẹ.
Nói vậy để thấy rằng, dù chưa được ra sân thi đấu nhưng ích lợi từ việc được tập luyện trong môi trường bóng đá đẳng cấp cao là rất tốt cho những cầu thủ trẻ này. Đồng đội, ban huấn luyện, giải đấu... tất cả mọi thứ ở đây chắc chắn là vượt xa những gì bóng đá Việt Nam đang có. Họ sẽ được rèn luyện và làm quen với tác phong chuyên nghiệp để phấn đấu tìm cơ hội ra sân thay vì nghiễm nhiên một suất đá chính ở HAGL.
Chưa phải lúc về nhà
Mặc dù có phần nào đó mang tính chất thương mại, tuy nhiên cũng cần khách quan nhìn nhận rằng ba chuyến “xuất ngoại” của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường có không ít yếu tố chuyên môn. Họ là ba cầu thủ trẻ thật sự có tiềm năng và đáng để các đội bóng nước ngoài đặt niềm tin. Với những người trẻ như vậy, cần phải có một khoảng thời gian tương đối để họ phát triển và chứng tỏ được năng lực. Đó hoàn toàn không phải một vụ mua bán thương mại đơn thuần chỉ kéo dài trong một năm để khi mà bên mua đạt được mục đích thì sẽ trả lại món hàng.
Tuấn Anh tập luyện rất vất vả ở Yokohama |
Riêng như trường hợp của Công Phượng, anh hiện tại gần như là cầu thủ nhỏ tuổi nhất ở Mito Hollylock nên chuyện ít được ra sân là quá hiển nhiên. Chính vì vậy, Phượng hay hai đồng đội của mình cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để phát triển và tự khẳng định mình. Rõ ràng, kêu gọi họ về nhà sau chút khởi đầu khó khăn trước mắt là tư duy thiển cận và thiếu chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nếu trở lại V-League lúc này, rất có thể ba cầu thủ trẻ này sẽ một lần nữa phải tham gia cuộc chiến trụ hạng với HAGL. Ở mùa giải năm nay, rõ ràng đội bóng phố núi đã có những sự trưởng thành nhất định so với năm ngoái nhưng nhìn cái cách họ thua tan tác Bình Dương 5-0 vừa qua thì rõ ràng là vẫn chưa đủ. Chắc hẳn không ít người còn nhớ rằng cũng thời điểm này năm ngoái, khi HAGL bị “hội đồng” và thua liên tiếp, nhiều người đã lên tiếng lo ngại rằng Công Phượng và các đồng đội sẽ bị thui chột.
HAGL có thể là đội bóng tốt trong tương lai, điều này chưa thể khẳng định. Tuy nhiên chắc chắn đó không phải là đội bóng của hiện tại. Chính vì vậy, sẽ là tốt hơn cho những tài năng trẻ của họ nếu được gửi đi tu nghiệp ở những môi trường đỉnh cao nước ngoài. Với việc Incheon ký hợp đồng mượn Xuân Trường tới 2 năm và cả Mito lẫn Yokohama đều đang tỏ ý muốn đàm phán mượn Công Phượng, Tuấn Anh thêm một năm nữa, vậy tại sao không để họ tiếp tục ở lại nước ngoài chơi bóng?
Tường Minh