Luôn dồi dào lực lượng và mọi việc đơn giản theo cách “con chị nó đi, con dì nó lớn” nên việc cầu thủ SLNA hết hợp đồng, được khắp nơi mời gọi, ra đi rồi trở về lâu nay là chuyện cơm bữa.
Tất nhiên, khi đầu quân cho các đội bóng giàu nghèo khác, các cựu cầu thủ SLNA ít nhiều sẽ được đối đầu với đội bóng cũ. Rất khó để biết cụ thể tâm tư, tình cảm của họ. Chỉ một điều chắc chắn là mỗi khi về lại sân Vinh, phần lớn đều không thực sự là mình.
HAGL sinh ra và phát triển được như hôm nay có sự bạo tay của bầu Đức khi chiêu mộ một loạt hảo thủ người Thái và tất nhiên, không thể không nói đến việc các công thần của SLNA hồi đó được “hưởng” chính sách ưu đãi khi đến với sân Pleiku như Sỹ Hùng, Quốc Vượng, Quang Trường…
Ngày ấy, khi gặp lại SLNA trên sân Pleiku, đội quê quá yếu nên Quang Trường phải cắn răng đá bóng vào lưới đội bóng cũ. Người viết đến giờ vẫn nhớ khuôn mặt anh thời điểm ghi bàn, nhưng xin không “mô tả” vì không tiện.
Còn nhớ, trận đấu quyết định ngôi vương mùa giải 2011 trên sân Vinh giữa chủ nhà SLNA và Hà Nội T&T. Ngay phút thứ nhất, Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008 Dương Hồng Sơn đã lập bập ói bóng ra để đội quê ăn bàn. Công Vinh thi đấu cố gắng nhưng sớm bị thay ra. Chỉ duy nhất hậu vệ biên Hồng Tiến, gặp lại đội quê ở Hàng Đẫy hay Vinh thì cũng “rứa”, thi đấu như “chưa hề có cuộc chia tay”. Quả thật, một thái độ chuyên nghiệp đến thế không dễ có được ở các cầu thủ Việt.
Gần đây, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình khi về lại Vinh ít nhiều cũng mang tâm trạng khó nói. Hoàng vẫn hay nhưng không hiểu sao sút mãi bóng cứ không chịu vào lưới đội quê. Và lấy một lý do nào đó để ngồi trên khán đài là điều dễ làm nhất, vui vẻ cả làng đối với những cầu thủ vì cơm áo mà rời phố Đào Tấn thân yêu.
So với những cái tên kể trên, chuyến về lại sân Vinh của Công Phượng kể ra thật nhiều điều thú vị. Phượng chỉ mới là người học việc không thành ở phố Đào Tấn và từ điều không may lại gặp điều may khi đậu lò Hàm Rồng mà lớn nhanh như thổi, lại nhờ công nghệ truyền thông bài bản của Bầu Đức mà vươn tầm khu vực. Người thầy đầu tiên cho đến nay Phượng vẫn kính trọng và biết ơn nguyên là cầu thủ SLNA, được ông truyền dạy những kiến thức đầu tiên vô cùng ý nghĩa.
Cổ động viên xứ Nghệ nói gì thì nói đều hết lòng quý yêu Công Phượng và mong anh tiếp tục trưởng thành. Các “đối thủ” ở SLNA phần lớn đều gần gũi và hiểu rõ tài năng của Phượng. Họ nhất loạt nói “bạn ở ngoài đời, còn trên sân phải chiến!” là một thông điệp khá chuyên nghiệp. Hãy xem 90 phút bóng lăn tới đây, điều gì sẽ đến? Có thể Công Phượng đã từng đột phá ghi bàn ở mọi góc độ ở các giải trẻ khu vực, ở V.League, ở vòng loại U23 châu Á vừa rồi nhưng trận đấu trên sân Vinh tới đây sẽ không một chút dễ dàng?
Nếu mọi cố gắng của Phượng được đền đáp, chẳng hạn anh phá lưới trên sân Vinh ngày về, có thể sẽ có rất nhiều giọt nước mắt rơi. Từ người mẹ quê kiểng. Từ người thầy chăm bẵm thuở gầy nhom chạy theo trái bóng. Từ chính sự khâm phục của các đối thủ - đồng đội. Từ những tràng vỗ tay không ngớt của người hâm mộ xứ Nghệ trên các khán đài từng được coi là chảo lửa. Bóng đá vì thế nhiều khi đáng nói hơn rất nhiều nếu gắn liền với những tài năng, với tình cảm vô bờ dành cho người hâm mộ, về những đứa con ngỗ ngược đang dần trưởng thành…
Xem thêm các tin bóng đá Việt Nam mới nhất
Theo Vietnamnet