Ở lượt đấu thứ 2 giữa Đồng Tâm Long An (ĐTLA) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sân Tân An đã không kín khán giả. Nhưng điều đó bắt nguồn từ quyết định của BTC khi không cho phép một số lượng lớn khán giả đã có vé tiếp tục vào sân để đảm bảo an toàn.
Còn trên thực tế, sân Tân An đã trải qua một đợt sốt vé mang tính kỷ lục trong lịch sử của ĐTLA. Thậm chí, vé trên thị trường chợ đen đã có lúc được hét giá tăng gấp 10 lần. Điều gì tạo ra cơn sốt bất thường ấy? Tất nhiên, nó không đến từ đội chủ nhà ĐTLA, mà nó xuất phát từ hiệu ứng HAGL. Ở thời điểm này, Công Phượng và các đồng đội thực sự tạo ra một cơn sốt trong làng bóng đá nội.
Chỉ riêng việc tất cả các trận đấu của họ ở lượt đi đều được truyền hình trực tiếp cũng đủ cho thấy HAGL đang được quan tâm đặc biệt như thế nào.
Thật ra, sau màn trình diễn của lứa Công Phượng ở cấp độ U19 thì việc họ được khán giả hâm mộ cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, liệu trong đám đông xếp hàng mua vé và vào sân theo dõi HAGL có bao nhiêu người là những CĐV đích thực của Công Phượng và các đồng đội, hay phần lớn chỉ là tâm lý đám đông, a dua?
Bóng đá Việt Nam cũng từng được chứng kiến những cơn sốt nóng không kém gì HAGL hiện nay. Ví dụ như sân Lạch Tray từng có thời điểm là chảo lửa cuồng nhiệt nhất cả nước hay Thanh Hóa khi mới lên hạng cũng từng xảy ra tình trạng “vỡ sân” vì lượng khán giả quá đông.
Nhưng điều đáng nói là hiện tượng này sau đó lại không thể duy trì một cách bền vững. Hải Phòng giờ cũng thường xuyên phải thi đấu trên một sân đấu vắng như chùa bà Đanh. Còn lượng CĐV rất hùng hậu của Thanh Hóa cũng dần biến mất cùng với sự đi xuống về thành tích của đội bóng.
Số khán giả đến sân cũng mới chỉ bắt đầu tăng trở lại ở mùa bóng vừa rồi, khi Thanh Hóa chơi khởi sắc. Những câu chuyện này cho thấy sự cỗ vũ của người hâm mộ Việt Nam vẫn diễn ra chủ yếu theo phong trào, theo thành tích.
Chứ không phải là yêu một cách vô điều kiện, luôn dõi theo từng bước chân của các cầu thủ, của đội bóng bất kể kết quả, thành tích. Không chỉ ở cấp CLB mà tại ĐTQG cũng vậy. Chẳng đâu xa, ở AFF Cup 2014 vừa qua, khi thầy trò HLV Miura thi đấu ở vòng bảng thì không một lần sân Mỹ Đình kín chỗ.
Nhưng sau khi ĐT Việt Nam xuất sắc đánh bại Malaysia 2-1 ở trận lượt đi trên sân khách, qua đó rộng cửa vào Chung kết thì trận lượt về lập tức sốt vé. Đây là điều khác hẳn ở các giải đấu phát triển như Ngoại hạng Anh hay Bundesliga. Ở đó, ngay cả các CLB nhỏ thua nhiều hơn thắng, luôn phải vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng thì lượng CĐV vẫn rất ổn định.
Vì thế, chẳng có gì đảm bảo tình trạng tương tự không xảy ra với HAGL. Đội bóng của thầy “Giôm” vừa nhận trận thua đầu tiên của mùa giải. Không biết rằng nếu HAGL liên tiếp thất bại vài ba trận nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu họ có bị đám đông đang o bế, tung hô quay lưng, ruồng bỏ? Hi vọng là không.
Bởi nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ là một cái tát phũ phàng; một cú sốc lớn đối với những mầm non tương lai của bóng đá Việt Nam. Cố HLV huyền thoại của Liverpool, ông Bill Shankly từng nói: “Nếu bạn không thể cổ vũ chúng tôi khi chúng tôi thua hoặc hòa, đừng cổ vũ chúng tôi khi chúng tôi giành chiến thắng”.
Thế nên, mong rằng người ta sẽ ở bên Công Phượng và các đồng đội, nếu họ có tiếp tục trượt dài trên BXH V-League. Chứ đừng đóng vai những người lớn hiếu kì!
Theo Kenh14