Sau sự cố trên sân Thống Nhất, vấn nạn trọng tài đã lên đến đỉnh điểm. Nếu không làm một cuộc đại cách mạng thì rất khó để bóng đá Việt Nam phát triển.
⇒ Bóng đá 24h cập nhật nhanh chóng tin tức V League 2017 và lịch thi đấu V-League 2017. |
Cách mạng dang dở của bầu Kiên
Ngày 8/9/2011, rất nhiều NHM còn nhớ rõ màn cướp diễn đàn và vạch trần bộ mặt thật của Bầu Kiên về VFF trước toàn thể cơ quan báo chí, truyền thông. Thời điểm đó, cựu ông bầu của CLB Hà Nội đã làm tất cả đều khiến những người tổ chức V-League bừng tỉnh. Từ đe dọa 7 đội bỏ giải, tố cáo bàn tay mafia của trọng tài, công khai chuyện tài chính mập mờ của VFF. Trước những sự thật không thể chối cãi, VFF đã đồng ý để VPF ra đời để điều hành V-League. Thế nhưng khi cuộc cách mạng mới ở những bước đầu tiên thì bầu Kiên vướng vòng lao lý.
Sau sự cố sân Thống Nhất, Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm đã đệ đơn từ chức.
6 năm sau buổi cướp diễn đàn của bầu Kiên, những lời nói ra từ ruột gan của cựu chủ tịch CLB Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị. Kể từ khi ông Kiên “đầu bạc” rời đi, VPF cũng chỉ còn là “vỏ bọc” cho VFF. Công tác trọng tài, kỷ luật, những nỗi nhức nhối nhất của nền bóng đá quay trở lại như cũ. Ông Đoàn Phú Tấn lại phải nhường vị trí trưởng ban trọng tài cho cái tên quá cũ - Nguyễn Văn Mùi. Người đã làm công việc này từ năm… 1995. Bộ phận lãnh đạo đã như vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên khi công tác trọng tài ngày càng yếu kém. Những cú phốt xuất hiện ngày càng nhiều, dày đặc đến mức mà BTC phải mời trọng tài ngoại. Còn bây giờ, niềm tin vào giới cầm cân nảy mực có lẽ cũng đã không còn.
6 năm sau màn cướp diễn đàn của bầu Kiên, công tác trọng tài vẫn đầy bất cập |
Tức nước vỡ bờ
Sự việc cầu thủ Long An phản ứng trọng tài như một giọt nước tràn ly sau một thời gian dài dồn nén. Có lẽ đó cũng là đỉnh điểm cho niềm tin của các đội bóng, NHM vào vua áo đen. Thật ra, những quyết định của Trọng Thư trên sân Thống Nhất không đến mức quá “lộ liễu” và chưa thể kết luận là vì tư tưởng hay không. Tuy nhiên một chuỗi những serie pha bóng nhạy cảm thì đều gây bất lợi cho đội khách. 2 quả 11m gây tranh cãi, 1 bàn thắng bị từ chối, công nhận 1 bàn thắng chạm tay của TP HCM. Dễ nhận ra nhất ở 2 tình huống chạm tay dẫn đến bàn đầu tiên và bàn thứ 2 cho chủ nhà. Bóng vô tình chạm trung vệ Nam Anh dù anh đã khép tay thì trọng tài vẫn thổi phạt đền. Còn Dyachenko cũng chạm tay trước khi chuyền cho Victor lập công thì không bị thổi phạt.
Sự cố sân Long An vào hôm qua có lẽ sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam lẫn thế giới. Thêm một lần V-League chứng minh sự… nghiệp dư không khác gì thời bao cấp...
Cách đó ít ngày tại Lạch Tray, các CĐV đã chửi trọng tài từ trên khán đài cho đến phòng họp báo, từ trong sân cho đến khi về khách sạn. Đội bóng thành phố Hoa phượng đỏ phản ứng là đúng vì thổi phạt đền ở phút cuối khi Quang Hải va chạm với Văn Phú là quá nặng. Ông Hiền Triết rất giống trọng tài Trọng Thư chiều qua. Chỉ chờ cầu thủ ngã ra là thổi phạt đền dù va chạm trước đó cũng không thật rõ ràng. Hành động của CĐV Hải Phòng giống với các cầu thủ Long An, rất đáng trách nhưng đó là hệ quả của một sự ức chế dồn nén bị bung ra.
Công tác trọng tài đang làm mất niềm tin từ NHM |
Nên dừng hoặc giải tán V-League một thời gian
Bây giờ có nói gì, có xin lỗi cũng không còn tác dụng. Thậm chí những bản án nặng của giới trọng tài cũng trở nên “nhờn”, thiếu đi sự tôn trọng, thiếu đi niềm tin từ các đội bóng và nhất là NHM. Vì thế sau sự cố sân Thống nhất có thể coi là màn tuyên chiến của các CLB với BTC, với Ban trọng tài. Khi tiềm thức đã in sâu những hành động sai trái, những tư duy thâu tóm của giới cầm cân nảy mực thì dù trọng tài có làm đúng vẫn bị phản ứng. Biện pháp tức thời lúc này là mời trọng tài ngoại nhưng rõ ràng chỉ là trước mắt, không phải lâu dài. Phải chăng, giờ là lúc mà VFF, VPF cần tạm dừng hoặc thậm chí giải tán V-League một thời gian để chấn chỉnh lại? Dù muộn thì vẫn còn hơn là để giải đấu tiếp tục duy trì nhưng trở nên vô giá trị trong mắt NHM như hiện nay.
Tạm hoãn hoặc giải tán vài năm không phải con đường cùng. Bóng đá Việt Nam đang cần những khoảng lặng cần thiết khi mà sự thối nát đã nổi tiếng khắp thế giới. Đập đi, xây lại hệ thống trọng tài và điều hành trọng tài. Chi tiền mua công nghệ và mời các chuyên gia thế giới về giảng dạy. Sau đó mới là giáo dục lại văn hóa ứng xử cầu thủ. Chỉ có những cuộc đại phẫu như thế mới giúp nền bóng đá được cải thiện. Còn nếu vẫn như hiện này thì dù có đổ bao nhiêu tiền cũng trở nên vô nghĩa.
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)