Đội tuyển Việt Nam vừa có chiến thắng Qatar 2-1 ở trận giao hữu ngay trên đất bạn. Đó là một chiến thắng đáng khen bởi sự nỗ lực của từng vị trí trên sân, nhưng buồn thay, có vẻ như sự phấn khích lẫn có ý đồ từ những người lớn đã khiến cho ở các cấp độ đội tuyển đang có sự phân hoá sau thành công của U19.
Có lẽ giờ thì chẳng cần phải bàn thêm về thành công của đội U19 Việt Nam. Bởi lẽ, những ngày qua, từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ lẫn đời tư của các cầu thủ đã được khai thác triệt để.
Nhưng, cũng từ thành công của đội U19 Việt Nam lần này, không ít những toan tính đã dần hiện rõ, điều đáng ngại nhất là việc dùng thành công của lứa cầu thủ này như một phương thức để đạt được mục đích. Điều này nhiều khả năng sẽ làm khổ các cầu thủ U19 chứ không hẳn là ngợi khen, là giúp các em.
Những câu chuyện mượn danh đội U19 để chỉ trích VFF rằng thiếu quan tâm, từ việc không đồng ý cho tổ chức buổi lễ ăn mừng khi thắng U19 Úc hay, tại sao không phản ứng với chuyện trọng tài người Trung Quốc bắt trận Hong Kong – Việt Nam… đều rất tầm phào. Bởi VFF cho rằng, “nhà đang có tang lớn, chuyện thắng U19 Úc là đáng mừng nhưng không phải mừng đến độ quên hết mọi sự” là hợp lý.
Và nếu biết rõ luật về bóng đá, sẽ thấy việc tự xưng mình là cổ động viên nhiệt thành để rồi lên truyền hình bắt bẻ chuyện trọng tài là vô lý, bởi liên đoàn Bóng đá Hong Kong và liên đoàn Bóng đá Trung Quốc là hai thực thể hoàn toàn khác biệt. Nếu dùng lối tư duy theo kiểu Việt Nam như “trọng tài Võ Minh Trí có ông ngoại người Long An nên không được bắt trận có Long An” thì quá ấu trĩ.
Tất nhiên, giới bóng đá ai cũng hiểu, đây được coi là đòn phép nhằm hạ bệ uy tín của bộ sậu VFF trước cuộc bỏ phiếu tìm chủ tịch mới. Nhưng có cần phải thế không khi uy tín của VFF vốn đã chẳng cao?! Chỉ biết một điều hiển nhiên nhất, với việc “mượn” U19 cho các ý đồ khác, người lớn, những người đang được coi là “quan tâm” đang đẩy dần U19 vào tình thế khó xử.
Bởi không ít các cầu thủ U23 và ở cả đội tuyển cảm thấy bị tổn thương thật sự khi người ta dùng họ làm bàn đạp để nâng đội U19 lên một bước cao hơn. Ở các đội tuyển, người ta luôn cần sự đoàn kết, sự thống nhất thành một khối nhưng rõ ràng, những lời dè bỉu các lứa cầu thủ khác để nâng tầm lứa cầu thủ mà mình yêu thích đã khiến cho khoảng cách của sự thân thiện, đoàn kết giữa các thế hệ nối tiếp nhau giãn ra đáng kể.
Thậm chí, việc đội tuyển Việt Nam dù tập “chay” và chỉ vừa gom quân trong vài tuần để rồi thi đấu tại Qatar trong sự nỗ lực vượt bật, dù chỉ là giao hữu, để giành chiến thắng thay vì đáng được khen ngợi lại bị giễu cợt thành “thử kêu đốt tịt” liệu có đáng?!
Nói ngắn gọn, việc “chạy dây giành ghế” là chuyện của người lớn, đừng khiến các cầu thủ U19 trở thành tấm bình phong cho những ý đồ của mình như cái cách người ta đã dùng Văn Quyến, Ánh Cường, Như Thuật… để gây sức ép với liên đoàn trước kia, để rồi hỏng cả một lứa.
Thương nhau ai làm kỳ vậy?
(Theo SGTT)