Nếu tính từ năm 1980, Đường sắt đăng quang ngôi vô địch đầu tiên, đến nay, giải VĐQG đã đã 31 tuổi.
31 năm có thể chia ra 2 giai đoạn rất rõ: 20 năm bóng đá bao cấp, 11 năm bóng đá chuyên nghiệp. Thời bao cấp dù khó khăn như thế nhưng không ít đội bóng đã xây dựng được hình ảnh có tính biểu tượng. Tiêu biểu cho 2 đầu đất nước là Thể Công (5 lần vô địch), Cảng Sài Gòn (4 lần). Ngoài ra, không khó để kể ra hàng loạt cái tên đã ghim sâu vào lòng người hâm mộ cả nước.
11 năm lên chuyên, quãng thời gian chỉ ½ chặng đường so với bóng đá bao cấp, nhưng, V-League không cho thấy bất cứ tên tuổi nào có một sự ổn định, nói gì phát triển để vươn tới tầm biểu tượng.
SLNA là tên tuổi giàu truyền thống, nhưng sau khi vô địch mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên lập tức rơi vào khủng hoảng. Ở một địa phương còn nghèo khó đủ bề, họ không mất tên đã là may mắn lắm rồi.
Với những cầu thủ như Đình Đồng (phải), SLNA có thể yên tâm về tương lai trong một thời gian không ngắn
Chẳng như Cảng Sài Gòn, vô địch năm 2002 nhưng rớt hạng ngay sau đó, khai tử luôn một tên tuổi trứ danh.
Sau đó, HA.GL, ĐT.LA, B.BD chia nhau vô địch 2 năm liên tiếp, rồi cũng đổ đèo. SHB.ĐN thì tệ hơn, một năm sau ngày đăng quang, họ đã thể hiện một diện mạo vô cùng thất vọng. HN.T&T không đến nỗi nào, nhưng việc bảo vệ thành công ngôi vô địch xem ra quá khó.
Những gã khổng lồ tồn tại trên đôi chân đất sét gợi lên liên tưởng các nhà vô địch V-League như những anh học trò học vẹt. Có nghĩa, không có căn bản nên không hiểu sâu nhớ kỹ.
Nhà văn Nguyên Ngọc mới đây có lời nhận xét rất hay về cái tật rất xấu của người Việt, đấy là bệnh hời hợt. “Chúng ta chỉ học những cái “đại ý”, cần cho yêu cầu sống tức thì của mình, “hớt” những cái cần, cái trên bề mặt và dừng lại ở đó”.
Hãy nhìn vào cách làm bóng đá chuyên nghiệp, thì rõ, chẳng khác gì vừa đi vừa dò đường. Có lần, các CLB và một số quan chức VFF tá hỏa khi Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi định bê nguyên cả J-League (Giải VĐQG Nhật Bản) áp dụng vào điều kiện VN.
Các CLB thì làm mọi cách để vô địch, hạ sách nhất là tung tiền vô lối. Hoặc, hô biến thành một đội bóng rồi đưa đến địa phương nào đó, bắt khán giả phải “yêu”. Điều đó đã khiến cho quá nhiều thứ phát triển không đúng thực tế, điển hình nhất là giá trị chuyển nhượng.
Có lẽ, khán giả cả nước vẫn thích SLNA sẽ là nhà vô địch của V-League 2011, bởi ở họ đang hội đủ những yếu tố của một biểu tượng, một đội bóng giàu bản sắc bậc nhất.
Bóng đá xứ Nghệ đang nắm giữ ngôi đầu. Nếu năm nay SLNA đăng quang, căn cứ vào cái gốc đang có, dù năm sau không vô địch, nhưng rất có thể họ vẫn duy trì được sự ổn định của mình trong thời gian không ngắn. Đấy là điều mà sau 11 năm lên chuyên, các nhà vô địch chưa làm được sau khi lên đỉnh.
Thế mới là bóng đá chuyên nghiệp. Ở góc độ này, rõ ràng bộ mặt CLB cũng phản ánh phần nào diện mạo các ĐTQG. Chúng ta từng đạt đỉnh, nhưng mỗi lần tham dự giải đấu trong khu vực lại khiến ai cũng phải nơm nớp lơ ngại bởi cái sự phát triển không căn bản.
SLNA, SHB.ĐN, TĐCS.ĐT, K.KH đang phát triển tích cực, đấy là những tín hiệu lạc quan. Ngay cả Thanh Hóa, đùng một cái nhảy lên vị trí thứ 6, đấy là bất ngờ, nhưng là bất ngờ hợp lý, chẳng hạn tính màu cờ sắc áo của họ ăn đứt khối đội.
Đến bao giờ tất cả các đội bóng VN thấm thía cái cách làm bóng đá kiểu “học vẹt” ?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)