Ai bảo Lê Huỳnh Đức chỉ biết thiết quân luật sẽ là rất sai lầm, hoặc nếu đúng, chuyện đó cũng thuộc về một thời xưa rất xưa rồi. Huỳnh Đức bây giờ cũng “đắc nhân tâm” và biết cách khơi dậy tinh thần chiến đấu của cầu thủ trước mỗi trận đấu lớn. Không tin hãy hỏi chính các cầu thủ của SHB.ĐN mà xem. Thật đúng là không có gì là mãi mãi, nhưng điều quan trọng là tính hiệu quả.
1. Một trong những mẩu chuyện mà nhà văn-nhà thuyết trình Mỹ, Dale Carnegie, đưa vào cuốn “Đắc nhân tâm” nổi tiếng là câu chuyện giữa anh nhân viên thu tiền điện và bà góa phụ. Đại ý rằng, sau năm lần bảy lượt bất lực trước thái độ bất hợp tác của bà chủ nhà, anh nhân viên được tư vấn là đừng bao giờ gõ cửa căn nhà đó với mục đích thu tiền điện, mà hãy bắt đầu bằng một câu chuyện không liên quan đến tiền nong với bà chủ.
Quan sát thấy xung quanh nhà bà góa phụ nuôi rất nhiều gà mái đẻ trứng, anh nhân viên chọn câu chuyện về đàn gà và những quả trứng gà, tất nhiên là không quên dành tặng những lời khen tay nghề của bà chủ. Trong toàn bộ câu chuyện, chẳng có từ nào liên quan đến tiền điện và hóa đơn cả. Đến cuối buổi, khi đứng dậy chào bà chủ nhà ra về, anh nhân viên bất ngờ bị kéo giật lại, khi trên tay bà chủ lúc đó là số tiền đủ trả cho cái hóa đơn tiền điện mà bà thiếu.
HLV Huỳnh Đức (phải) đang học theo đàn anh Thanh Hùng (trái) để áp dụng chính sách “đắc nhân tâm” ở SHB.ĐN
Điều gì đã xảy ra và tại sao bà chủ nhà góa phụ lại thay đổi 180 độ, chuyển từ thái độ bất hợp tác qua… hợp tác?! Theo thuyết của Dale Carnegie, đừng bao giờ trực chỉ quan tâm đến điều mình muốn, mà quên mất việc khơi dậy sự hứng thú với đối tác, bằng cách đề cập đến mối bận tâm và niềm vui lớn của họ. Tất nhiên, “chiêu” này chỉ dùng trong những “ca khó”, hoặc cần phải “thuyết khách” nhiều hơn, và không có trong quy định bằng văn bản nào.
2. Một ngày trước trận đấu quan trọng với Sài Gòn FC (vòng 19, V-League 2012), Huỳnh Đức đã gõ cửa từng phòng các cầu thủ SHB.ĐN để hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện tình nghĩa, với cả những quan tâm đến chuyện gia đình của học trò. Điều này xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là chưa từng xảy ra trong sự nghiệp huấn luyện vốn còn khá ngắn ngủi của vị tướng trẻ họ Lê tại đội bóng bên bờ sông Hàn. Thế nên ai nấy đều rất ngạc nhiên.
Thực tế đã có điều gì đó khác thường trong cách cư xử của Huỳnh Đức với các học trò kể từ đầu tuần vừa rồi. Và đây chỉ là diễn biến tiếp theo mà thôi. Buổi sáng hôm trận đấu diễn ra, Huỳnh Đức còn mời anh em cầu thủ đi café vỉa hè và một lần nữa, câu chuyện nối tiếp câu chuyện, về tình thầy trò, đồng chí và đồng đội. Tuyệt nhiên, chẳng có cụm từ nào liên quan đến bóng đá, đến trận đấu quan trọng vào buổi chiều với mệnh lệnh buộc phải thắng bằng mọi giá.
Trận đấu đó, cầu thủ SHB.ĐN đá như lên đồng và nếu may mắn hơn, Ngọc Thanh đã sớm có bàn mở tỷ số ngay phút thứ 10. Hiệp 1 chưa kết thúc và tỷ số khi đó là 1-1, một thiệt thòi quá lớn đã xảy ra với những cầu thủ chủ sân Chi Lăng, khi Gaston Merlo dính chấn thương nặng. Nhưng bằng với lửa nhiệt huyết được truyền đi từ các khán đài và từ chính Huỳnh Đức, cầu thủ SHB.ĐN đã chiến đấu đến những giây cuối cùng để giành chiến thắng cách biệt tối thiểu vào thời điểm tiếng còi mãn cuộc chuẩn bị vang lên.
Chẳng cần phải quan tâm việc Huỳnh Đức có đọc “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie hay chưa, nhưng rõ ràng biện pháp chuẩn bị tâm lý trước trận đấu của vị HLV trưởng SHB.ĐN đã phát huy hiệu quả. Có nhiều cách khác nhau để khơi dậy khát vọng, cũng như tinh thần chiến đấu của chiến sỹ và với Huỳnh Đức, đó là một cách. Huỳnh Đức đã chấp nhận hạn chế cái tôi để gần gũi với cầu thủ hơn, chấp nhận thay đổi thói quen hay nói thẳng ra là thay đổi phương pháp, để có điều mình cần.
Nếu SHB.ĐN vẫn sẽ chiến đấu với tinh-thần-Đức, hẳn sẽ không hề đơn giản chút nào cho đoàn quân của đồng nghiệp bên kia chiến tuyến Phan Thanh Hùng vào chiều nay.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)