Thứ Tư, 13/11/2024 Mới nhất
Zalo

Chữ tín trong bóng đá Việt Nam

Thứ Hai 07/01/2013 22:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá không khán giả thì VFF, VPF và các CLB chơi với ai? Đấy là câu hỏi rất đau lòng, khi cách làm bóng đá chuyên nghiệp 12 năm coi khán giả là thứ yếu dẫn đến kết cục hàng loạt biểu tượng giải tán, các sân cỏ từ Nam chí Bắc đang ngày càng trống vắng.

Ai cũng xác định bóng đá ta sống và thở bằng bầu sữa của các doanh nghiệp. Trong quá trình xã hội hóa bóng đá, việc các ông bầu gắn kết với các địa phương là xu hướng được coi là tất yếu. Vì vậy, việc hàng loạt các ông bầu chia tay (và sẽ còn chia tay) với bóng đá chưa dừng lại.

Quang cảnh vắng vẻ ở sân Thống Nhất trong một trận đấu trên sân nhà của XMXT.SG ở mùa bóng 2012
Quang cảnh vắng vẻ ở sân Thống Nhất trong một trận đấu trên sân nhà của XMXT.SG ở mùa bóng 2012

Ngoài khủng hoảng kinh tế chưa có điểm dừng, cuộc tình với bóng đá của các ông bầu coi như đã cạn khi hoàn thành sứ mệnh phi bóng đá, dĩ nhiên phải kể đến nguyên nhân chủ quan từ chính việc điều hành bóng đá chuyên nghiệp của VFF chưa tạo được niềm tin cho các ông bầu.

Cũng có thể gọi, chưa tạo được sân chơi công bằng, khi vẫn còn tình trạng bên trọng, bên khinh từ chính nội bộ các ông bầu bóng đá. Điển hình như trường hợp bầu Hiển được làm chủ nhiều đội bóng, cả chuyên nghiệp lẫn hạng Nhất, gây một cuộc bức xúc vô cùng lớn từ trận “chung kết” cuối mùa giải 2012. Khi các ông bầu, chủ thể chính quyết định sự tồn tại của hoạt động bóng đá nội, bỏ bóng đá, vậy thì VFF chơi với ai? VPF lập được, cũng có thể giải tán. Còn, VFF thì không.

Trở lại câu chuyện tìm HLV trưởng cho ĐT Việt Nam. VFF vẫn giữa nước đôi giữa chọn HLV nội và HLV ngoại. Nội bộ phân tán, không khó để dư luận nhận diện 2 luồng quan điểm trái ngược. Mời HLV nội thì rất nhiều vấn đề trong cách hành xử. Còn nhớ trước khi HLV Phan Thanh Hùng nhận lời, rất nhiều HLV nội đọc báo giật mình khi tên mình xuất hiện được VFF mời, nhưng kỳ thực họ nói thẳng chưa hề có cuộc tiếp xúc nào nghiêm túc.

Với trường hợp HLV Hoàng Anh Tuấn cũng thế. Ông Tuấn không xin VFF cho ngồi ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam. Ngược lại, VFF, sau khi tất cả các HLV có những tiêu chí tương đồng với VFF đều ngại ngùng lắc đầu, họ đã liên tục tiếp xúc với HLV Hoàng Anh Tuấn.

Ông Tuấn đã 2 lần được mời ra Hà Nội. Cuộc mời mọc gần nhất, đấy là tối 3/1/2013. 6h tối phải bay ra gấp, làm việc với toàn “yếu nhân” của VFF và Tổng cục TDTT đến gần qua ngày 4/1. Chưa chợp mắt thì đã bị dựng dậy để làm việc đến hết buổi sáng. Sau đó, lọ mọ ra sân bay trở về Nha Trang.

Một chuỗi buổi làm việc phải nói là vô cùng mệt mỏi nhưng đổi lại vẫn là thái độ không thực sự rõ ràng của VFF. Như thế, ông Tuấn không dỗi mới lạ. Ông không phải đi “xin” VFF, khi XM V.Hải Phòng chưa hẳn là nơi không đáp ứng những điều kiện làm nghề cho ông Tuấn, xét cả khía cạnh vật chất.

Vấn đề còn lại không phải là việc ông Tuấn có làm HLV trưởng ĐT Việt Nam hay không, mà là còn HLV nội nào có khả năng tin tưởng vào những lời mời chào của VFF nữa hay không. Vậy thì VFF chơi với ai, chọn những HLV nội làng nhàng và thiếu cá tính, dễ bảo chắc?! Trong cơn khủng hoảng, VFF càng phải xây dựng những yếu tố cấu thành niềm tin. Muốn thế, trước hết họ phải thể hiện được sự thống nhất, đoàn kết, có chữ TÍN cao, không chỉ riêng thái độ và quan điểm chọn HLV trưởng ĐT Việt Nam.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X