Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Chủ tịch VFF và những "người giúp việc" tận tụy

Thứ Sáu 28/03/2014 07:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu coi Chủ tịch VFF giống như ông chủ của một ngôi nhà thì các ông phó chủ tịch giống như những người giúp việc đắc lực trong ngôi nhà ấy. Trong tư thế người giúp việc, liệu những ông phó có giúp cho chủ ngôi nhà cai quản ngôi nhà một cách sạch sẽ, tươm tất được không?

Phải hỏi thế là bởi giữa các ông phó chủ tịch với ông Chủ tịch VFF lâu nay thường có những mối quan hệ bất cân bằng. Thời ông Mai Liêm Trực làm Chủ tịch, ông thường quyết mọi thứ từ A đến Z, và khi ông đã nghĩ, đã quyết thì các ông phó chỉ có nước... gật đầu nghe lệnh. Hồi ấy, khi ông Trực bảo: "Bộ máy điều hành VFF thấp hơn mặt bằng xã hội" thì một cấp phó của ông đã chia sẻ với chúng tôi: "Dư luận cứ tung hô, ca ngợi câu nói ấy, chứ xét về bản chất câu nói ấy cũng có nhiều bất ổn". Nhưng đấy cũng chỉ là ý kiến theo kiểu "rỉ tai nhau" vậy thôi.

VFF sẽ đổi mới toàn diện dưới thời ông Lê Hùng Dũng
VFF sẽ đổi mới toàn diện dưới thời ông Lê Hùng Dũng

Nhưng đến thời của ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ thì mọi chuyện lại diễn ra theo chiều khác hẳn. Cái khác mà ở đó có nhiều thời điểm, nhiều sự vụ, quan điểm của cấp phó, cụ thể là ông phó tài chính Lê Hùng Dũng còn át cả ông chủ tịch. Ví dụ rõ nhất là khi VFF chọn thầy cho ĐTQG, và khi ông Hỷ bước đầu đã ưng ý với phương án chọn HLV Hoàng Anh Tuấn thì ông Lê Hùng Dũng lại đăng đàn nghi ngờ năng lực của ông Tuấn, và thế là sau đó ông Tuấn rớt đài.

Nhiệm kỳ VI VFF, đã có nhiều lúc chính những người trong bộ máy Liên đoàn cũng phải hỏi xem rốt cuộc thì ai: ông chủ tịch, hay ông phó chủ tịch tài chính mới là người có tiếng nói quyết định ở tổ chức này? Không mang tính cách nảy lửa, gay gắt kiểu ông Mai Liêm Trực, cũng không hiền hiền lành lành kiểu ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII Lê Hùng Dũng nổi tiếng là một doanh nhân nói ít nhưng nói chắc và nói sắc. Và những gì diễn ra trong bộ máy VFF suốt hai nhiệm kỳ qua chứng tỏ: một khi ông đã nói thì những người ở cạnh ông gần như không còn cơ hội... nói thêm vào.

Đơn cử như việc ở chung kết BTV Cup 2012, ông Dũng ngồi trên ghế VIP sân Bình Dương xem U.22 Việt Nam đá với chủ nhà Bình Dương rồi lập tức khen U.22 nức nở. Ông khen là các cầu thủ thậm chí còn có những pha đi bóng khiến các tuyển thủ QG cũng phải trầm trồ, và cứ với cái đà này, U.22 Việt Nam có rất nhiều cơ hội vô địch SEA Games vào năm sau.

Từ quan điểm ấy, ông Dũng đề xuất đưa ĐT U.22 dự V.League, và đề xuất của ông lập tức được những người quanh ông ủng hộ. Không có ai trong số những người làm chuyên môn ở VFF dám phân tích ngược với ông rằng, xét ở góc độ chuyên môn bóng đá thì cái nhìn của ông mang nặng màu sắc cảm tính, và kế hoạch đưa một ĐT trẻ QG tham dự một sân chơi cấp CLB sẽ để lại nhiều tác hại khó lường. Phải đợi tới khi vấn đề được đưa ra công luận, và nhiều nhà báo, nhà chuyên môn nằm ngoài VFF đồng loạt "tổng công kích" ý tưởng này thì nó mới (may mắn) không thành sự thực.

Một ví dụ khác ở vòng bảng BTV Cup 2013, khi U.23 Việt Nam đá không như ý trước một đội bóng Brazil thì ngay lập tức ông Dũng đề nghị "đuổi việc" HLV trưởng Hoàng Văn Phúc. Không ai ở VFF lúc đó phân tích ngược với ông rằng đấy là một quyết định vội vàng, có thể đẩy cả VFF lẫn ĐT U.23 QG vào tình cảnh khó khăn trước khi SEA Games khai mạc.

Ai cũng biết, trong tư cách một doanh nhân, ông Dũng là một nhà "kiếm tiền đại tài" cho bóng đá. Nhưng ở góc độ chuyên môn bóng đá đơn thuần, ông chưa bao giờ chứng tỏ mình có một mắt nhìn chuẩn xác. Thế nên trong suốt nhiệm kỳ VII VFF tới đây, nếu những người giúp việc cho ông vẫn chỉ "nhất nhất tuân lệnh" ông, mà không dám bày tỏ những ý kiến mang tính phản biện của mình thì không loại trừ khả năng mọi thứ sẽ bị đẩy đi chệch hướng.

Nhiệm kỳ VII VFF, hơn bao giờ hết người ta chờ đợi những "người giúp việc" cho ông chủ tịch hoàn thành đúng sứ mệnh "giúp việc", chứ không đơn thuần là sứ mệnh "tuân lệnh" của mình!

Theo CAND

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X